Ngăn chặn giao dịch “đen” trên thị trường chứng khoán
Các giao dịch không hợp pháp hay còn gọi là giao dịch “đen”, bằng cách này hay cách khác, vẫn có thể lọt qua được hệ thống giám sát của thị trường. Trong khi đó, chế tài dành cho những vi phạm này vẫn chưa đủ mạnh để răn đe và ngăn ngừa, thậm chí nhiều vi phạm còn quá mới, chưa có trong quy định về xử phạt.
Trong một báo cáo tổng kết năm 2009, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết các trường hợp vi phạm đều đã được phát hiện và báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tính đến ngày 30/11/2009, đã phát hiện được hơn 17.000 trường hợp đặt lệnh cùng mua cùng bán một mã chứng khoán trong phiên, trong đó Sở đã xử lý yêu cầu 70 công ty chứng khoán giải trình và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hơn 330 trường hợp lệnh mua bán cùng phiên đã khớp.
HNX cũng đã theo dõi 484 lượt giao dịch của 280 cổ đông lớn và phát hiện 38 trường hợp vi phạm về công bố thông tin, phát hiện hơn 155 trường hợp vi phạm về công bố thông tin khi giao dịch của cổ đông nội bộ; phát hiện 13 công ty vi phạm quy chế về giao dịch cổ phiếu quỹ...
Hạn chế về thẩm quyền xử phạt
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2009, mặc dù hoạt động thanh tra, giám sát đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ động hơn, thanh tra xử phạt cũng đuợc tăng cường hơn song do tính chất phức tạp của vụ việc ngày càng tăng nên việc theo dõi kết luận còn nhiều khó khăn.
Hiện cơ quan này mới chỉ phát hiện đuợc 9 vụ việc và đã xử phạt nhiều trường hợp nội gián, thao túng, trong khi thực tế còn nhiều hơn thế rất nhiều. Lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng thừa nhận, việc điều tra xử phạt thao túng là rất khó. Với nhiều nước có thị trường chứng khoán phát triển, điều tra 50 vụ cũng chỉ xử lý được 1-2 vụ.
Bên cạnh đó, ở các nước ủy ban chứng khoán có nghiệp vụ điều tra, ghi âm, phong tỏa tiền và nhiều biện pháp khác để truy xét, kết luận thuận lợi hơn và mức xử phạt của các nước cũng rất cao và sau khi kết luận đều có tòa, thẩm phán độc lập và tạo điều kiện cho việc xử phạt nặng.
Trong khi ở Việt Nam, hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có những thẩm quyền trên, chưa kể mức phạt còn thấp, khung pháp lý chưa đầy đủ.
Chính vì vậy, cùng với việc tăng giám sát, sắp tới Nghị định thay thế 36 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán cũng sẽ được sửa đổi để xử phạt chặt chẽ hơn. Đặc biệt việc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đang bắt đầu theo dõi tài khoản phụ cũng sẽ giúp phát hiện những vi phạm trong giao dịch từ đó có kết luận và xử phạt kịp thời.
Chính vì vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt mục tiêu trong năm 2010 sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường, bằng việc đẩy mạnh thực hiện công tác giám sát, thanh tra, xử lý một số thành viên thị trường và các cá nhân vi phạm .
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ thực hiện công tác kiểm tra định kỳ và bất thường đối với các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán...
Công nghệ thông tin tốt - giám sát hiệu quả hơn
Công nghệ hiện đại là chìa khóa của việc quản lý hiệu quả trong bối cảnh số lượng thành viên thị trường ngày một gia tăng và số lượng thông tin cần xử lý ngày một lớn. Hiện tại, hai Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) và Hà Nội đang triển khai một hệ thống giao dịch, giám sát mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những thông tin bất thường.
Tại HOSE, với việc triển khai phương thức giao dịch trực tuyến từ đầu năm 2009, khả năng nhập lệnh và xử lý lệnh của các thành viên thị trường đã gia tăng đáng kể. Không những thế, giao dịch trực tuyến còn giúp HOSE kiểm soát tốt hơn luồn lệnh của thành viên, phát hiện và xử lý nhanh các vi phạm phát sinh, từ đó giảm đáng kể các vi phạm của thành viên.
Bên cạnh đó, phương thức nhận thông tin để công bố ra thị trường của các tổ chức niêm yết đã được HOSE triển khai qua phần mềm công bố thông tin. Ứng dụng này giúp chuấn hóa thông tin đầu vào, giảm thời gian xử lý báo cáo và từ đó giảm thời gian công bố thông tin ra thị trường. Phần mềm này đã được triển khai đến hơn 130 công ty niêm yết trong năm 2009.
Mục tiêu của HOSE là triển khai việc công bố thông tin qua phần mềm đến 100% công ty niêm yết trong năm 2010 và tiến tới áp dụng cho cả công ty chứng khoán thành viên. Việc thống kê số liệu, tình hình vi phạm cũng như xây dựng các cảnh báo cũng vì thế sẽ dễ dàng hơn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc HOSE, công tác này cần được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao tính hiệu lực của việc áp dụng và tuân thủ pháp luật.
“Với việc triển khai này, trong năm 2010, các giao dịch không hợp pháp sẽ được phát hiện đầy đủ”, ông Hùng khẳng định.
Phía đại diện HNX cũng thừa nhận, do khối lượng công việc giám sát lớn và hiện vẫn đang triển khai thủ công nên mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, hiện tại, HNX đang triển khai nâng cấp phần mềm giám sát nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu một cách thống nhất và tập trung, khắc phục tình trạng bất cập trong công tác giám sát do thiếu cơ sở dữ liệu như hiện nay.
Sở đã phối hợp với Ban Giám sát Thị trường - Ủy ban Chứng khoán tổ chức triển khai tốt Quy chế giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán ban hành theo Quyết định 127/2008/QĐ-BTC và Thông tư 151/2009/TT-BTC về việc Hướng dẫn công tác giám sát của Ủy ban Chứng khoán đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của sở giao dịch chứng khoán.
Các lợi ích của việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý là không mới. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam bị hạn chế bởi mặt bằng công nghệ thông tin của đất nước, từ đó, thiếu những quy định bắt buộc trong các văn bản pháp luật.
Thị trường chứng khoán cũng là một trong các thị trường tiên tiến, hiện đại bậc nhất thì việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến sẽ phải trở thành đòi hỏi bắt buộc để có thể quản lý hoat động trên thị trường một cách hiệu quả.
Hoàng Xuân
TBKTVN
|