Thứ Năm, 21/01/2010 09:17

Cổ phiếu làm giá: Đừng để thành bản chất

Tương tự tin đồn, cũng có thể xem làm giá CP như một “đặc sản” của TTCK Việt Nam. Đối với một thị trường mới nổi như TTCK nước ta, yếu tố đầu cơ, lũng đoạn bằng tin đồn hay làm giá là điều không thể tránh khỏi, rất nhiều người vẫn tỏ ra dễ dãi, thậm chí dung túng cho những hành vi cản trở sự phát triển của TTCK.

Từ sự đồng thuận

Một DN chuẩn bị tăng vốn, sẽ tìm cách đẩy giá càng cao càng tốt, sau đó các thành viên trong ban lãnh đạo (thường chỉ mua CP với giá tương đương mệnh giá) sẽ tiến hành bán ra. Như vậy, mức lợi nhuận mà các cổ đông trong công ty thu được cực kỳ lớn. Lãi đẻ ra lãi, tức có tiền để mua những CP chuẩn bị phát hành thêm.

Thí dụ vừa nêu rất phổ biến đối với các DNNY trên sàn, không chỉ các DN nhỏ có vốn 10-20 tỷ đồng, ngay cả những DN lớn cũng sử dụng chiêu thức này để mua CP mà chẳng phải bỏ ra thêm một đồng vốn nào.

Cách đây vài năm, khi CP tăng mạnh 5-10 phiên, còn thấy DN có giải trình gửi lên các cơ quan quản lý, nhưng giờ đây động thái này cũng không còn xuất hiện. Vẫn biết rằng rất nhiều giải trình cũng là sự coi thường đối với các NĐT, DN nào cũng nói rằng CP tăng nóng do cung cầu quyết định, họ hoàn toàn không hay biết, nhưng có mấy ai tin.

Từ 18/12/2009 đến ngày 7/1/2010, CP KSH (Khoáng sản Hà Nam) đã có 14 phiên tăng trần liên tiếp, từ 3.0 lên gần 6.0. Không như thời hoàng kim 2006 – 2007, hiện tượng CP tăng liên tiếp từ 10 phiên trở lên trong khoảng 2 năm trở lại rất hiếm hoi, nhưng KSH đã từng có một đợt tăng giá từ 2.0 lên 9.0 mà không có một phiên điều chỉnh nào, phần nhiều do tin đồn công ty đã tìm ra được một mỏ vàng trữ lượng lớn. Rốt cuộc tin đồn chỉ là tin đồn và không thấy DN công bố thông tin nào cho thấy có yếu tố đột biến trong kinh doanh.

Đối với NĐT mọi chuyện đơn giản chỉ là CP có khả năng tăng giá thì cứ mua để tìm kiếm lợi nhuận, còn mặc kệ lý do vì sao lựa chọn CP. Liên tưởng đến hàng loạt trường hợp CP có “mùi khét” khác, có thể dễ dàng nhận ra sự bất chấp rủi ro của nhiều NĐT, vẫn biết CP có thể bị làm giá nhưng dường như lợi nhuận vẫn được đặt lên trên.

Đến sự tiếp tay của các CTCK

DN không biết CP mình bị làm giá hay biết mà làm ngơ hoặc thậm chí tiếp tay cho hành động này? Câu hỏi xem ra không khó trả lời đối với những người thạo tin trên thị trường. Nhưng cũng cần phải thấy, nếu không có sự đồng thuận từ phía NĐT, liệu những chiêu thức làm giá có đất để diễn hay không?

Thấy ra nhất là trường hợp của nhóm CP hiếm BMC, TCT và SGH đã liên tục làm mưa làm gió trong năm 2007 nhưng hiện nay chỉ là những dấu lặng trên sàn. TCT và SGH đã chuyển sang niêm yết tại HNX do không đáp ứng yêu cầu của HOSE về vốn điều lệ, còn BMC cũng không phải là sự ưa chuộng của số đông các NĐT thích mạo hiểm.

Như vậy, cho dù 3 CP hiếm nói trên đã có những thành tích tăng giá rất ấn tượng nhưng khi không có sự hợp tác từ các NĐT cũng không thể tiếp tục làm giá. Cũng chưa phải NĐT biết nói “không” với CP có dấu hiệu bị làm giá, mà đơn thuần là tìm kiếm những cơ hội khác hấp dẫn hơn. Thay vì lựa chọn những CP có nền tảng kinh doanh hiệu quả, tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, rất nhiều người vẫn đang lựa chọn CP bị làm giá để tìm kiếm lợi nhuận.

Nhưng vấn đề làm giá không đơn thuần chỉ là câu chuyện giữa NĐT và DN mà còn liên quan đến CTCK và cơ quan quản lý thị trường. Năm qua có hiện tượng sau khi CTCK công bố báo cáo phân tích CP nào, CP đó sẽ tăng giá. Có thể giải thích do CTCK giúp NĐT lựa chọn CP tốt, nhưng thực tế CTCK cũng tham gia đẩy giá CP.

Mặc dù đến thời điểm này vẫn chưa có vụ việc nào được phanh phui, nhưng sẽ là ngờ nghệch nếu nói rằng các báo cáo của các CTCK là khách quan, vô tư. Thay vì hướng NĐT đến CP tốt, các CTCK lại dẫn dắt NĐT đến những mục đích riêng của mình. Vậy những tuyên bố kiểu “chúng tôi sẽ hoạt động chuyên nghiệp theo mô hình NH đầu tư” của nhiều CTCK nghe chừng rất giả tạo.

Như đã đề cập ở trên, một NĐT thạo tin có thể phán đoán được CP có dấu hiệu làm giá, vậy các cơ quan quản lý có biết hay không? Không thể phủ nhận nỗ lực của UBCKNN trong việc xử phạt hàng loạt những sai phạm GDCK năm qua, nhưng rõ ràng chưa đủ. Khi làm giá vẫn xuất hiện như một làn sóng được đám đông ưa chuộng, cần phải có những biện pháp cứng rắn hơn, mạnh tay hơn. Một vụ làm giá có thể đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng, xử phạt vài chục triệu đồng có ý nghĩa gì.

Đại Ngàn

Đầu tư Tài chính/Sài Gòn Giải Phóng

Các tin tức khác

>   Bán chứng khoán T+2, nhu cầu rất lớn (21/01/2010)

>   Cổ phiếu PPC: Kỳ vọng từ tỷ giá JPY/VND (21/01/2010)

>   CMC Corp triển khai dự án tại Khu CNC TPHCM (21/01/2010)

>   MAFPF1 tổ chức Đại hội NĐT năm Tài chính 2009 (21/01/2010)

>   DAD sẽ góp thêm 5 tỷ đồng vào Đầu tư Tài chính Thiên Hoá (20/01/2010)

>   VIT, CAP và PVA chốt danh sách tổ chức ĐHĐCĐ 2010 (20/01/2010)

>   SJS sẽ triển khai toàn diện dự án Nam An Khánh (20/01/2010)

>   Chuyên nghiệp hóa giao dịch tại HNX (20/01/2010)

>   "Quy định mới không yêu cầu tổ chức niêm yết phải lập và công bố BCTC tóm tắt" (20/01/2010)

>   OTC: Trầm lắng vẫn là chủ đạo (20/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật