Thứ Tư, 10/02/2010 10:21

Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại gì?

Ngày 8.2, báo cáo mới nhất của HSBC về TTCK Việt Nam đã nêu ra hai quan ngại lớn từ góc nhìn của NĐTNN là thâm hụt thương mại và lạm phát. Mặc dù có vẻ khá trái ngược với xu hướng mua ròng được thừa nhận từ tháng 12.2009 đến nay và mức định giá khá rẻ, quan điểm này vẫn cho rằng khối ngoại tiếp tục lo lắng về vấn đề thanh khoản.

Thâm hụt thương mại vẫn đáng quan ngại

Nhận định về những số liệu vĩ mô mới nhất, HSBC cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi vững chắc với mức tăng trưởng 7,7% trong quý IV/2009. Đây là mức tăng trưởng rất đáng kể so với con số 3,1% hồi đầu năm và mạnh hơn nhiều mức 4,4% và 5,2% trong hai quý tiếp theo. HSBC cũng nhìn nhận khả năng phục hồi xuất khẩu, cầu nội địa và tăng tốc đầu tư sẽ giúp tăng trưởng GDP năm 2010 của Việt Nam đạt mức 6,8%.

Hai vấn đề theo HSBC được NĐTNN quan ngại nhất vẫn là thâm hụt thương mại và lạm phát. Số liệu của năm 2009 cho thấy nhập khẩu đã đi trước khá xa so với xuất khẩu và mức gia tăng thâm hụt thương mại khoảng 1-2 tỉ USD mỗi tháng kể từ tháng 4.2009 và trong tháng 1.2010 con số này khoảng 1,3 tỉ USD: “Chúng tôi cho rằng thâm hụt thương mại vẫn sẽ là vấn đề đáng quan tâm trong ngắn hạn. Dù vậy có thể chúng ta đã chứng kiến giai đoạn tồi tệ nhất”.

Liên quan đến lạm phát, HSBC hồi đầu tháng 1 đã có những nhận xét khá “sốc” khi dự đoán sức ép lạm phát sẽ khiến lãi suất cơ bản có thể phải tăng thêm 4% nữa trong năm nay. Theo HSBC, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1.2010 tăng 1,3% so với tháng 12.2009 và đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này có bước tăng trên 1%. Phân tích trong bản báo cáo mới nhất này tiếp tục giữ quan điểm trên và còn dự đoán sự thay đổi có thể đến trong tháng 3 tới.

Ngoài ra, một số vấn đề khác được cho là sẽ “phủ bóng đen” lên TTCK được HSBC nêu lên như khả năng thắt chặt tín dụng, việc dừng gói hỗ trợ lãi suất, sụt giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài và thanh khoản thấp. Dù vậy quan điểm này cũng đánh giá TTCK Việt Nam hiện đang ở mức khá hợp lý. Nếu ước tính tăng trưởng lợi nhuận của DN niêm yết bình quân khoảng 20% cho năm 2009 và 2010 thì mức P/E tương lai 12 tháng tới của sàn HoSE tương đương 11 lần và Việt Nam sẽ nằm trong nhóm những thị trường có chỉ số PE thấp nhất Châu Á, chỉ cao hơn một chút so với Hàn Quốc (10,1x) và tương đương Thái Lan (11,2x).

Kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định

Quan điểm của HSBC trong những bản báo cáo gần đây khá đồng nhất, tuy nhiên cũng có độ vênh nhất định so với một số phân tích khác. Chẳng hạn dự báo cho năm 2010 của Standard Chartered mới đây cho rằng lạm phát năm 2010 của Việt Nam dự báo sẽ ở mức độ bình thường, trung bình 8,9% trong năm 2010 và đạt mức 10% vào thời điểm cuối năm do tăng trưởng kinh tế ngày càng cao.

HSBC ước tính vốn FDI thực vào năm 2010 khoảng 10 tỉ USD trong khi Standard Chartered Bank dự báo sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ giúp đảo ngược xu thế giảm dòng vốn FDI và lượng kiều hối vào Việt Nam như trong năm 2009. Theo ngân hàng này trong năm 2010, lượng FDI và kiều hối vào Việt Nam sẽ đạt mức 12 tỉ USD và 7,5 tỉ USD.

