Thứ Ba, 02/02/2010 15:32

Không muốn minh bạch thông tin?

Chỉ có khoảng 500 trong số hơn 4.000 công ty đại chúng (CTĐC) đăng ký lưu ký CK dù thời hạn 31-12-2009 đã hết. Điều đó cho thấy nhiều DN đang cố tìm cách chây ì vì không muốn minh bạch thông tin.

Khó kiểm soát

Những ngày cuối tháng 1/2010, hàng loạt CTĐC: Vận tải dầu khí Đông Dương, May Nam Định, S.P.M... đã bị UBCKNN xử phạt từ 5-10 triệu đồng vì đã đủ điều kiện CTĐC nhưng nộp hồ sơ đăng ký muộn. Trước đó, trong năm 2009, cũng có nhiều DN bị phạt vì những lỗi tương tự. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý chỉ được thực hiện khi các DN này nộp hồ sơ phát hành hay đăng ký CTĐC lên UBCKNN. Thực tế cho thấy các mức phạt không thể tương ứng với những lợi nhuận mà DN có được nếu phát hành chui trước đó.

Theo Luật CK, CK của các CTĐC phải đăng ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký CK (VSD) và các giao dịch phải được thực hiện qua đó. Mặc dù đã có quy định ngày 31/12/2009 các CTĐC phải hoàn tất việc này, nhưng đến nay số DN đăng ký là CTĐC vẫn còn hạn chế. Chế tài xử phạt các hành vi này quá nhẹ, dẫn đến DN xem thường quy định.

Theo UBCKNN, năm 2010 tình trạng này sẽ không tái diễn, mức phạt sẽ tăng lên và DN sẽ vừa bị phạt kèm theo phải thực hiện. Bên cạnh đó, nếu CTĐC chưa đăng ký lưu ký sẽ không được thực hiện phát hành CK.

Nhiều DN băn khoăn nếu họ lưu ký CK mà chưa lên UPCoM và niêm yết, việc giao dịch sẽ ra sao để vẫn đảm bảo quyền lợi của NĐT. Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBCKNN, cho biết UBCKNN đang chuẩn bị hướng dẫn theo hướng: sau khi đăng ký mà không muốn vào các thị trường, DN có thể chọn cách ủy quyền cho CTCK làm đại lý chuyển nhượng cho mình hoặc tự làm chuyển nhượng.

Tuy nhiên, theo các CTCK, với định hướng mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức và thu hẹp thị trường tự do, tạo sân chơi cho các CTĐC chưa đủ điều kiện niêm yết, cần thiết có những điều chỉnh hợp lý hơn với UPCoM.

Sức ép thay đổi UPCoM

Theo VSD, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến DN không đăng ký CTĐC và lưu ký CK là do ngại việc phải tuân thủ các quy định công bố thông tin minh bạch. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, một nguyên nhân quan trọng khác lại bắt nguồn từ chính cơ quan quản lý. Sân chơi UPCoM vốn được lập ra dành cho các CTĐC chưa muốn niêm yết hoặc chưa đủ điều kiện niêm yết, nhưng nay ở đây vẫn đìu hiu, không hấp dẫn CTĐC. Dù đã nhận thức được nhiều bất cập nhưng các quy định liên quan vẫn chưa được sửa đổi.

Chính ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, cũng thừa nhận một trong những biện pháp thúc DN lưu ký CK là nâng cấp thị trường UPCoM hoặc phối hợp với các CTCK đề xuất những hình thức giao dịch thích hợp, đưa các phần mềm giao dịch của các CTĐC vào một thị trường có tổ chức và toàn bộ việc thanh toán, lưu ký, bù trừ sẽ thực hiện thông qua VSD thì việc quản lý cổ đông, việc thanh toán sẽ công khai, minh bạch.

Theo đánh giá của HNX, điểm mấu chốt để phát triển thị trường UPCoM trong giai đoạn hiện tại là quy mô và thanh khoản. Nếu giải quyết được hai vấn đề này ở một mức độ nhất định, sự quan tâm của CTĐC và NĐT sẽ tăng, các CTCK thành viên cũng sẽ quan tâm đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất để phát triển các dịch vụ liên quan. Do đó, trong các biện pháp nhằm tăng tính hấp dẫn của UPCoM, HNX đã đề xuất hàng loạt giải pháp: cải tiến hình thức thỏa thuận điện tử sang hình thức khớp lệnh liên tục để tăng tính thanh khoản của thị trường, giúp thành viên tiết kiệm được nhân lực phục vụ cho hoạt động giao dịch CK UPCoM.

Các giải pháp về mặt nghiệp vụ khác cũng được đề xuất mạnh mẽ: nới lỏng biên độ giao dịch (từ 10% lên 20%); rút ngắn thời gian thanh toán vào sáng ngày T+3 (tạo điều kiện cho NĐT có thể giao dịch vào chiều ngày T+3); cho phép NĐT được đồng thời vừa mua vừa bán cùng một loại CP trong một ngày giao dịch; cho phép HNX mở rộng thời gian giao dịch hàng ngày (hiện từ 10-15 giờ) thành 8 giờ 30 đến 15 giờ. Còn về lâu dài, sẽ nghiên cứu để có thể áp dụng một số phương thức giao dịch mới, phù hợp với cơ chế nhà tạo lập thị trường khi thị trường đã hội đủ điều kiện triển khai.

Hằng Thanh

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH/SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Các tin tức khác

>   Ngăn chặn giao dịch “đen” trên thị trường chứng khoán (02/02/2010)

>   Cần giảm thuế thu nhập DN cho kinh doanh chứng khoán (02/02/2010)

>   Cơ cấu lại danh mục đầu tư (02/02/2010)

>   Hoài nghi về cổ phiếu lỗ (02/02/2010)

>   VST góp 14.2 tỷ đồng thành lập hai công ty con (01/02/2010)

>   REE chốt danh sách tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2010 (01/02/2010)

>   PET khởi công dự án lớn tại Dung Quất vào tháng 3 (01/02/2010)

>   Từ 8/2: HNX chính thức triển khai giao dịch thông sàn  (01/02/2010)

>   Chứng khoán: Kỳ vọng thay đổi năm 2010 (01/02/2010)

>   VN-Index trong tháng 2: Hướng đi vẫn khó xác định (01/02/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật