Thứ Tư, 10/02/2010 15:46

Ngành cao su Việt Nam: Tiềm năng và cơ hội đầu tư

Năm 2009, ngành sản xuất, chế biến cao su là một trong những ngành có sự phục hồi ấn tượng do sự tăng mạnh của giá bán sản phẩm. Nếu như thời điểm cuối năm 2008 và đầu năm 2009, giao dịch quanh mốc 1.600 USD/tấn, giá cao su đã bắt đầu đi lên từ cuối quý II/2009 và đạt mức 3.800 USD/tấn vào đầu năm 2010. Dự báo, biểu đồ giá cao su tiếp tục đi lên trong năm 2010 khi kinh tế thế giới chính thức phục hồi.

Tại Việt Nam, ngành cao su đã có từ lâu đời, nhưng gần đây tiềm năng của ngành mới thực sự thể hiện, khi các DN mở rộng quy mô, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất. Với các yếu tố thuận lợi trong ngắn hạn, ngành cao su sẽ được chú ý hơn trong các năm tới, đồng thời những rủi ro tiềm ẩn cũng cần được lưu tâm.

Tiềm năng trung hạn

Diện tích khai thác được mở rộng

Cao su được xem là ngành mà lợi thế đi cùng quy mô. Nước ta có nguồn quỹ đất cùng với khí hậu nhiệt đới thích hợp cho cây cao su. Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á chiếm tới hơn 80% tổng diện tích trông cao su của thế giới.

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, diện tích sản xuất cao su trong nước trong năm 2009 tăng 6,8% so với năm 2008. Tổng diện tích bao phủ bởi cây cao su năm 2009 là 674,2 nghìn héc-ta. Trong đó, tổng diện tích cao su bước vào độ tuổi khai thác và đang khai thác là 421,6 nghìn héc-ta, chiếm 62,5%.

Ngoài diện tích cao su trồng mới ở những vùng truyền thống ở miền Trung Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, cây cao su đã được trồng mới tại một số tỉnh Tây Bắc và đầu tư trồng mới tại Lào và Campuchia, Nam Phi và Myanmar. Theo mục tiêu của ngành cao su Việt Nam, đến năm 2015 tổng diện tích cao su tại mỗi quốc gia nêu trên đạt 100.000 héc-ta, đồng thời tổng diện tích cao su nội địa sẽ đạt 800.000 héc-ta.

Năng suất và sản lượng khai thác được cải thiện đáng kể

Với đặc thù của ngành cao su, năng suất khai thác phụ thuộc khá nhiều vào độ tuổi cây. Cây cao su bắt đầu bước vào khai thác được sau 5 năm. Vào giai đoạn từ 18 đến 23 năm tuổi, cây cho năng suất cao nhất. Hiện tại, bình quân năng suất cao nhất của cây cao su ở độ tuổi khai thác tốt nhất ở Việt Nam vào khoảng 2,2 - 2,4 tấn/héc-ta/năm.

Thời gian qua, ngành cao su Việt Nam chú trọng đầu tư thâm canh, nâng cao đáng kể năng suất, từ 1,65 tấn/héc-ta năm 2008 tăng lên 1,72 tấn/héc-ta năm 2009. Trong đó, năng suất sản lượng mủ bình quân toàn Tập đoàn Cao su đạt 1.77 tấn/héc-ta. Tuy nhiên, có một số nông trường đạt năng suất cao, trên 2 tấn/héc-ta (CTCP Cao su Đồng Phú 2,255 tấn/héc-ta, CTCP Cao su Tây Ninh 2,238 tấn/héc-ta)...

Về sản lượng khai thác, theo đánh giá của Hiệp hội Nghiên cứu cao su (Intemational Rubber Study Group - IRSG), sản lượng cao su tự nhiên của Việt Nam là 7,2%, xếp thứ 5 trong tổng sản lượng cao su thế giới. Trong khi đó, sản lượng cao su thế giới tập trung chủ yếu ở các nước châu á ; đặc biệt, 3 nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia hiện chiếm 80% sản lượng cao su tự nhiên của thế giới. Nếu Việt Nam gia nhập ITRC vào năm 2010, ITRC sẽ chiếm 87,2% tổng sản lượng cao su thiên nhiên thế giới.

Rút ngắn chu kỳ kinh doanh của cây cao su (từ thời điểm khai thác cho đến khi thanh lý vườn cây) là một trong những điểm mới của ngành cao su trong những năm gần đây. Nếu như trước đây, chu kỳ kinh doanh kéo dài tới 25 năm, thì nay bằng các biện pháp kỹ thuật, ngành cao su đã từng bước rút xuống còn 20 năm.

Việc rút ngắn chu kỳ kinh doanh giúp DN cao su thu hồi vốn nhanh, nâng sản lượng gỗ, nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật...Trong khi đó, chu kỳ kinh tế (kể từ khi trồng cho đến khi thanh lý vườn cây) là 25 năm, thay vì 32 năm như trước đây.

Bên cạnh trồng và khai thác cao su, nhiều DN còn tận dụng các rừng cao su đã hết độ tuổi khai thác để tiến hành khai thác và chế biến gỗ, như CTCP Chế biến gỗ Dầu tiếng hay CTCP Chế biến gỗ Thuận An...Nhìn chung, các dự án đầu tư sản xuất và chế biến gỗ khi đã đưa vào sản xuất đã phát huy được hiệu quả.

Dự đoán, nếu như các dự án của Tập đoàn Cao su được triển khai và đưa vào sản xuất đúng kế hoạch thì đến năm 2010, sản lượng chế biến, sản xuất gỗ các loại của Tập đoàn sẽ đạt 600.000 m3/năm và của ngành sẽ là 700.000 m3/năm.