Khác với các tổ chức nước ngoài, các tổ chức trong nước đánh giá về các chính sách vĩ mô có vẻ khả quan hơn. Chẳng hạn, CTCK Bản Việt ước tính mức lạm phát năm 2010 khoảng 10% và lãi suất cơ bản sẽ dao động trong khoảng 8-10%.

Đánh giá triển vọng năm 2010, phân tích này cho rằng nền kinh tế đã trở lại quỹ đạo của nó và cho dù gói kích cầu có chấm dứt thì các động lực tăng trưởng cũng sẽ tiếp tục. Năm  2010 tốc độ  tăng  trưởng xuất khẩu sẽ đạt mức 6% do giá cả và sản  lượng của một số mặt hàng xuất khẩu chủ  lực như gạo, caosu, may mặc  đã  khôi  phục đà tăng trong  nửa  cuối  của  năm 2009.

Nhập khẩu cũng sẽ tăng  trở lại nhưng sẽ chậm hơn xuất khẩu, đạt khoảng 5% cả năm do các cơ quan quản lý sẽ hạn chế các mặt hàng không thiết yếu, đồng thời giá nguyên liệu đầu vào sẽ tăng chậm hơn giá trị sản phẩm xuất khẩu. Mức thâm hụt thương mại cả năm được ước tính khoảng 12 tỉ USD, tương đương 2009.

Về chính sách tiền tệ, để hạn chế lạm phát, NHNN có thể thắt chặt trong nửa đầu năm 2010. Lãi  suất  cơ  bản  có  khả năng sẽ được nâng  lên để kìm hãm  lạm phát nhưng cũng chỉ tối đa 10%. Dù vậy, việc thắt chặt tiền tệ có thể được nới lỏng dần trong nửa cuối năm khi tình hình vĩ mô ổn định trở lại. Bởi vì mục tiêu của năm 2010 là tăng trưởng ổn định,  yếu  tố  tăng  trưởng cũng không  kém phần quan  trọng, nên  các  thay đổi trong chính sách sẽ tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp với những biến động vĩ mô  và  đưa  nền  kinh  tế  trở  lại  quỹ  đạo  tăng  trưởng  ổn định  cả  về  chất  và lượng.

63 tổ chức nước ngoài được cấp mã số giao dịch trong tháng 1

Theo báo cáo của Trung tâm lưu ký CK, trong tháng 1.2010, đã có 63 NĐT tổ chức và 77 NĐT cá nhân nước ngoài được cấp mã số giao dịch. Như vậy tính chung hiện có 1.213 tư tổ chức và 12.439 cá nhân nước ngoài đang tham gia TTCK Việt Nam. Nhiều thông tin cũng được đăng tải rộng rãi về một số quỹ nước ngoài mới đã trực tiếp tham gia thị trường và lượng vốn ủy thác tăng lên. Đặc biệt là tin một quỹ thuộc Soros Fund Management do “ông trùm” trên thị trường tài chính thế giới là George Soros thành lập đã xúc tiến mở tài khoản tại một CTCK trong TPHCM. Kể từ đầu tháng 11.2009 đến nay, NĐTNN đã mua ròng trên cả hai sàn khoảng 3.833,1 tỉ đồng giá trị CK.

H.N

Hoàng Nguyên

LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Mua chứng khoán của đối tượng kiểm toán, CTKT sẽ bị phạt (10/02/2010)

>   PVI được xếp hạng "B+" (10/02/2010)

>   VFM gia hạn phát hành VFA (10/02/2010)

>   Sudico thành lập CTCP Vật liệu xây dựng (10/02/2010)

>   Chứng khoán kỳ vọng năm 2010 (10/02/2010)

>   “Lát cắt” chỉ số EPS (10/02/2010)

>   PET – Tiềm năng đột phá trong năm 2010 (10/02/2010)

>   Nước ngoài mua vào, sao trong nước bán ra? (09/02/2010)

>   Giao dịch trực tuyến tại HNX an toàn và ổn định (09/02/2010)

>   Thêm 6 công ty sàn HOSE thông báo họp ĐHĐCĐ 2010 (09/02/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật