Thị trường bảo hiểm tăng trưởng ngoài dự đoán
Khép lại năm 2009 đầy biến động, thị trường bảo hiểm Việt Nam có thêm một năm thành công khi duy trì được nhịp độ tăng trưởng cao. Thị trường ghi nhận những thay đổi về chất khi các doanh nghiệp hướng đến chất lượng dịch vụ thay vì hạ phí cạnh tranh không lành mạnh.
Tăng trưởng cao
Theo đánh giá của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2009 thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định và đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế với tỷ trọng doanh thu/GDP ước đạt 2,3%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước cả năm 2009 đạt khoảng 24.681 tỷ đồng, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 13.250 tỷ đồng (tăng 21% so với năm 2008), doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 11.431 tỷ đồng (tăng 10,95% so với năm 2008). Doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt 6.016 tỷ đồng, trong đó: các doanh nghiệp phi nhân thọ đạt 1.350 tỷ đồng, các doanh nghiệp nhân thọ đạt 4.666 tỷ đồng (tăng 17% so với 2008).
Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước cả năm 2009 là 1.581 tỷ đồng, tương đương 85% tổng phí thu xếp cả năm 2008. Tổng hoa hồng môi giới bảo hiểm nhận được là 221 tỷ đồng. Các nghiệp vụ bảo hiểm chính được thu xếp qua môi giới là: bảo hiểm tài sản và thiệt hại (31,9%), bảo hiểm sức khoẻ và tai nạn con người (28,73%), bảo hiểm trách nhiệm chung (12,24%).
Đóng vai trò trong việc huy động các nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư dài hạn của nền kinh tế, đến cuối năm 2009, ngành bảo hiểm đã huy động đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 69.000 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2008. Cũng trong năm 2009, các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết bồi thường và trả tiền bảo hiểm gần 8.000 tỷ đồng, đảm bảo sự phát triển ổn định của các tổ chức, cá nhân không may gặp rủi ro, qua đó góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế xã hội.
Là lĩnh vực hoạt động gắn chặt với sự phát triển của nền kinh tế nhưng so với tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm Việt Nam cao hơn gấp 2 - 3 lần. Năm 2008, GDP tăng 6,23% trong khi doanh thu phí bảo hiểm tăng 20% so với năm 2007; năm 2009, GDP tăng 5,23%, trong khi doanh thu phí bảo hiểm dự kiến tăng khoảng 15% so với năm 2008.
Bộ Tài chính đặt mục tiêu trong năm 2010 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng của cả thị trường ổn định từ 15 - 20%/năm; doanh thu phí bảo hiểm đạt 29.147 tỷ đồng (trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 16.297 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 23%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khoảng 12.850 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 12,41% so với năm 2009), doanh thu hoạt động đầu tư đạt 6.474 tỷ đồng. Về tổ chức hoạt động, nâng cao tính công khai minh bạch, nâng cao tiêu chí, điều kiện trong việc cấp phép thành lập doanh nghiệp; nâng cao năng lực tài chính, công tác quản trị điều hành doanh nghiệp.
Vẫn không ít thách thức
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan trong năm 2009 và đặt ra mục tiêu khá cao trong năm 2010, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn phải đương đầu với không ít thách thức. Trước hết là việc mở rộng khai thác thị trường mới bởi những thị trường truyền thống đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm để đủ năng lực giữ lại trong các hợp đồng bảo hiểm. Hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chưa tăng đủ vốn điều lệ tối thiểu theo quy định về kinh doanh bảo hiểm. Một số nơi vẫn còn xảy ra tình trạng cạnh tranh bằng hạ phí, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh bảo hiểm và sự an toàn hệ thống cũng như chính bản thân doanh nghiệp bảo hiểm.
Để tăng năng lực hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, các chuyên gia cũng cho rằng, các quy định văn bản phải trên tinh thần giải phóng cho các doanh nghiệp bảo hiểm những quyền không thuộc chức trách quản lý của Nhà nước như: phí bảo hiểm tự nguyện, các loại bảo hiểm không do Nhà nước bắt buộc như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hành khách..., đảm bảo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau... Thực hiện cơ cấu lại các công ty bảo hiểm bằng cách đình chỉ, sáp nhập, mua lại các công ty không đủ tiêu chuẩn hoặc hoạt động yếu, kết quả kinh doanh lỗ nhiều năm.
Nói về những khoảng trống thị trường cần được khai thác trong năm 2010, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, đối với bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm cần phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô như bảo hiểm dành cho người nghèo, bảo hiểm sức khỏe...với số tiền bảo hiểm và mức phí bảo hiểm phù hợp. Ngoài ra, các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, liên kết đơn vị còn mới, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nên tích cực liên kết với ngân hàng, bưu điện… để phát triển các sản phẩm này, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Bên cạnh việc phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần lưu ý mở rộng, phát triển các kênh phân phối, phát triển nhiều sản phẩm bảo hiểm mới để người dân ở mọi vùng miền có thể tiếp cận.
Vẫn theo ông Hoan, đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, hiện nay trên thị trường có 27 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tuy nhiên, có nhiều lĩnh vực chưa được bảo hiểm hoặc bảo hiểm rất hạn chế, ví dụ như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, bảo hiểm bảo lãnh, các loại hình bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba... Việc triển khai các loại hình bảo hiểm này còn hạn chế do nhận thức, khả năng tài chính của bên mua bảo hiểm, do hiệu quả kinh doanh không cao đối với doanh nghiệp bảo hiểm và do Nhà nước chưa có nhiều cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh các sản phẩm này. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết và tầm quan trọng của bảo hiểm.
Trong năm 2009, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã trình Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho 1 công ty (CTCP Bảo hiểm Thái Sơn). Sau khi chủ đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định, Cục sẽ trình Bộ chính thức cấp giấy phép cho công ty này. Tính đến nay, tổng số doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường là 49 doanh nghiệp, trong đó gồm 27 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 11 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 10 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 doanh nghiệp tái bảo hiểm. Trong năm 2010 dự kiến cấp phép thành lập từ 3 - 4 doanh nghiệp bảo hiểm.
Nguồn: Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính
|
Thanh Đoàn
Đầu tư chứng khoán
|