Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Công cụ thúc đẩy xuất khẩu
Bài này phân tích những lợi ích và tính ưu việt của bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) cũng như những thách thức đối với loại hình bảo hiểm này.
Nhiều chuyên gia tín dụng đã nhận định BHTDXK là phương thức quản trị rủi ro mới và hiệu quả đối với các doanh nghiệp. Tại Công văn số 2519 ngày 20-4-2009, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan xây dựng đề án thí điểm BHTDXK.
BHTDXK là gì?
BHTDXK là loại hình bảo hiểm cho các rủi ro nợ xấu liên quan đến các hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu và giữ vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế.
Đối với các doanh nghiệp, BHTDXK giúp bảo vệ tài chính cho nhà xuất khẩu trong trường hợp mất khả năng thanh toán; tạo ra sự thuận lợi trong việc đi vay từ các tổ chức tín dụng để tăng lượng hàng hóa dịch vụ xuất khẩu, tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế giúp doanh nghiệp xuất khẩu tăng doanh số bán hàng theo những điều khoản tín dụng cạnh tranh...
Đối với các quốc gia, BHTDXK đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ sự phát triển hoạt động tín dụng xuất khẩu an toàn, hiệu quả nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, tạo ra việc làm, tăng thu ngoại hối để cải thiện cán cân thương mại quốc tế.
Tính ưu việt của BHTDXK
Trước hết, với BHTDXK, các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được lợi thế chuyên ngành của các công ty BHTDXK. Các công ty này đã xây dựng và phát triển những hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng toàn cầu và được cập nhật thường xuyên, liên tục. Họ sở hữu một hệ thống đánh giá rủi ro; quản lý các danh mục rủi ro, danh mục khách hàng; thực hiện chức năng định phí, đệ trình và gia hạn; xử lý nợ quá hạn và bồi thường với cổng truy cập dành cho nội bộ và các đối tác.
Các nhân viên thẩm định bảo hiểm tín dụng của những công ty này có chuyên môn sâu về đánh giá rủi ro tín dụng và nhận diện được sự tiềm ẩn của những rủi ro nợ xấu nhanh chóng và hiệu quả hơn các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thực tế ở Việt Nam cũng cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có đủ thời gian và nhân sự để thực hiện công việc quản lý tín dụng một cách chuyên nghiệp, nên không thể xác định và đánh giá những vấn đề phức tạp.
Giành lợi thế trong cạnh tranh
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa yên tâm về rủi ro ở một số nước nhập khẩu và rủi ro ở ngân hàng phát hành L/C nên yêu cầu nhà nhập khẩu phải mở L/C được xác nhận ở một ngân hàng thứ ba (thường là ngân hàng lớn, có uy tín trên thế giới).
Thế nhưng, nhiều ngân hàng lớn cũng đã cắt giảm mạnh hạn mức xác nhận L/C do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Thậm chí, ở một số quốc gia, hình thức đảm bảo thanh toán bằng L/C hầu như không được chấp nhận.
Trước thực trạng e dè của các ngân hàng trong việc cấp vốn lưu động cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu, hợp đồng BHTDXK giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tiếp cận các nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng dễ dàng hơn với tỷ lệ giá trị vốn vay/giá trị được bảo hiểm (tài sản bảo đảm) cao hơn để đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm quỹ dự phòng tổn thất và giúp các chương trình thu hồi nợ của doanh nghiệp xuất khẩu trở nên hiệu quả hơn.
Những thách thức đối với BHTDXK của Việt Nam
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới tác động tiêu cực tới Việt Nam, trong đó trực tiếp và lớn nhất là xuất khẩu khiến cho phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu những áp lực tài chính ngày một gia tăng thì BHTDXK cần được xem là công cụ chiến lược thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, để phát triển loại hình bảo hiểm tín dụng này, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, BHTDXK cần được phát triển theo mô hình phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, phương thức kinh doanh quốc tế và nguyên tắc WTO, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và chịu sự điều chỉnh của luật pháp về bảo hiểm và thương mại. Trên thế giới, mô hình doanh nghiệp BHTDXK có sự khác nhau ở từng giai đoạn và ở từng quốc gia nhưng cuối cùng nó vẫn luôn là công cụ chính sách đắc lực của chính phủ, có tiềm năng thu lợi nhuận trong dài hạn nếu kiểm soát rủi ro tốt.
Thứ hai, BHTDXK mang tính chuyên môn cao, đòi hỏi đầu tư lớn về vốn, công nghệ thông tin, nghiệp vụ đánh giá rủi ro, thu hồi nợ, giải quyết khiếu nại minh bạch, công bằng; phân tán rủi ro thông qua hoạt động tái bảo hiểm và (hoặc) đồng bảo hiểm. Vì vậy, việc tìm kiếm sự hợp tác của các công ty BHTDXK quốc tế hàng đầu là cần thiết đối với doanh nghiệp bảo hiểm của Việt Nam. Nhiều công ty bảo hiểm trong nước vẫn còn ngần ngại triển khai loại hình bảo hiểm này do thiếu vốn và nhất là chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng cũng như tiềm năng của loại hình bảo hiểm này.
Thứ ba, cũng cần có khung pháp lý điều chỉnh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp BHTDXK phát triển, có chính sách cụ thể cho việc cấp tín dụng của các ngân hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu có hợp đồng BHTDXK.
Phương Án
TBKTSG
|