Thứ Năm, 04/02/2010 11:23

Đầu tư vốn của DN bảo hiểm: Làm gì để hạn chế rủi ro? 

Đối với các DN bảo hiểm phi nhân thọ, quỹ dự phòng bồi thường được thành lập ngay khi ký hợp đồng bảo hiểm, nhưng việc bồi thường chỉ xảy ra khi có sự cố. Do đó, việc đầu tư vốn nhàn rỗi là một trong những công việc quan trọng của các DN bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, rủi ro rất cao.

Đầu tư vốn được chú trọng

Cách đây khoảng 5 năm, các DN bảo hiểm Việt Nam thường bị Vụ Quản lý bảo hiểm (nay là Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm) nhận xét là không quan tâm đến công tác đầu tư vốn, mà chủ yếu chỉ gửi ngân hàng lấy lãi. Sở dĩ có hiện tượng này vì khi đó số lượng các DN bảo hiểm còn ít, sự cạnh tranh trên thị trường chưa khốc liệt, việc làm ăn của các DN này tương đối "dễ thở" nên họ chưa chú ý nhiều đến đầu tư. Mặt khác, do chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư và để đảm bảo an toàn vốn nên danh mục đầu tư của các DN bảo hiểm chủ yếu là gửi tiết kiệm và mua trái phiếu chính phủ. Việc cho vay, nếu có, thì chủ yếu dành cho các khách hàng lớn của DN, nhằm củng cố quan hệ với khách hàng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình có nhiều thay đổi khiến việc đầu tư vốn được các DN bảo hiểm chú ý hơn. Nghị định 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 quy định, vốn pháp định của DN bảo hiểm phi nhân thọ được nâng từ 70 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, các DN đang hoạt động có thời hạn 3 năm để thực hiện tăng vốn. Thông tư 156/2007/TT-BTC hướng dẫn: DN nếu kinh doanh thêm nghiệp vụ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm dầu khí, bảo hiểm vệ tinh phải bổ sung vốn điều lệ đã góp cao hơn mức vốn pháp định là 100 tỷ đồng.

Với sự sôi động của TTCK, một số DN bảo hiểm lớn đã phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược và công chúng để tăng vốn, thu về một lượng thặng dư vốn khá lớn. Mặt khác, các DN có doanh thu lớn sau một thời gian dài hoạt động đã tạo cho mình quỹ dự phòng bảo hiểm khá lớn. Theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, tổng dự phòng nghiệp vụ năm 2008 là 5.413 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số DN bảo hiểm mới thành lập ngày càng nhiều, đến hết 2008 là 27 đơn vị (năm 2006 thêm 5 DN, năm 2008 thêm 6 DN). Các DN mới ra sau yếu thế: vốn ít, quỹ dự trữ nghiệp vụ chưa có, nhân sự có năng lực thiếu, chưa có thương hiệu, chưa có thị trường, chưa có khách hàng…, để tồn tại, nhiều DN phải khai thác thị trường, khách hàng bằng bất cứ giá nào. Các DN lớn không nhường, mà "chiến đấu" đến cùng. Việc cạnh tranh như thế dẫn đến hầu hết DN lỗ nghiệp vụ. Năm 2007, toàn thị trường lỗ nghiệp vụ 192 tỷ đồng, năm 2008 lỗ 163 tỷ đồng, mặc dù tỷ lệ bồi thường góc ở mức bình thường 42%.

Với những diễn biến nêu trên, đặc biệt là để chống lỗ, các DN đã chú trọng vào công tác đầu tư vốn. Theo báo cáo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, năm 2008 tổng vốn đầu tư của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là 15.179,8 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2007. Tuy nhiên, lãi thu được chỉ là 916,9 tỷ đồng, giảm 3,05%. Kết quả này chủ yếu là do các DN bảo hiểm lớn đầu tư vào chứng khoán bị lỗ hoặc phải trích dự phòng giảm giá chứng khoán. Chẳng hạn, PVI lỗ chứng khoán 200 tỷ đồng và trích dự phòng 30 tỷ đồng; Bảo Minh trích dự phòng giảm giá chứng khoán 60 tỷ đồng; Bảo Việt trích lập giảm giá chứng khoán 80 tỷ đồng.

Giải pháp hạn chế rủi ro

Có thể nói, khâu đầu tư vốn nhàn rỗi của DN bảo hiểm rất quan trọng trong kết quả kinh doanh, nhưng nếu không quản lý chặt, nó sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ cho DN. Do đó, cần phải quy định chặt chẽ hơn về đầu tư vốn của các DN bảo hiểm phi nhân thọ, vì vốn nhàn rỗi dự phòng nghiệp vụ là tiền của khách hàng và sự nhàn rỗi này cũng chỉ trong ngắn hạn (1 năm).

Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm nên yêu cầu các DN bảo hiểm xây dựng kế hoạch đầu tư vốn. DN phải xác định được 2 nguồn vốn: vốn chủ sở hữu và vốn dự phòng nghiệp vụ. Từ đó, xác định đúng vốn nhàn rỗi có thể dùng đầu tư và phân bố đầu tư theo cơ cấu quy định, liệt kê danh mục vốn đầu tư phân biệt theo 2 nguồn vốn, báo cáo kết quả kinh doanh vốn theo 2 nguồn vốn. Các DN phải báo cáo việc trích lập các quỹ dự phòng. Hiện nay, có một số DN trích lập không đủ (chủ yếu là quỹ dự phòng bồi thường) để giảm lỗ. Thông qua kế hoạch đầu tư và báo cáo kết quả đầu tư của các DN bảo hiểm, Cục quản lý và giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm cần kịp thời phát hiện sai sót, tổ chức kiểm tra và có biện pháp chấn chỉnh, nhất là khi một số DN bảo hiểm do chưa có năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm nên đã tập trung vốn đầu tư vào những kênh có khả năng sinh lời cao, nhưng nhiều rủi ro như: nhà đất, chứng khoán, đầu tư vào các công ty tài chính…     

Nguyễn Nam Cường, Nguyên Phó tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm Bảo Minh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   DN bảo hiểm và cuộc đua “phủ sóng” (02/02/2010)

>   Xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi: Không thể trì hoãn (21/01/2010)

>   Bancassurance 2010: Đẩy mạnh! (21/01/2010)

>   Maritime Bank và Prudential VN hợp tác bảo hiểm (20/01/2010)

>   BIC bảo hiểm cho công trình thủy điện Bá Thước 2 (20/01/2010)

>   Bảo hiểm lập quỹ đầu tư: Vấn đề là thời điểm! (19/01/2010)

>   Standard Chartered Việt Nam được cung ứng dịch vụ bảo hiểm (16/01/2010)

>   Năm 2009, chi trả 372,3 triệu đồng bảo hiểm tiền gửi (12/01/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ nhắm đến khách hàng thu nhập thấp (11/01/2010)

>   "Thị trường bảo hiểm VN sẽ phát triển nhanh" (09/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật