Chủ Nhật, 24/01/2010 21:16

“Thị trường chứng khoán Việt Nam đâu còn non trẻ nữa”

Ngày 22/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2010”, trong đó có đề cập đến một số giải pháp phát triển thị trường như giao dịch trong ngày trên sàn HSX, sáp nhập hai sở giao dịch trong giai đoạn 2013-2020, giao dịch T+2…

Đưa ra góc nhìn về các giải pháp nói trên, TS. Hoàng Xuân Quyến, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nói trong cuộc trao đổi với VnEconomy:

- Các giải pháp của Ủy ban Chứng khoán - từng được Phó chủ tịch Nguyễn Đoan Hùng nêu lên trong cuộc giao lưu trực tuyến về triển vọng thị trường năm 2010 trên VnEconomy - thể hiện quyết tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, trong bối cảnh từ năm 2010, kinh tế trong nước và thế giới đã bắt đầu xu thế hồi phục và tăng trưởng. Các giải pháp đều hướng tới sự phát triển một thị trường chứng khoán an toàn, tăng trưởng bền vững và từng bước hướng tới sự hiệu quả và minh bạch.

Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, thị trường đang mong chờ việc rút ngắn thời gian giao dịch từ T+4 xuống T+1, chứ không chỉ là T+2, và hơn thế nữa là cho phép mua bán cùng loại chứng khoán trong ngày. Còn tại sàn HNX, giải pháp kết nối giao dịch trực tuyến cần sớm được đưa vào triển khai.

Theo ông thì vì sao việc rút ngắn thời gian giao dịch T+4 lại được triển khai chậm như vậy?

Chính tôi cũng đặt câu hỏi này rồi lại tự trả lời. Đến thời điểm này, thị trường chứng khoán Việt Nam đâu còn non trẻ nữa. Sàn HSX đã qua trên 9 năm với trên 2.000 phiên giao dịch; sàn HNX cũng đã có trên 1.000 phiên giao dịch rồi.

Tôi cho là có ba nguyên nhân chính.

Nguyên nhân thứ nhất thuộc về nhận thức. Có rất nhiều việc phải làm để thị trường chứng khoán phát triển, nhưng ở thị trường chứng khoán thứ cấp, việc đảm bảo tính thanh khoản của thị trường là quan trọng hơn tất cả. Thị trường thiếu thanh khoản thì sẽ không hiệu quả vì dòng tiền không được chuyển dịch dễ dàng, nhanh chóng với chi phí giao dịch thấp. Hệ lụy kéo theo là rủi ro thanh khoản cao cho nhà đầu tư. Lúc đó thị trường sơ cấp muốn phát triển cũng sẽ rất khó.

Chính vì chưa đặt tính thanh khoản lên hàng đầu của sự quan tâm nên trong nhiều năm qua, cơ quan quản lý chưa có biện pháp rút ngắn thời gian giao dịch xuống 1-2 ngày, thay vì 4 ngày như hiện tại. Biên độ giao dịch cũng là một rào cản cho tính thanh khoản của thị trường và chúng ta đã chứng kiến sự sụt giảm thê thảm của thị trường trong giai đoạn cuối 2008 đầu 2009. Nhận thức của chúng ta tưởng là có biên độ thì sẽ chặn đà suy giảm của thị trường, nhưng thực tế không phải vậy. Một bài viết của tôi trên VnEconomy đã nói về điều này trước đây.

Còn trên sàn HNX thì duy trì quá lâu giao dịch nhập lệnh tại sàn, vừa tốn kém nhân lực, vừa làm giảm tính thanh khoản và tạo kẽ hở cho việc làm giá cổ phiếu.

Nguyên nhân thứ hai thuộc về giải pháp kỹ thuật. Vẫn còn không ít người nhầm lẫn giữa giao dịch T+3 với thời gian thanh toán T+3, trong khi đây là hai vấn đề độc lập với nhau. Kỳ hạn thanh toán T+3 song hành với giao dịch T+1 hoặc T+0 hiện khá phổ biến trên thế giới. Lợi thế của thị trường chứng khoán Việt Nam là phát triển sau, nên chúng ta kế thừa để lựa chọn quy chế giao dịch và công nghệ phù hợp khá dễ dàng. Vì thế thay vì rút ngắn xuông giao dịch T+2 thì Ủy ban Chứng khoán nên cho phép giao dịch T+1 ngay.

Nguyên nhân thứ ba có lẽ do cơ chế quản lý. Ủy ban Chứng khoán có lẽ đã muốn ban hành quy chế rút ngắn thời gian giao dịch nhưng Bộ Tài chính mới là người ra quyết định rồi sau đó Trung tâm Lưu ký chứng khoán lại phải lên tiếng là đã sẵn sàng hay chưa. Sự chậm trễ là lẽ đương nhiên rồi.

Rủi ro về chính sách vĩ mô thì thị trường nào cũng có và ngoài tầm kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán. Nhưng nếu thời gian giao dịch rút ngắn xuống 1-2 ngày, tôi cho rằng những rủi ro gây tổn thất cho nhà đầu tư có thể giảm đi ít nhất là 50%.

Quay lại với cuộc hội thảo của Ủy ban Chứng khoán ngày 22/1. Cá nhân ông có tâm đắc với các giải pháp nào khác của Ủy ban?

Hai sàn giao dịch HNX và HSX đều là đơn vị sự nghiệp có thu 100% vốn nhà nước nhưng lại triển khai hai hệ thống công nghệ khác nhau - điều này quả là rất khó lý giải. Sự không tương thích về công nghệ vừa gây lãng phí đầu tư cho nhà nước, gây nhiều phiền toaí cho các công ty chứng khoán vì phải đảm bảo kết nối với hai sở. Do vậy, định hướng sáp nhập hai sở giao dịch và tiến tới cổ phần hóa, mà các công ty chứng khoán sẽ là thành viên, theo tôi là một giải pháp tốt.

Quản lý chặt việc phát hành cổ phiếu của các công ty đại chúng chính là bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Việc công bố thông tin nhanh và công bằng cũng là biện pháp mà nhà đầu tư rất mong đợi.

Hải Hà

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Chống lại “cá mập”   (24/01/2010)

>   Ba công ty chứng khoán bị phạt 60 triệu đồng (24/01/2010)

>   Thị trường chứng khoán 2010: Không để xé rào (23/01/2010)

>   HNX thúc đẩy doanh nghiệp Thái Lan vào Việt Nam (23/01/2010)

>   Lạc quan với cổ phiếu ngành bất động sản  (23/01/2010)

>   Ám ảnh lãi suất cơ bản (23/01/2010)

>   Tâm lý thận trọng (23/01/2010)

>   HoSE chờ "bật đèn xanh" kéo dài thời gian giao dịch (22/01/2010)

>   HOSE cảnh báo toàn thị trường đối với cổ phiếu FPC (22/01/2010)

>   VSH thành lập công ty con với vốn điều lệ 5 tỷ đồng (22/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật