Quỹ đầu tư mạnh tay "lướt sóng"
CTCP quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) đang giới thiệu Quỹ đầu tư năng động Việt Nam (VFA) ra công chúng. Quỹ này sẽ tập trung đầu tư ngắn hạn thay vì đầu tư lâu dài như nhiều quỹ khác.
Chuyển hướng sang ngắn hạn
Khác với các quỹ thường có xu hướng đầu tư dài hạn, theo giải thích của Ban đại diện VFM, chiến lược đầu tư là tham gia thị trường khi có xu thế tăng (mua) hoặc giảm (bán khống). Đồng thời, quỹ sẽ chốt lời khi xu thế này đảo chiều hoặc không còn.
Bên cạnh đó, chiến lược quản lý rủi ro qua các cơ chế cắt lỗ, phân bổ tài sản và đa dạng hóa đầu tư vẫn được áp dụng.
Theo VFA, chiến lược đầu tư này khác với phương pháp đầu tư truyền thống là mua và nắm giữ để thực hiện bảo toàn vốn khi thị trường diễn biến không thuận lợi.
Với thị trường niêm yết, VFA sẽ đầu tư vào "rổ" cổ phiếu đại diện cho VN-Index (nhóm cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn) vì sẽ có biến động gần giống với biến động của chỉ số chứng khoán.
Chiến lược đầu tư theo những đợt sóng của thị trường như VFA không phải là mới đối với các nhà đầu tư (NĐT), vì họ cũng thường xuyên áp dụng chiến lược “lướt sóng” nhằm gia tăng lợi nhuận trong giao dịch của mình.
Trên thực tế, nhiều quỹ đầu tư có mặt tại Việt Nam cũng đã áp dụng chiến lược này dù không công bố chính thức. Giám đốc một quỹ đầu tư tại TP.HCM tiết lộ, quỹ này đã tham gia lướt sóng một số cổ phiếu blue-chips khi giá giảm mạnh về dưới 450 điểm và ngay lập tức bán ra khi VN-Index về lại mức 500 điểm vào cuối năm 2009. Kết quả là khoản lợi nhuận của quỹ tính cho năm 2009 đã gia tăng đáng kể.
Những đợt “lướt” nhanh như vậy trên thị trường không phải là ít. Các thông tin mua vào và bán ra liên tục của một CP nào đó của quỹ đầu tư trên thị trường thường xuyên được công bố sau khi giao dịch xảy ra.
Ví dụ từ ngày 14/12/2009 đến ngày 7/1/2010, Công ty quản lý quỹ SSI đã mua vào 223.900 CP của CTCP dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC), đồng thời bán ra 318.120 CP; Quỹ tầm nhìn SSI đã mua 30.000 SVC, đồng thời bán ra 389.000 CP... Vì vậy sự đổi hướng và công bố chiến lược đầu tư theo hướng mới của VFA là điều dễ hiểu.
"Nhập gia tùy tục"
“Chúng tôi phải thay đổi trong nội bộ để có sự nhạy bén hơn với thị trường”, đó là tuyên bố của ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Dragon Capital (DC) về những xáo trộn vừa qua.
Sự nhạy bén đó nhằm gia tăng lợi nhuận của các quỹ mà DC đang quản lý theo yêu cầu của NĐT. Bởi theo ông Dominic Scriven, năm 2008 trở về trước, DC đều có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng của chỉ số VN-Index nhưng năm 2009 thì ngược lại. Nguyên nhân là DC đã khá thận trọng trong giai đoạn đầu năm nhưng lại không theo kịp khi thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi vào quý 2/2009.
Giám đốc quỹ đầu tư này cho biết, hầu hết những quỹ đang có mặt tại Việt Nam đều theo chiến lược đầu tư trung và dài hạn. Mặc dù vậy, họ vẫn dành một phần tiền để tham gia đầu tư ngắn hạn trên thị trường niêm yết khi có cơ hội. Đặc biệt trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự biến động cao với khoảng cách giữa những đợt giảm giá và tăng giá khá lớn nên tỷ trọng đầu tư ngắn hạn cũng được tăng lên.
Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, để đánh giá hiệu quả hoạt động của một quỹ đầu tư, khách hàng luôn luôn so sánh với chỉ số chứng khoán qua từng năm.
Ví dụ năm 2009, VN-Index từ mức 315,62 điểm (ngày 31/12/2008) lên 494,77 điểm vào cuối năm 2009, tương ứng chỉ số này đã tăng hơn 56,7% trong một năm. Như vậy, nếu quỹ đầu tư nào có lợi nhuận tăng trưởng thấp hơn mức tăng của VN-Index thì chưa đạt hiệu quả cao, hay nói cách khác là thua thị trường. Còn ngược lại, nếu quỹ đầu tư nào có lợi nhuận tăng trưởng cao hơn mức tăng của VN-Index thì hoạt động hiệu quả hay gọi là thắng thị trường.
“Lựa chọn chiến lược đầu tư ngắn hay dài hạn là việc của ban điều hành quỹ. Nhưng NĐT cần biết được mức lợi nhuận tăng trưởng để quyết định xem có nên mua chứng chỉ quỹ hay không. Đây cũng là con số mà quỹ đầu tư muốn thuyết phục khách hàng cần phải cam kết và chứng minh được sau mỗi năm hoạt động”, ông Đinh Thế Hiển nói.
Các chuyên gia chứng khoán đều nhận định, việc tham gia mua bán ngắn hạn trên thị trường của các quỹ đầu tư góp phần tăng thanh khoản cho thị trường nên các NĐT không nên lo lắng. Quan trọng vẫn là khi tự mình tham gia thị trường chứng khoán thì NĐT phải có kiến thức và phương pháp đầu tư riêng của mình.
Thanh Niên
|