Năm 2010, an toàn tài chính là ưu tiên số 1
Mặc dù đánh giá các sản phẩm mới là quan trọng và cần thiết sau 10 năm phát triển thị trường nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, trước mắt các CTCK cần tập trung vào quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn tài chính.
Đề xuất các công ty đại chúng (CTĐC) quy mô lớn chưa niêm yết sẽ phải thực hiện kiểm toán, công bố thông tin như DN niêm yết, trong khi một số DN niêm yết quy mô nhỏ sẽ được giảm nghĩa vụ này. Bên cạnh đó, giao dịch nội gián thao túng thị trường thu lời bất chính sẽ bị xử phạt nặng. Đó là một số nội dung trọng tâm trong hoạt động ngành chứng khoán năm 2010.
Tăng trưởng trong khó khăn
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành chứng khoán năm 2010 tổ chức ngày 22/1, nhiều thành viên thị trường đánh giá 2 năm qua đối với TTCK thế giới là khủng hoảng thì với Việt Nam vẫn gặt hái không ít thành công. Theo báo cáo của UBCK, mức vốn hóa thị trường cuối năm 2009 là 620 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 38% GDP năm 2009, tăng gấp 3 lần cuối năm 2008.
Đạt được kết quả này là do số DN niêm yết mới tăng đột biến, tăng 30%, hiện là 457 công ty. Số tài khoản chứng khoán cũng tăng hơn 50% với 793 ngàn tài khoản được mở. Giá trị danh mục tài khoản NĐT nước ngoài cuối năm 2009 đạt 6,6 tỷ USD so với thời điểm đầu năm đã tăng 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, con số 62 CTCK thua lỗ năm 2008 đã giảm xuống còn 20 công ty trong năm 2009.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng kể nêu trên nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc đối với thị trường. Sự biến động mạnh, thiếu ổn định của các chỉ số thị trường đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của NĐT.
Một vấn đề nổi cộm là các CTCK xé rào áp dụng sản phẩm mới tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh. Hoạt động repo nở rộ như cuối năm 2007 đầu năm 2008 ảnh hưởng đến an toàn tài chính của các CTCK. Trong khi đó, tình trạng tin đồn, thao túng giá, giao dịch nội gián vẫn tiếp diễn. Hệ thống văn bản pháp luật về chứng khoán còn thiếu và chưa ổn định.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất cơ quan quản lý cần sớm cho phép triển khai các sản phẩm mới, nhất là trong bối cảnh thị trường trầm lắng, đi xuống như hiện nay. Cùng với đó là có định hướng dài hạn với lộ trình cụ thể về phát triển TTCK để CTCK có sự chuẩn bị về công nghệ, nhân lực đón trước.
An toàn tài chính CTCK: Ưu tiên số 1
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK cho biết, liên quan đến hoạt động của các tổ chức hoạt động kinh doanh chứng khoán, triển khai quy chế giao dịch, nghiệp vụ mới như: mở nhiều tài khoản, magin, repo, T+2... trong năm qua. UBCK đã có dự thảo văn bản trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành. Việc triển khai nội dung này đặt cho cơ quan quản lý những khó khăn.
Thứ nhất là tính tuân thủ luật pháp, đặc biệt là của các CTCK trong thời gian vừa qua trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính, xé rào gây sự bất bình đẳng trên thị trường. UBCK ủng hộ việc ra các sản phẩm mới, nhưng bản thân các CTCK và NĐT phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quản trị rủi ro. CTCK phải tăng cường quản trị rủi ro đảm bảo an toàn tài chính. UBCK đã có dự thảo nội dung an toàn tài chính của CTCK theo tiêu chuẩn doanh thu.
Trước đây chỉ theo 2 tiêu chí là: thanh khoản vốn khả dụng và vốn chủ sở hữu. Theo ông Bằng, bản thân việc tính toán đưa vào các tiêu chí này không đầy đủ. Nhiều hợp đồng repo CTCK để ngoài sổ sách hoặc có đưa vào cũng không phản ánh hết. Trong tiêu chí rủi ro, đây là vấn đề rất phức tạp đối với thị trường. Ông Bằng nhấn mạnh, an toàn tài chính các CTCK là vấn đề số 1 trong năm 2010. Các CTCK hàng ngày phải đánh giá được rủi ro, từ đó có báo cáo UBCK. Trên cơ sở đảm bảo an toàn tài chính thì việc triển khai các nghiệp vụ mới sẽ tốt hơn.
Về nghiệp vụ mới, ông Bằng cho biết, những gì rủi ro quá cao chưa triển khai được, thì tạm lùi lại, những gì triển khai ngay được thì đưa vào áp dụng. Ví dụ vấn đề T+2 đã trình Bộ Tài chính và cơ quan này đã đồng ý về chủ trương. Vấn đề cùng mua, cùng bán trong phiên có thể áp dụng được. Việc mở nhiều tài khoản nếu có khó khăn thì tạm lùi nhưng trước mắt, cho phép áp dụng với các công ty quản lý quỹ đầu tư vì bản thân các quỹ phải giao dịch cho nhiều đối tượng. Do đó cần phải tách bạch để quản trị rủi ro.
Liên quan đến đóng cửa đại lý nhận lệnh (ĐLNL), văn bản Bộ Tài chính quy định, đến tháng 4/2010 các ĐLNL chứng khoán phải đóng cửa. Tuy nhiên ông Bằng cho biết, vẫn còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Mô hình ĐLNL như Việt Nam không có nước nào có Những ngày đầu khó khăn, các CTCK chưa đủ tiềm lực để mở chi nhánh tại các tỉnh nên mở ra ĐLNL để thu hút các NĐT.
Qua quá trình khảo sát, kiểm tra, UBCK thấy có nhiều tồn tại: ĐLNL làm cả tư vấn và nhiều công việc không đúng chức năng. Bản thân các CTCK không kiểm soát nổi. Việc đóng cửa ĐLNL là cần thiết, nhưng đại diện UBCK cho biết, cơ quan này cũng đang nghiên cứu một mô hình phù hợp như bước đệm để tránh cú sốc với CTCK.
Năm qua, nhiều CTCK đã đưa ra thị trường các báo cáo phân tích, nhận định thị trường. Tuy nhiên chất lượng rất khác nhau, đôi khi là những nhận định trái chiều gây hoang mang cho NĐT. Ranh giới giữa bản tin tư vấn và đẩy giá CP. thao túng thị trường là rất gần. Theo ông Bằng, về vấn đề này, trong năm tới, UBCK sẽ giám sát chặt chẽ. UBCK sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông để cùng các cơ quan đó phối hợp điều tra, truy tìm bản chất thông tin để có xử lý, răn đe.
Ông Bằng cũng cho biết, một điểm đáng chú ý là khi sửa đổi Nghị định 1412007/NĐ-CP và sửa Luật Chứng khoán sẽ bổ sung quy định tiêu chí công bố thông tin phân theo quy mô và mức độ đại chúng của DN thay vì công bố thông tin phân giữa tổ chức niêm yết và không niêm yết. Có tổ chức không niêm yết hiện nay, quy mô rất lớn về vốn và số NĐT nhưng vẫn nằm ngoài thị trường. Tới đây sẽ phải tuân thủ việc công bố thông tin nhiều hơn. Như vậy sẽ xóa đi bất bình đẳng trong công bố thông tin giữa các công ty đại chúng .
Thanh Đoàn
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|