Cần thiết xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi
Hệ thống ngân hàng nước ta đang có những bước phát triển mạnh mẽ và khá nóng cả về quy mô, chất lượng. Cùng với đó, rủi ro đối với người gửi tiền cũng không ngừng gia tăng. Pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực BHTG (Bảo hiểm tiền gửi) đang trong giai đoạn hình thành, song cũng bộc lộ không ít bất cập, vướng mắc. Ông Đặng Văn Chiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo chí.
- Hiện nay, pháp luật điều chỉnh hoạt động ngân hàng nước ta còn chậm và khá lỏng lẻo so với sự phát triển rất nóng của hệ thống các tổ chức tín dụng, ông có đồng tình với ý kiến này?
- Ông Đặng Văn Chiến: Trong những năm qua, việc ban hành Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng, Luật các công cụ chuyển nhượng, Pháp lệnh ngoại hối… đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, đảm bảo hoạt động ngân hàng được ổn định, an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, lĩnh vực tài chính – ngân hàng luôn có mức độ hội nhập nhanh và sâu, do vậy một số quy định điều chỉnh lĩnh vực này đã bộc lộ sự bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Ví dụ, theo các quy định hiện hành, hoạt động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn nặng về thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, chưa tập trung xây dựng mô hình với chức năng nhiệm vụ của NHTW. Mặc dù hoạt động trong cơ chế thị trường, các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn phải thực thi các mệnh lệnh hành chính như cho vay theo chỉ định...
Hoạt động ngân hàng luôn chứa đựng nguy cơ rủi ro cao, trong khi đó cơ chế quy định về giám sát rủi ro quy định chưa chặt chẽ, đầy đủ, không theo sát được những diễn biến của thị trường…
- Cụ thể, việc chậm chân so với diễn biến thị trường thể hiện ra sao, thưa ông?
- Ông Đặng Văn Chiến: Để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, hệ thống giám sát tài chính cần đáp ứng yêu cầu kiểm soát được rủi ro. Bởi vì kiểm soát được rủi ro là góp phần bảo vệ tốt người gửi tiền.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, cơ chế giám sát tài chính của nước ta hiện nay cũng bộc lộ nhiều bất cập, chưa có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính quốc gia, chính sách bảo vệ người gửi tiền cũng còn nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn...
- Những quy định bất cập nào cần phải “chỉ điểm” để sửa đổi?
- Ông Đặng Văn Chiến: Bảo vệ người gửi tiền là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, chính sách BHTG đã phát huy tích cực và góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong 10 năm qua. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về bảo vệ người gửi tiền hiện thiếu đồng bộ, hiệu lực pháp lý thấp và có nhiều nội dung không phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, chưa có quy định rõ ràng về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm còn thấp, chưa khuyến khích thu hút tiền gửi; cơ chế giám sát chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Hơn nữa, sự phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống giám sát còn nhiều bất cập; nghiệp vụ hỗ trợ tài chính, tiếp nhận - xử lý thiếu cơ sở pháp lý, cơ chế đồng bộ, chế tài xử lý yếu, việc thanh lý tổ chức nhận tiền gửi giải thể, phá sản chưa được pháp luật quy định cụ thể...
Vì vậy, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội khóa XII đã quyết định đưa dự án Luật BHTG vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ vào các năm 2008, 2009 và 2010. Hiện NHNN và các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ đang triển khai xây dựng dự án luật này để trình Quốc hội vào thời gian thích hợp.
- Vậy theo ông, mục đích quan trọng nhất khi xây dựng Luật BHTG là gì?
- Ông Đặng Văn Chiến: Mục đích của việc ban hành Luật BHTG là nhằm tạo ra cơ chế pháp lý bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, tạo tính độc lập cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ và trở thành công cụ tài chính hữu hiệu của Nhà nước, góp phần đảm bảo để các hoạt động ngân hàng, tín dụng luôn an toàn, lành mạnh, minh bạch trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Với tinh thần đó, Luật BHTG cần phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật NHNN, Luật các TCTD, Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Luật phá sản…, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế về hoạt động BHTG.
Nội dung của luật cần xác định rõ đối tượng tham gia, loại tiền gửi được bảo hiểm, hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm, cách xác định mức phí bảo hiểm tiền gửi; mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, mối quan hệ giữa bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và các cơ quan giám sát tài chính khác…
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Thúy Sen (thực hiện)
VIETNAMNET
|