Tâm lý thận trọng
Cuối cùng ngưỡng kháng cự 480 điểm của VN-Index đã bị phá vỡ sau hai lần thị trường bật lên mạnh trước ngưỡng này.
Nhiều nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy trong phiên giao dịch ngày thứ Năm khi thị trường giảm đến 11 điểm. Khối lượng giao dịch của thị trường trong phiên này tăng 21%, trong khi giá trị giao dịch chỉ tăng 18%.
Có vẻ giá chứng khoán đã chớm vào mức có thể bắt đầu giải ngân theo chiến lược bắt đáy. Và nhiều nhà đầu tư đã thực hiện chiến lược mua vào ở phiên giảm mạnh dưới ngưỡng hỗ trợ và bán ra khi thị trường tăng mạnh chạm ngưỡng hỗ trợ trên. Tuy nhiên thị trường vẫn đang ở giữa những luồng thông tin trái chiều.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1/2010 so với tháng 12/2009 của TP.HCM vừa được công bố tăng ở mức 1,27% và 1,3% của Hà Nội có thể coi là chỉ báo cho chỉ số CPI tháng 1/2010 của cả nước nói chung sẽ ở con số nằm trong dự đoán dưới 1,5%, không cao quá cũng không thấp. Như vậy, thông tin về chỉ số CPI có thể sẽ không có tác động quá lớn đến TTCK cho đến khi được chính thức công bố.
Tuy nhiên, thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị tăng giá điện hơn 11% (đề nghị áp dụng từ 1/1/2010) lại có tác động xấu đến thị trường. Với các DN sản xuất, tăng giá điện đồng nghĩa tăng chi phí đầu vào tăng giá thành sản phẩm và sẽ đẩy lạm phát nói chung tăng lên.
Yếu tố cơ bản là hoạt động huy động và cho vay vốn của ngân hàng vẫn đang ở thời điểm căng thẳng mang tính chất mùa vụ. Tiền mặt đang được ưu tiên cho sản xuất kinh doanh quay vòng vốn và các nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Các DN có tiền nhàn rỗi cũng ưu tiên cho doanh nghiệp bạn vay để hưởng lãi suất cao.
Từ tuần trước, các CTCK đã lại hạn chế tỷ lệ dùng đòn bẩy tài chính của khách hàng. Nguồn vốn duy nhất hỗ trợ thanh khoản của thị trường, dù không nhiều lắm cũng không còn được khuyến khích.
Tâm lý thận trọng vẫn đang ở khắp nơi, từ các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp cho đến nhà đầu tư cá nhân. Những đồn đoán về tăng lãi suất cơ bản cũng không còn là yếu tố gây bất ngờ cho thị trường, vấn đề chỉ là thời điểm. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu hôm 20/1 cũng đã khẳng định với báo giới rằng những tin đồn về điều chỉnh tăng hay giảm lãi suất cơ bản thời gian gần đây là không đúng sự thật vì chưa có cơ sở để điều chỉnh lãi suất cơ bản.
Tuy nhiên, một số NĐT cho rằng, chừng nào việc điều chỉnh lãi suất cơ bản chưa diễn ra thì thị trường còn chưa thể tăng mạnh. Lãi suất cho vay thực trên thị trường hiện rất cao, do vậy, xem ra việc DN công bố tỷ lệ trả cổ tức ở mức 30%/năm không còn hấp dẫn. Với cổ phiếu thị giá 30.000 đồng thì tỷ lệ cổ tức trên thị giá là 10%, có lẽ chỉ đủ bù tỷ lệ lạm phát năm nay. Vì vậy, chừng nào lãi suất ngân hàng chưa giảm xuống thì TTCK còn phải thận trọng bởi lợi nhuận của các DN, nhất là những DN tỷ lệ nợ vay lớn, sẽ bị ảnh hưởng.
Tâm lý thận trọng của cả thị trường là điều dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay. Giá chứng khoán giảm thấp hơn nữa sẽ tiếp tục lôi kéo được dòng tiền vào bắt đáy, nhưng khả năng tăng trở lại của thị trường còn đang bị cản trở bởi sự dè chừng của nhà đầu tư khi nhìn vào lạm phát.
Thành Nam
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|