Thứ Năm, 21/01/2010 09:33

Chưa khơi thông dòng chảy thông tin

Trên TTCK, thông tin là số một, tiền bạc chỉ đứng vị trí thứ hai, điều này cho thấy việc công bố thông tin (CBTT) được NĐT quan tâm tới mức nào. Nội dung Thông tư 09 vừa mới được Bộ Tài chính ban hành sửa đổi, bổ sung Thông tư 38 về CBTT đã giải tỏa được nhiều nút thắt, song trên thực tế, việc mù mờ và lộn xộn về CBTT trên thị trường khó có thể khắc phục khi thông tư mới vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng.

Ngoài những thông tin liên quan đến báo cáo tài chính quý, năm, giao dịch cổ phiếu quỹ, cổ đông nội bộ… buộc phải công bố theo quy định, nhu cầu về dòng chảy thông tin của NĐT là vô tận khi họ phải ra quyết định hàng ngày, hàng giờ. Tìm kiếm thông tin một cách chính thống cũng là nhu cầu tất yếu của NĐT. Tuy nhiên, việc có nhiều cách hiểu khác nhau và không thống nhất về quy định CBTT đang gây ra tình trạng bất bình đẳng về thông tin, khó khăn cho DN và gián tiếp ảnh hưởng tới NĐT.

Nút thắt thứ nhất, nội dung cả thông tư cũ và mới đều yêu cầu DN niêm yết CBTT bất thường khi có các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc tình hình quản trị của tổ chức niêm yết. Tuy nhiên, "ảnh hưởng lớn" chỉ là khái niệm chung chung không có đơn vị đo lường, nên mỗi DN hiểu mỗi khác và dẫn đến các cách hành động cũng khác nhau. Đơn cử việc DN nhận được giấy phép đầu tư dự án lớn. Do TTCK luôn phản ứng trước thông tin, nên tất cả mọi thành viên thị trường đều cho rằng đây là thông tin có ảnh hưởng rất lớn tới giá chứng khoán. Tuy nhiên, không ít DN đã nại lý do rằng, kể từ thời điểm nhận giấy phép đến khi triển khai để có doanh thu, lợi nhuận là quãng thời gian dài, nên không nhất thiết phải CBTT ngay. Trường hợp của Vinaconex, ACB, Hòa Phát với dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ là một ví dụ. Thông tin Vinaconex đại diện cho liên danh các chủ đầu tư sắp được cấp phép đầu tư dự án Tây Mỗ đã góp phần đẩy giá cổ phiếu VCG tăng vọt và là thông tin được thị trường chờ đợi. Song quyết định về dự án này với  nguyên xi con dấu lại xuất hiện trên… các diễn đàn chứng khoán, trong khi DN thì hoàn toàn im tiếng. CTCP Xi măng Quảng Ninh (mã QNC) nhận giấy phép khai thác than từ Bộ Tài nguyên Môi trường, thông tin này râm ran trên thị trường và khiến giá cổ phiếu QNC tăng trần nhiều phiên liên tiếp đến khi DN CBTT về dự án. So sánh thời điểm DN CBTT với thời gian nhận giấy phép thì cách nhau tới hơn… 10 ngày. Thế nên mới có chuyện, tin dự án được công bố chính thức thì giá chứng khoán giảm và lúc đó NĐT mua cổ phiếu thì bị coi là "đổ vỏ".

Nút thắt thứ hai nằm ở chỗ khó xác định ranh giới của những thông tin DN buộc phải cung cấp qua các Sở giao dịch, UBCK và cơ quan truyền thông khi khái niệm "thông tin có thể ảnh hưởng tới giá chứng khoán" là rất chung chung. Như đã đề cập, thông tin DN có nghĩa vụ công bố rất nhiều nhưng như vậy cũng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của NĐT. Do đó, kênh thông tin từ báo chí trở thành cầu nối hữu ích để chuyển tải, phản ánh thêm hoạt động của các DN. Việc nhà báo tiếp cận với lãnh đạo DN, người CBTT của DN để có thêm tin tức cập nhật ra thị trường là tác nghiệp bình thường theo Luật Báo chí và cần được khuyến khích để lấp lỗ hổng từ những tin đồn, từ tin rỉ tai, truyền miệng trên thị trường. Đây chính là điểm mạnh của những hãng tin tài chính trên thế giới như Reuters, Bloomberg… Song trên TTCK Việt Nam, đó lại là vấn đề gây tranh cãi. Không ít DN trao đổi với báo chí về ước lợi nhuận quý, kế hoạch lợi nhuận, việc làm, dự án lớn của DN… và khi thông tin xuất hiện trên các báo, lập tức DN bị nhắc nhở và yêu cầu phải giải trình. Và những bản giải trình này của DN như trường hợp của GMD, KHP… có nội dung thông tin y chang như đã được đăng trên báo. Kiểm chứng thông tin là quan trọng, nhưng để đến mức DN ngại, né tránh việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí vì sợ bị khiển trách và bị quy kết là làm sai, liệu có phải là điều tích cực với thị trường? Muốn thông tin ra báo chí, DN phải cung cấp đồng thời cho Sở giao dịch, yêu cầu đó e khó thực hiện vì đây là những thông tin thị trường cần và báo chí chủ động tìm đến DN.

Theo đánh giá chung từ thị trường, Thông tư mới về cơ bản đã tháo gỡ được nhiều bất cập cho các DN tham gia thị trường trong việc CBTT. Tuy nhiên, để thông tư có thể đi vào cuộc sống, vẫn cần có những hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn từ 2 Sở để việc thực thi các quy định này không gây khó cho DN, NĐT cũng như các chủ thể khác.

Suy cho cùng, Thông tư này cũng như các văn bản pháp lý khác trên TTCK đều cùng chung mục tiêu hướng DN đại chúng theo chuẩn mực của sự minh bạch. Trên con đường này, những nỗ lực minh bạch thông tin của tất cả các chủ thể tham gia thị trường cần phải được ghi nhận và khơi thông.

Anh Việt

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu làm giá: Đừng để thành bản chất (21/01/2010)

>   Bán chứng khoán T+2, nhu cầu rất lớn (21/01/2010)

>   Cổ phiếu PPC: Kỳ vọng từ tỷ giá JPY/VND (21/01/2010)

>   CMC Corp triển khai dự án tại Khu CNC TPHCM (21/01/2010)

>   MAFPF1 tổ chức Đại hội NĐT năm Tài chính 2009 (21/01/2010)

>   DAD sẽ góp thêm 5 tỷ đồng vào Đầu tư Tài chính Thiên Hoá (20/01/2010)

>   VIT, CAP và PVA chốt danh sách tổ chức ĐHĐCĐ 2010 (20/01/2010)

>   SJS sẽ triển khai toàn diện dự án Nam An Khánh (20/01/2010)

>   Chuyên nghiệp hóa giao dịch tại HNX (20/01/2010)

>   "Quy định mới không yêu cầu tổ chức niêm yết phải lập và công bố BCTC tóm tắt" (20/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật