Thứ Ba, 29/12/2009 15:00

Bảo hiểm - Kênh vốn đầu tư tiềm năng lớn

Năm 2009, dù bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế trong nước lẫn suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành bảo hiểm (BH) Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 16% so với năm 2008. Không những vậy, BH ngày càng đóng góp nhiều hơn đối với nền kinh tế nước ta.

“Dư địa” thị trường vẫn còn rộng

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBHVN), đến nay cả nước đã có 27 doanh nghiệp (DN) bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) và 11 DNBHNT. Cùng với đó là mạng lưới gần 500 chi nhánh và công ty con, hơn 2.000 phòng giao dịch phủ khắp các quận, huyện, vùng sâu, vùng xa. Các sản phẩm BH cũng “đồng hành” với tốc độ phát triển của DNBH. Năm 1999 ngành BH có 200 sản phẩm thì đến nay đã có gần 700 sản phẩm BHPNT và hơn 100 sản phẩm BHNT. Bên cạnh đó, hoạt động phát triển hệ thống trung gian BH cũng đã có những bước tiến mới. Nếu giai đoạn 1993 - 2001 chỉ có 1 DN môi giới BH hoạt động trên thị trường thì đến nay đã có 10 công ty môi giới BH (trong đó có 4 công ty 100% vốn nước ngoài, 6 công ty cổ phần) và trên 120.000 đại lý BH hoạt động trong lĩnh vực này. Các trung gian này đã ngày càng thể hiện tốt vai trò của mình trên thị trường BH, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thị trường. Các nghiệp vụ BH chính được thu xếp qua môi giới là BH tài sản và thiệt hại (chiếm 31%), BH hàng không (22%), BH sức khỏe và tai nạn con người (15%)…

Tuy vậy, Tổng Thư ký HHBHVN Phùng Đắc Lộc cho rằng thị trường BH VN vẫn còn nhiều phân khúc bị bỏ ngỏ. Các sản phẩm BHNT dành cho người thu nhập thấp và người nghèo chưa được chú trọng trong khi đối tượng này vẫn chiếm không ít ở nước ta. Bên cạnh đó, hệ thống an sinh xã hội nói chung và y tế, giáo dục, hưu trí… nói riêng của nước ta cũng còn nhiều bất cập. Đây là cơ hội để các DN BHNT tăng tốc đầu tư. Với mảng thị trường này thì việc hợp tác với các ngành như ngân hàng, bưu chính sẽ có rất nhiều thuận lợi để đưa sản phẩm đến khách hàng nhiều hơn nữa.

Còn đối với lĩnh vực BHPNT, cũng còn nhiều mảng chưa được khai thác hoặc mức độ khai thác còn nhỏ. Trong ngành BH VN, nông nghiệp vẫn còn là “vùng trắng”; các dòng sản phẩm BH trung bình và thấp, BH tín dụng và rủi ro tài chính, BH trách nhiệm… cũng chưa được các DNBH chú ý nhiều. Tổng Giám đốc Bảo Việt Trần Trọng Phúc cho rằng năm 2010, ngành BH sẽ sôi động hơn khi kinh tế nước ta cũng như thế giới đang phục hồi tốt. Ông Phùng Đắc Lộc dự báo, năm 2010, ngành BH nước ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn, BHNT sẽ tăng trưởng 18%, BHPNT dự kiến sẽ tăng trưởng 25%...

Kênh dẫn vốn quan trọng

Bên cạnh săn tìm lợi nhuận, ngành BH cũng góp phần đáng kể làm giảm áp lực vốn để sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển cho hệ thống ngân hàng và ngân sách nhà nước. Theo HHBHVN, doanh thu BHPNT năm 2009 đạt 13.100 tỷ đồng (tăng khoảng 20% so với năm 2008); doanh thu BHNT đạt 11.700 tỷ đồng (tăng khoảng 12%). Với nước ta, ngành BH đã thực sự trở thành chỗ dựa khá vững chắc khi mỗi năm bồi thường 55% doanh thu phí BH cho các cơ sở kinh tế - xã hội và khách hàng khi họ gặp rủi ro thiên tai, tai nạn; góp phần ổn định ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, trong hoàn cảnh kinh tế nước ta đang khó khăn, nhất là về nguồn vốn thì năm 2009 ngành BH đã tạo ra nguồn vốn trung và dài hạn 69.000 tỷ đồng và đầu tư vào nền kinh tế đất nước (năm 2008 là 57.000 tỷ đồng), tạo việc làm cho 15.000 nhân viên BH và gần 150.000 đại lý BH. Dự kiến, năm 2010, tổng vốn từ ngành BH đầu tư vào nền kinh tế sẽ tăng lên khoảng 75.000 tỷ đồng.

Năm 2010, dù thị trường có nhiều dấu hiệu khả quan nhưng bản thân các DNBH cũng tồn tại không ít yếu kém cần khắc phục. Theo ông Trần Trọng Phúc, các DNBH cần rà soát lại hoạt động kinh doanh của mình, củng cố năng lực và mạng lưới, chú trọng xây dựng được những chiến lược phát triển phù hợp cũng như dự phòng rủi ro… Còn ông Phùng Đắc Lộc cho rằng các DN cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, đa dạng hóa sản phẩm sao cho phù hợp hơn với nhu cầu, khả năng “đối ứng” và sự phát triển của thị trường; tập trung hơn nữa vào các mảng thị trường còn trống và nhiều tiềm năng. Cùng với đó là duy trì và phát triển các kênh phân phối sản phẩm mới như qua ngân hàng, bưu điện... nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Quan trọng không kém là DNBH cần tăng cường tính minh bạch của sản phẩm, hạn chế hiện tượng trục lợi, xem thường đạo đức kinh doanh nhằm củng cố niềm tin của người tham gia BH. Ông Lộc cũng khuyến cáo, các cơ quan chức năng nên sớm hoàn thiện khung pháp lý của hoạt động kinh doanh BH theo hướng hội nhập, chú trọng vào việc làm rõ trách nhiệm của DN và bảo vệ người mua sản phẩm BH tốt hơn nữa.

HOÀNG LONG

Sài Gòn Giải phóng

Các tin tức khác

>   Ai cần Bancassurance? (29/12/2009)

>   Đất lành cho bảo hiểm ngoại  (26/12/2009)

>   Cần thiết xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi (26/12/2009)

>   Khơi dòng đầu tư từ doanh nghiệp bảo hiểm (24/12/2009)

>   Mua bảo hiểm qua môi giới, ít vì sao? (22/12/2009)

>   HSBC thu hộ phí bảo hiểm cho Bảo Việt nhân thọ (17/12/2009)

>   MB và Prudential triển khai bảo hiểm tín dụng (17/12/2009)

>   Băn khoăn hợp đồng bảo hiểm xây dựng (15/12/2009)

>   Tư vấn bảo hiểm: “Con sâu làm rầu nồi canh”? (10/12/2009)

>   BIC bảo hiểm cho công trình tòa nhà cao thứ 2 Hà Nội (09/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật