“Lát cắt” chỉ số EPS
Bên cạnh doanh thu và lợi nhuận, EPS (Earnings per Share - thu nhập trên cổ phiếu) cũng là "lát cắt" quan trọng để nhà đầu đánh giá doanh nghiệp (DN), tính hệ số giá thị trường P/E giúp lựa chọn cổ phiếu đầu tư.
Một năm EPS vượt kỳ vọng
Xếp hạng EPS điều chỉnh của các DN niêm yết năm 2009 có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2008. Trong số 361 DN đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh, 89 DN có EPS trên 5.000 đồng (năm 2008 có 45 DN); EPS trên 10.000 đồng có 20 DN, tăng 12 DN so với năm 2008; DTC, VTS, VSC và CTD là những DN có EPS nằm trong Top EPS cao nhất của cả hai năm.
DRC - Cao su Đà Nẵng đã thay thế HGM - Cơ khí và khoáng sản Hà Giang lên vị trí quán quân năm 2009, với EPS đạt tới 25.370 đồng.
Vị trí thứ 2 thuộc về NTL - Nhà Từ Liêm (với EPS là 25.010 đồng), tiếp theo là DTC - Viglacera Đông Triều (có EPS đạt 18.700 đồng), CTCP Địa ốc Chợ Lớn (18.420 đồng), VIS - Thép Việt Ý (15.280 đồng) và Viglacera Từ Sơn - VTS (14.400 đồng)…
Lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng lên ngôi
DN có vốn hóa lớn không xuất hiện trong danh sách trên mà chủ yếu là các DN có vốn hóa trung bình, một số DN trong danh sách có mức tăng EPS đáng chú ý như: DRC tăng 6,54 lần, VIS tăng 1,75 lần; NTP tăng 2,01 lần - lợi nhuận tăng đột biến xuất phát từ việc tích lũy được nguồn nguyên liệu giá rẻ từ những quý đầu năm; còn RCL với mức tăng 2,54 lần là nhờ giá bán nhà ở tăng mạnh; DHG tăng EPS tới 2,13 lần nhờ tăng hiệu quả hoạt động bằng cách khai thác tối đa công suất các nhà máy hiện có.
Do kinh tế đã qua đáy suy thoái, nên nguyên liệu các loại đều có xu hướng tăng giá: giá cao su tự nhiên, hạt nhựa nhập khẩu, phôi thép… tăng, vì vậy những DN kể trên sẽ khó có thể tăng tỷ suất lợi nhuận nhờ mua nguyên liệu rẻ để duy trì tốc độ tăng trưởng EPS năm 2010 cao như năm 2009.
Có tới 8 trên 15 DN trong danh sách trên thuộc ngành xây dựng - vật liệu xây dựng và vận tải kho bãi - các ngành được hưởng lợi trực tiếp từ gói kích thích kinh tế thứ nhất của Chính phủ trong năm 2009.
DN được đảm bảo vốn đầu tư sán xuất - kinh doanh với lãi suất hỗ trợ 4%/năm, phát huy tốt các lợi thế sẵn có, mở rộng sản xuất - kinh doanh và nắm bắt nhanh cơ hội phát triển, nên không chỉ vượt qua suy thoái, mà còn đạt được những kết quả cao hơn dự định. Năm 2010 được dự đoán sẽ không còn nhiều thuận lợi như năm 2009 do gói kích thích kinh tế thứ nhất đã kết thúc và gói thứ hai không dành cho các DN này.
Tuy nhiên, trên cơ sở thành công của năm 2009 cùng với những dự báo khá lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2010, các DN này vẫn có khả năng tăng trưởng tốt, song tỷ suất lợi nhuận sẽ có xu hướng giảm so với năm 2009.
Lưu ý những hạn chế riêng của DN
Bên cạnh những DN đã xuất sắc vượt qua suy thoái và vươn lên là những DN tiếp tục chìm sâu vào vòng thua lỗ. Đứng đầu trong số đó tính đến thời điểm công bố báo cáo tài chính ngày 3/2/2010, phải kể đến FBT - Xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre với EPS âm (-7.730 đồng). FBT gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường mới, trong khi cả giá và sản lượng xuất khẩu vào thị trường cũ là Liên minh châu Âu (EU), Nga đều sụt giảm, còn chi phí bình quân lại vẫn ở mức cao.
Với EPS âm (- 3.090 đồng), ở vị trí thứ 2 từ dưới lên là SD8 - Sông Đà 8. Nguyên nhân thua lỗ là do Công ty không có hợp đồng mới, đồng thời, các dự án đang thực hiện phải tạm dừng do chủ đầu tư thiếu vốn, Dự án Thủy điện Nậm Chiến đang gặp phải nhiều khó khăn trong thi công… Các vị trí tiếp theo thuộc về TRI - Nước giải khát Sài Gòn và ANV - CTCP Nam Việt với EPS tương ứng là (-2.990) và (-2.690) đồng.
Có tới 3 trên 7 DN có EPS âm trong năm 2009 thuộc về ngành thủy sản. Cho dù là đối tượng được ưu tiên trong gói kích thích kinh tế thứ nhất và là ngành giàu tiềm năng phát triển, song các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và nguy cơ thua lỗ.
Chính vì vậy, cần thận trọng, lưu ý tới những hạn chế riêng của DN trong bối cảnh chung.
Phòng Phân tích đầu tư, TVSI
đầu tư
|