Chứng khoán cuối năm “dùng dằng”
Theo chuyên gia của các công ty chứng khoán, các ngành ngân hàng, bất động sản, chứng khoán trong thời gian tới sẽ dẫn dắt thị trường bởi đây là những ngành có vốn hóa lớn trên thị trường
Phiên giao dịch ngày 9-2 được xem là phiên bán cổ phiếu cuối cùng trước khi nghỉ Tết. Bởi bán ra cổ phiếu phiên này thì đến phiên giao dịch cuối cùng của năm, ngày 12-2 (thứ sáu), tiền sẽ kịp về tài khoản, nhà đầu tư có thể rút tiền để yên tâm vui Tết. Thực tế, những phiên giao dịch cuối năm thị trường có vẻ trầm lắng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có sự sụt giảm mạnh của thị trường thế giới.
Tâm lý ăn Tết
Tại các sàn chứng khoán, nhà đầu tư vắng vẻ nhiều hơn so với tuần trước. Mặc dù trong phiên giao dịch này, khối lượng và giá trị giao dịch có nhích lên chút ít so với phiên trước nhưng vẫn còn rất thấp so với những ngày cao điểm cách đây vài tuần.
Tại sàn TPHCM, VN-Index giảm 8,31 điểm, xuống còn 482,89 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 25,27 triệu cổ phiếu, tăng khoảng 15% so với phiên trước, với giá trị đạt 1.122 tỉ đồng. Tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 2,76 điểm, khối lượng giao dịch đạt 13,37 triệu cổ phiếu, giá trị đạt 426 tỉ đồng.
Mặc dù có tăng nhẹ về khối lượng và giá trị so với phiên hôm trước do tâm lý bán ra để thu tiền về trong dịp Tết của nhà đầu tư thể hiện rõ trong phiên này nên thị trường đã tiếp tục giảm.
Theo ông Ngô Thanh Phát, Trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Quốc tế VN (VIS), ngoài tâm lý nghỉ Tết sớm, thị trường trong nước còn tác động bởi xu hướng giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ. Cụ thể là chỉ số công nghiệp Dow Jones đã rớt dưới mốc 10.000 điểm trong phiên giao dịch hôm qua, xuống còn 9.908 điểm.
P/E đang ở mức khá thấp
Cũng theo ông Phát, thị trường có thể không tăng liền sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, rất nhiều khả năng một số chính sách tiền tệ có thay đổi theo hướng tốt hơn cho thị trường. Bởi mặc dù ưu tiên kiềm chế lạm phát song tăng trưởng tín dụng tháng 1-2010 chỉ 1%.
Nếu tăng trưởng thấp thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay sẽ khó đạt được. Ít nhất tăng trưởng tín dụng năm nay phải 30% thì GDP mới đạt được mức 6%-6,5%. Muốn vậy, khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ là rất có thể.
Bên cạnh đó, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng mạnh vào thị trường. Trong khi đó, theo báo cáo vừa được đưa ra của Công ty Chứng khoán Thành Công, qua khảo sát 135/215 doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn HoSE, tình hình báo cáo tài chính của các DN này hết sức khả quan. Chỉ có 9/135 DN có báo cáo lỗ trong quý IV và chỉ 4/135 DN thua lỗ trong cả năm 2009.
Một khảo sát khác của Công ty Chứng khoán Thành Công với 111 DN niêm yết trên sàn HoSE (chiếm 62% tổng giá trị vốn hóa sàn HoSE), cho thấy nhiều DN có mức lợi nhuận lớn trong quý IV, chiếm trên 40%- 50% lợi nhuận cả năm của DN.
Có đến 27/111 (tỉ lệ 24,3%) DN có lợi nhuận cao bất thường trong quý IV so với xu hướng 3 quý trước đó. Xét chung cho cả năm 2009, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của 111 DN là 134% so với năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao và là động lực quan trọng giúp chỉ số VN-Index tăng gần 60% trong năm 2009.
Cũng theo thống kê từ 111 mã cổ phiếu này thì P/E của nhóm danh mục này hiện đang được định giá ở mức 11,51 lần và P/B là 2,57 lần. Đây là một mức giá khá rẻ bởi ROE của nhóm danh mục này là 22,3%/năm cao nhiều hơn so với lãi suất ngân hàng hiện nay (lãi suất tiền gửi phổ biến ở mức 15%/năm). So với nhiều quốc gia, P/E của VN đang ở mức khá thấp.
Dễ nhận thấy mức trung bình P/E của các nước hiện nay là khoảng 20 lần. An toàn hơn, chúng ta có thể lấy mức P/E bằng 15,7 lần (là mức P/E bình quân của chỉ số S&P từ trước đến nay). VN-Index kết thúc năm 2009 ở mức 494,77 điểm, nếu như P/E tăng 36,4% (lên mức 15,7 lần), chỉ số VN-Index hoàn toàn có thể đạt mức 674 điểm.
Theo chuyên gia của các công ty chứng khoán, các ngành ngân hàng, bất động sản, chứng khoán trong thời gian tới sẽ dẫn dắt thị trường bởi đây là những ngành có vốn hóa lớn trên thị trường.
Hoàng Lâm
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|