Cơ hội trong ngắn hạn

Nhu cầu thế giới vẫn tiếp tục tăng

Trong những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu cao su của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh chóng. Hiện cao su Việt Nam đã xuất khẩu sang 45 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan....

Hiện Trung Quốc vẫn giữ vị thế là nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới và là thị trường dẫn đầu về xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2009, đạt 510.245 tấn với kim ngạch 856,7 triệu USD, chiếm 69,8% tổng lượng cao su xuất khẩu cả nước, tăng 18,4% về lượng nhưng giảm 19% so với cùng kỳ năm 2008. Do vậy, cần duy từ thị trường truyền thống này bên cạnh việc đa dạng hoá thị trường để phòng chống rủi ro trong xuất khẩu cao su

Giá cao su xuất khẩu sẽ tiếp tục được duy trì hoặc tăng

Dự đoán giá dầu thô, một sản phẩm thay thế của cao su tự nhiên, sẽ tăng khi nền kinh tế hồi phục sau khủng hoảng. Trong năm 2008, giá cao su thiên nhiên tăng lên mức 3.120 USD/tấn tại thị trường hàng hóa New York. Sang những tháng đầu năm 2009, giá các loại hàng hóa bắt đầu suy giảm và đạt mức thấp nhất vào tháng 6/2009, giá dầu và giá cao su thiên nhiên giảm hơn 50% so với mức đỉnh.

Đến cuối năm 2009, thị trường hàng hóa có dấu hiệu hồi phục trở lại, khi giá dầu thời điểm cuối năm tăng lên mức trên 75 USD/thùng, giá cao su thiên nhiên cũng tăng 2.470 USD/tấn. Hiện tại, giá cao su vẫn tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ, tháng 1/2010, giá cao su xuất khẩu đang dao động quanh mức 2.600 USD/tấn. Dự báo, trong năm 2010, giá cao su thiên nhiên có thể tăng 20 - 25% so với cuối năm 2009 theo đà hồi phục của kinh tế thế giới và các tập đoàn sản xuất mô bước qua giai đoạn khủng hoảng, do đó nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu sẽ tăng khoảng 4,3% hàng năm từ nay cho đến năm 2013.

Những rủi ro cần lưu tâm

Ảnh hưởng của các yếu tố thiên tai, bão lũ

Việt Nam nằm trong khu vực có nhiều mưa bão, nên sản lượng cao su cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố này theo năm. Năm 2009, bão số 9 và bão số 11 đã gây thiệt hại nặng nề cho vườn cây khai thác ở duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, sản lượng mủ sụt giảm khoảng 10 - 15%, nhiều vườn cây sung sức bị hư hại nặng và ảnh hưởng tới năng lực vườn cây trong nhiều năm tới. Ngoài rủi ro về thiên tai bão lũ, tình trạng dịch bệnh ở cây cũng tác động lớn tới sản lượng ngành.

Bên cạnh đó, dầu thô biến động nhiều về giá cũng khiến giá cao su tự nhiên thay đổi theo. Một vấn đề mới khiến các công ty cao su Việt Nam khá đau đầu là tình trạng trộm cắp, hút mủ trộm hiện đang bùng phát và diễn ra nhiều nơi. Điều này khiến các nông trường, DN phải bỏ thêm chi phí cho công tác bảo vệ vườn cây, đặc biệt là các vườn cây đang trong giai đoạn khai thác sung sức nhất.

Nhu cầu của thị trường nội địa vẫn ở mức khiêm tốn

Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ cao su qua các năm thấp (năm 2006 là 70.000 tấn). Nguyên nhân phần lớn do ngành công nghiệp chế biến sản phẩm sau cao su, đặc biệt là lốp xe ô tô tiêu thụ một lượng lớn cao su tự nhiên chưa phát triển, nên nhu cầu nội địa không nhiều.

Bên cạnh đó, tuy có nhu cầu về cao su nhưng các DN chế biến các sản phẩm công nghiệp làm từ mủ cao su khó tiếp cận được nguồn hàng. Nguyên nhân do các công ty trồng cao su thích xuất khẩu mủ sao su hơn bán cho các DN trong nước, bởi xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng, ký bán khối lượng lớn và chất lượng mủ cỡ nào cũng bán được.

Tóm lại, mặc dù còn có những khó khăn nhất định, nhưng triển vọng của ngành cao su dựa trên những tiềm năng và cơ hội là rất rõ ràng. Chúng tôi cho rằng, năm 2010 và những năm tới, ngành cao su tiếp tục có những bước phát triển ấn tượng.

CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Nhựa Ngọc Nghĩa chốt danh sách họp ĐHĐCĐ thường niên 2010 (10/02/2010)

>   PVT sẽ vận chuyển trên 5,5 triệu tấn dầu thô cho NMLD Dung Quất (10/02/2010)

>   Phạm Nguyên đầu tư giải pháp quản lý trị giá 500.000 USD (10/02/2010)

>   Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại gì? (10/02/2010)

>   Mua chứng khoán của đối tượng kiểm toán, CTKT sẽ bị phạt (10/02/2010)

>   PVI được xếp hạng "B+" (10/02/2010)

>   VFM gia hạn phát hành VFA (10/02/2010)

>   Sudico thành lập CTCP Vật liệu xây dựng (10/02/2010)

>   Chứng khoán kỳ vọng năm 2010 (10/02/2010)

>   “Lát cắt” chỉ số EPS (10/02/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật