Chuyên gia Lê Đạt Chí:
"Thị trường chứng khoán 2010 khó tăng mạnh"
Thị trường chứng khoán năm 2010 sẽ có xu hướng thế nào vẫn là một câu hỏi khó, và dẫn đến các dự báo đưa ra đôi lúc trái chiều nhau. Trước đó, chuyên gia của Công ty chứng khoán Thăng Long dù nhận định VN-Index có thể đạt mốc 700 nhưng cũng thận trọng cảnh báo chỉ số này có thể về 430. Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, đã trao đổi thêm với TBKTSG Online nhận định của ông về xu hướng thị trường trong thời gian tới.
Ông đánh giá như thế nào về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2009 nói riêng và sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, thưa ông?
- Ông Lê Đạt Chí: Theo tôi, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp năm 2009 là khá khả quan. Cụ thể, trong 135 báo cáo tài chính do Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM công bố thì số doanh nghiệp lỗ chỉ có 4, ít hơn nhiều so với năm 2008.
Trong quí 4, nhiều doanh nghiệp cũng có mức lợi nhuận lớn, chiếm đến hơn 40% lợi nhuận cả năm, như Công ty cổ phần Gò Đàng (AGD), Công ty Dược Hậu Giang (DHG)... Nhiều doanh nghiệp đã có lãi từ quí 4 như Công ty dầu thực vật Tường An (TAC), Công ty cổ phần vận tải dầu khí (PVT)... Đó chính là lý do vì sao các cổ phiếu này có nhiều phiên tăng trần liên tiếp bất chấp xu hướng giảm của thị trường trong thời gian gần đây.
Nếu tính cả năm 2009, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của 111 doanh nghiệp mà tôi có tiến hành khảo sát là 134% so với năm 2008. Đây là con số tăng trưởng tôi nghĩ là cao và cũng là động lực quan trọng giúp chỉ số VN-Index có mức tăng gần 60% trong năm 2009.
Như vậy, ông có tin tưởng vào khả năng đi lên của chỉ số VN-Index trong năm 2010?
- Nếu tính chỉ số P/E (thị giá trên thu nhập của mỗi cổ phiếu) của nhóm 111 cổ phiếu mà tôi đã khảo sát thì chỉ số này vào khoảng 11,51 lần. So với nhiều quốc gia, chỉ số P/E của chứng khoán Việt Nam đang ở mức khá thấp, vì trung bình P/E hiện nay của các nước là 20 lần. Chứng tỏ chứng khoán Việt Nam sẽ còn sức hấp dẫn trong thời gian tới.
Cụ thể hơn, hiện nay các giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng đang có tín hiệu tích cực. Thống kê cho thấy, khối này đã có trên 20 phiên mua ròng tại sàn TPHCM với giá trị khoảng 1.400 tỉ đồng.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang dự định thực hiện giao dịch T+2, cho áp dụng các hình thức phái sinh khác như future, option… và việc sàn Hà Nội đi vào giao dịch trực tuyến sẽ là những điều thuận lợi cho thị trường chứng khoán trong năm 2010.
Tuy nhiên, tôi cho rằng thị trường chứng khoán sẽ khó có khả năng tăng mạnh như năm 2009 do tình hình kinh tế vĩ mô năm 2010 chưa thực sự bền vững, có thể rủi ro cho hoạt động đầu tư. Tôi cũng nghĩ là có khả năng lạm phát sẽ tăng cao trở lại, đồng Việt Nam mất giá mạnh hơn. Thêm vào đó, năm 2010 chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cân nhắc, ưu tiên cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô hơn là ưu tiên cho tăng trưởng. Chính sách ưu tiên cho sự ổn định sẽ tạo ra kịch bản có nhiều “răng cưa” cho thị trường chứng khoán. Đây cũng là cơ hội rất tốt cho những người có ý định đầu tư ngắn hạn nhưng sẽ khó tạo ra những đợt tăng dài như trong năm 2009.
Trong năm 2010, ông cho rằng nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường?
- Theo tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang được dẫn dắt bởi hai nhóm ngành có giá trị vốn hóa lớn là bất động sản và tài chính. Giá trị vốn hóa của 2 nhóm này hiện chiếm khoảng 30% tổng giá trị vốn hóa thị trường. Và trong thời gian tới, tôi cho rằng 2 nhóm này sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường vì tính thanh khoản của 2 nhóm này còn rất cao, và nhóm ngân hàng thường là nhóm đi trước trong quá trình phục hồi nên cơ hội đạt được lợi nhuận với cổ phiếu ngành này vẫn luôn có.
Nhiều ý kiến cho rằng trong năm 2009, nhiều ngân hàng kinh doanh chưa hiệu quả, lợi nhuận không cao. Như vậy có thể tiếp tục kỳ vọng vào ngành này trong năm 2010 hay không, thưa ông?
- Thực ra trong năm 2009, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng chính là nhóm dẫn dắt thị trường, từ khi VN-Index phục hồi từ đáy 235,5 điểm vào ngày 24-2 đến giữa tháng 6. Đây là giai đoạn mà ngành ngân hàng được hưởng lợi từ chính sách kích cầu của Chính phủ, cụ thể là chương trình hỗ trợ lãi suất 4%. Nhờ chương trình này, hoạt động tín dụng được khơi thông trở lại, nợ xấu ngân hàng được giảm thiểu.
Tuy nhiên trong 6 tháng cuối năm, ngành ngân hàng đã đánh mất vai trò đầu tàu do những khó khăn như chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay thấp, biến động tỷ giá…
Trong năm 2010, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức 25%, do đó khả năng tăng trưởng của ngành ngân hàng gặp phải nhiều khó khăn. Khả năng thanh khoản là vấn đề quan trọng của ngành ngân hàng trong năm 2010. Việc Ngân hàng Nhà nước đóng cửa sàn vàng cũng phần nào ảnh hưởng đến tình hình lợi nhuận của các ngân hàng có sàn vàng như ACB, Sacombank… Tôi cho rẳng vẫn có những lợi nhuận từ cổ phiếu ngành này nhưng rủi ro cũng sẽ rất lớn.
Như vậy, nếu tình hình thanh khoản của ngân hàng gặp khó khăn thì thị trường bất động sản cũng sẽ khó mà tăng trưởng tốt?
- Đúng vậy. Năm 2009, thị trường bất động sản khởi sắc trở lại cũng do một phần là chính sách mở rộng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Theo tôi được biết, lượng vốn của ngân hàng đầu tư vào bất động sản trong năm 2009 là khoảng 200.000 tỉ đồng, bằng 11,76% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế năm 2009.
Trong năm 2010, nếu những yếu tố kinh tế vĩ mô biến động xấu, hoạt động tín dụng bị thắt chặt thì ngành bất động sản sẽ bị tác động tiêu cực.
Tuy vậy, vẫn có những yếu tố thuận lợi cho ngành bất động sản trong năm 2010 vì nhà nước hiện đang có những giải pháp khắc phục những trở ngại trong thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn có thể chọn các cổ phiếu ngành bất động sản nhưng nên lựa chọn các công ty có các dự án đã triển khai và các hợp đồng bán nhà đã được ký trước. Đồng thời nên chọn các công ty hoạt động trong phân khúc mặt bằng bán lẻ và nhà ở cho người có thu nhập thấp. Dự báo đây là 2 phân khúc phát triển mạnh trong năm 2010.
Xin cảm ơn ông.
Thanh Thương
TBKTSG ONLINE
|