Lời nhiều nhờ... khủng hoảng!
Trong lúc không ít doanh nghiệp (DN) chịu tác động của khủng hoảng đã rơi vào tình trạng phải thu hẹp hoạt động thì một số DN không những đã chống chọi tốt với “bão”, mà còn tăng trưởng tốt hơn trước đó.
Cơ hội tái cấu trúc
Chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng của đơn vị mình, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB), ông Lý Xuân Hải, đã xin phép được nói câu “May mà có khủng hoảng”. Bởi khủng hoảng không phải là điều mong muốn của nền kinh tế nhưng với ACB khủng hoảng chính là cơ hội để tái cấu trúc DN.
Ông Lý Xuân Hải khẳng định: “Nếu không có khủng hoảng thì chỉ trong thời gian ngắn, ACB khó có thể đào tạo và tái đào tạo thành công hơn 10.000 lượt nhân viên mà không phải sa thải bất kỳ nhân viên nào. Đồng thời, thực hiện xây dựng lại cơ chế đánh giá năng lực nhân viên theo năng suất, tái cấu trúc hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch theo định hướng hướng về khách hàng.
Ngoài ra, chính sách nổi bật trong thời gian ở cùng với khủng hoảng của ACB là sự thay đổi chiến lược kinh doanh trái chiều chỉ trong cùng một năm. Theo đó, từ mục tiêu đầu là “Tăng trưởng nhanh-Quản lý tốt-Lợi nhuận cao”, đến lần thứ 3 thay đổi thì biến thành “Quản lý tốt- Lợi nhuận cao - tăng trưởng hợp lý”.
Tương tự, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (HoSE: SSI) đã đạt lợi nhuận sau thuế vượt bậc, trên 800 tỉ đồng, tăng 221% so năm 2008. Kết quả này có được phần lớn nhờ vào sức đề kháng tốt của SSI trong năm qua.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, trong năm qua, SSI đã tái cấu trúc nhân sự, chức danh ở các bộ phận, đồng thời vẫn tăng 10% nhân sự so với năm 2008. Đặc biệt là tuyển dụng bộ phận môi giới độc lập và cung cấp nhiều sản phẩm tài chính hỗ trợ cho nhà đầu tư...
Dám quyết, dám chịu
Cùng với tái cấu trúc, năm qua, SSI đã tiếp tục mở rộng đầu tư ra nước ngoài; kết hợp với Daiwa SMBC Capital thành lập và quản lý Quỹ Đầu tư DSCAP-SSIAM Vietnam Growth Investment Fund LLC... Đặc biệt, SSI và Euromoney tổ chức thành công hội thảo “Gateway to Vietnam ”, đồng thời đã thay đổi thương hiệu mới ngay trong giai đoạn khó khăn này. “Khủng hoảng không làm SSI lùi lại mà ngược lại chúng tôi đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ kỷ lục để mở rộng và phát triển” - ông Nguyễn Duy Hưng cho biết.
Bà Lê Hải Liễu, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT), cũng đưa ra kinh nghiệm hay. Chìa khóa thành công trong khủng hoảng, theo bà Liễu, là do công ty đã có nhận định đúng và biết nắm cơ hội phù hợp ngay trong lúc khó khăn nhất.
Đó là quyết định vay vốn hỗ trợ của Chính phủ để dự trữ nguyên vật liệu, hàng hóa với giá hấp dẫn để chuẩn bị sức lực cho lúc “bão tan”... Vì vậy, khi kinh tế gượng dậy, khách hàng liên tục đặt hàng, tất cả yêu cầu của khách hàng đều được GDT đáp ứng. Kết quả năm 2009, GDT đã đạt lợi nhuận trên 37 tỉ đồng, tăng 189% so năm 2008.
Từ thực tiễn trên, ông Lý Xuân Hải đúc rút kinh nghiệm: Không nên sợ hãi khủng hoảng. Nếu muốn thành công thì phải quản lý được khủng hoảng. Nếu dự báo tốt, xây dựng kịch bản và công cụ quản lý khủng hoảng tốt sẽ không có bất ngờ xấu. “Đối với vai trò của người lãnh đạo, theo tôi, cần dám đưa ra các quyết định phi truyền thống, phi chuẩn mực và dám chịu trách nhiệm cũng như thực hiện triển khai đến cùng”- ông Hải nói.
Chứng kiến sự vươn lên của nhiều DN trong khủng hoảng, chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng mỗi một cuộc khủng hoảng đều có những cơ hội hấp dẫn.
Chính những DN nhận thức được mình yếu kém ở chỗ nào để có thể tái cấu trúc, thay đổi để tốt hơn thì DN đó sẽ thích nghi và sẽ phát triển tốt trong thời gian tới. Trên thế giới đã xảy ra những cuộc đại khủng hoảng và sau đó hàng loạt hoạt động tái cấu trúc, làm mới của DN đã được mở ra, từ đó tạo ra những cuộc bứt phá mạnh mẽ hơn.
Sơn Nhung
Người lao động
|