Thứ Năm, 21/01/2010 11:49

Bancassurance 2010: Đẩy mạnh!

Trong những năm gần đây, các sản phẩm bảo hiểm được triển khai và cung cấp qua kênh ngân hàng (bancassurance) đã được nhiều ngân hàng quan tâm, đặc biệt đối với dòng sản phẩm dành cho nhóm khách hàng vay cá nhân.

Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, trong năm 2010 và các năm tới, bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao so với với kênh truyền thống (đại lý, môi giới, trực tiếp). Thực tế hiện nay, làn sóng ngầm cạnh tranh triển khai kênh bancassurance giữa các công ty bảo hiểm ngày càng rõ nét. Đồng thời, để tạo lợi thế, các công ty bảo hiểm sẽ cạnh tranh mạnh mẽ trong việc đặt các mối quan hệ độc quyền với các ngân hàng thương mại cổ phần.

Đẩy mạnh

Là thành viên của một trong những ngân hàng quốc doanh lớn nhất cả nước, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) có nhiều lợi thế để phát triển bancassurance. Năm 2009 là năm tăng trưởng ấn tượng của kênh bancassurance với tổng doanh thu qua kênh này đạt 37,49 tỷ đồng, chiếm 8% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của BIC. Năm 2010, BIC dự kiến doanh thu qua kênh bancassuanrance đạt 56 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu toàn Công ty, trong đó kênh bán bảo hiểm trực tuyến đóng góp hơn 6 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc BIC, trong năm 2010, Công ty sẽ chuẩn hoá các sản phẩm bancassurance hướng tới mở rộng cung cấp cho các khách hàng bán lẻ của các ngân hàng ngoài BIDV, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần.

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prevoir Việt Nam, tính đến cuối năm 2009, đã liên kết để phát triển và phân phối sản phẩm bancassuanrance với 14 ngân hàng. Năm 2010, đẩy mạng phát triển bancassuanrance là một trong những mục tiêu hàng đầu của Prevoir Việt Nam. Doanh nghiệp này dự kiến trong năm nay sẽ hợp tác phân phối sản phẩm với ngân hàng Liên Việt và Ocean Bank.

Đã triển khai bancassurance thành công với hơn 70 mối quan hệ hợp tác ở 12 quốc gia châu Á, Prudential áp dụng nhiều hình thức hợp tác bancassurance tại Việt Nam, trong đó có hình thức bảo hiểm nhân thọ tín dụng cho khách hàng vay tại ngân hàng, hình thức nhân viên Prudential bán bảo hiểm tại chi nhánh ngân hàng và hình thức nhân viên ngân hàng được Prudential đào tạo để trực tiếp bán sản phẩm bảo hiểm. Các ngân hàng đối tác hiện nay của Prudential là An Bình, Standard Chartered, Agribank, VP Bank và Quân đội. Prudential vừa tiếp tục hợp tác với Maritime Bank. Theo đó, trong năm 2010, khách hàng khi được Maritime Bank cấp khoản cho vay tiêu dùng sẽ được Prudential Việt Nam bảo hiểm cho khoản vay đến khi khoản vay đó được tất toán. Ở giai đoạn đầu tiên, hai bên sẽ triển khai sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tín dụng của Prudential đối với những khoản vay tín chấp tại Maritime Bank. Trong tương lai gần, Prudential và Maritime Bank sẽ hợp tác ra mắt sản phẩm bảo hiểm tín dụng dành cho các khách hàng gửi tiền tại Maritime Bank.

Băn khoăn

Việc các doanh nghiệp bảo hiểm cả cũ và mới liên tiếp có những cái "bắt tay" hợp tác với ngày càng nhiều ngân hàng để bán sản phẩm bảo hiểm cũng khiến những doanh nghiệp bảo hiểm chưa triển khai mô hình này khá "sốt ruột". Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mới hoạt động có vẻ gặp khó khăn trong việc chọn đối tác ngân hàng để liên kết, bởi vì những ngân hàng lớn và uy tín thì đã liên kết với nhiều đối tác bảo hiểm. Dù việc hợp tác bán bảo hiểm với các ngân hàng không có chuyện ký kết độc quyền với doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng vị thế của người đến sau cũng tạo cho các doanh nghiệp mới có những cái khó và băn khoăn nhất định.

Thực tế thế giới, bancassurance đã trở thành một kênh bán hàng chính yếu, nhưng tại Việt Nam, bancassurance vẫn chỉ được đánh giá là một kênh bán hàng có nhiều cơ hội, dù hiện tại, đa số doanh nghiệp bảo hiểm đều nhìn tiềm năng to lớn của nó. Không thể phủ nhận một số hiệu quả ban đầu của kênh bán hàng này, đặc biệt đối với những doanh nghiệp bảo hiểm có "sân sau" là ngân hàng mẹ. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp bảo hiểm khác vẫn còn những băn khoăn, vì không phải nhân viên ngân hàng nào cũng nhiệt tình tư vấn cho bảo hiểm. Thỏa thuận bán hàng qua kênh này đã được lãnh đạo ngân hàng thông qua, nhưng thực tế không có một chế tài nào ràng buộc những nhân viên ngân hàng phải tư vấn được bao nhiêu sản phẩm bảo hiểm. Ngân hàng không có chế tài, doanh nghiệp bảo hiểm thì không có quyền can thiệp nên dễ dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc".

"Nhìn vào doanh thu bán hàng từ kênh bancassurance được một số doanh nghiệp bảo hiểm công bố, khó có thể biết được hiệu quả này do nhân viên ngân hàng mang lại hay do những quầy bán hàng trực tiếp mà các doanh nghiệp bảo hiểm được đặt tại ngân hàng", đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm băn khoăn.

Đó cũng có thể là nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp bảo hiểm năm vừa qua mới chỉ bước "nửa chân" vào kênh bán hàng này bằng những thỏa thuận thăm dò và để giữ chỗ là chủ yếu. Đại điện cấp cao của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thẳng thắn: "chúng tôi vẫn đang xem xét, nhưng thực sự chưa có ý định triển khai kênh bán hàng này trong năm nay".

Ngọc Lan

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Maritime Bank và Prudential VN hợp tác bảo hiểm (20/01/2010)

>   BIC bảo hiểm cho công trình thủy điện Bá Thước 2 (20/01/2010)

>   Bảo hiểm lập quỹ đầu tư: Vấn đề là thời điểm! (19/01/2010)

>   Standard Chartered Việt Nam được cung ứng dịch vụ bảo hiểm (16/01/2010)

>   Năm 2009, chi trả 372,3 triệu đồng bảo hiểm tiền gửi (12/01/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ nhắm đến khách hàng thu nhập thấp (11/01/2010)

>   "Thị trường bảo hiểm VN sẽ phát triển nhanh" (09/01/2010)

>   Bảo hiểm đầu tư lấn sân bảo hiểm truyền thống (07/01/2010)

>   Mô hình nào cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam? (07/01/2010)

>   Thị trường bảo hiểm tăng trưởng ngoài dự đoán (04/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật