584: “Chiếc Ford màu đen” và lỗ hổng pháp lý
Sở hữu cổ phiếu sau ngày chốt danh sách cổ đông vẫn được gửi thư xin ý kiến. Hơn nữa, trước ngày chốt, công ty không hề có thông báo nào về việc sẽ chốt danh sách chia cổ tức và xin ý kiến cổ đông. Điều này đã khiến cho cổ đông của công ty bức xúc.
“Bạn có thể chọn bất kỳ màu sơn xe nào mà bạn thích, miễn nó là màu đen”, câu nói nổi tiếng của Henri Ford có vẻ như đang trở lại với trường hợp của CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 (gọi tắt là 584), khi các cổ đông đang rơi vào tình huống “giống như chuyện đã rồi”.
Tôn trọng cổ đông kiểu… nửa vời
Ngày 16/1/2010, cổ đông X bất ngờ nhận được thư gửi xin ý kiến về việc chia cổ tức năm 2009, thông qua phương án phát hành riêng lẻ và niêm yết trên HOSE của 584 theo danh sách chốt ngày 31/12/2009. Trong khi đó, tại thời điểm Công ty chốt danh sách cổ đông, ông X chưa hề sở hữu cổ phiếu, vì đến ngày 5/1 mới làm thủ tục mua và sang tên sở hữu. Điều khiến ông X bức xúc hơn là trước ngày 31/12/2009, 584 không hề có thông báo nào về việc sẽ chốt danh sách chia cổ tức và xin ý kiến cổ đông như trên.
Vị cổ đông này cho biết, ngày 5/1/2010, ông mua cổ phiếu 584 với giá 22.000 đồng/cổ phiếu. Nếu biết cổ phiếu này đã chốt quyền thực hiện chia cổ tức 5 ngày trước đó, thì chắc chắn giá mua sẽ phải giảm, chứ không phải ở mức này. Do Công ty không thông báo về việc chốt danh sách này trước, nên ông không biết để đàm phán giá lúc giao dịch. Hiện tại, ông có tên trong danh sách xin ý kiến cổ đông, điều này có đồng nghĩa với việc ông được hưởng cổ tức năm 2009 hay không? Đến thời điểm này, không ít NĐT giao dịch sau cũng không biết gì về việc 584 đã chốt danh sách chia cổ tức 14% (nếu được thông qua).
Một điều nữa khiến ông X thắc mắc khi có cảm giác như Công ty muốn cổ đông rơi vào chuyện đã rồi là thời gian xin ý kiến có vẻ gấp gáp. Cách đây gần 1 tháng, 584 cũng đã hoàn tất một đợt xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành riêng lẻ từ 150 tỷ đồng lên 240 tỷ đồng, nhưng cách thức xin ý kiến “hợp lý” hơn. Cụ thể, ngày 20/11/2009, trên website của Công ty (www.congty584.com.vn) đăng thông tin về việc ngày 25/11/2009 sẽ chốt danh sách cổ đông theo Công văn ký ngày 17/11. Thời gian để cổ đông gửi phiếu lấy ý kiến về Công ty là ngày 8/12/2009, tính theo dấu bưu điện, tức là cổ đông có 12 ngày (tính cả ngày nghỉ) để suy nghĩ và đưa ra quyết định có thông qua hay không. Nhưng cũng với nội dung trên, thậm chí còn liên quan đến việc chốt quyền hưởng cổ tức, niêm yết, lần này 584 lại không thông báo trước ngày chốt danh sách. Đồng thời, đến ngày 15/1/2010 Công ty mới thực hiện gửi thư xin ý kiến cổ đông và chốt ngày nhận Phiếu biểu quyết là ngày 23/1, tức 8 ngày sau đó. Một khoảng thời gian ngắn, cộng với việc liên tục tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ, chỉ trong 3 tháng tăng từ 150 tỷ đồng lên 360 tỷ đồng, khiến không ít cổ đông cảm thấy bị thiệt thòi.
Kẽ hở pháp lý
Lần giở lại hoạt động của 584 trong thời gian vừa qua thì thấy, năm 2009 có lẽ là năm đầu tiên các cổ đông “hưởng trái ngọt” thực sự sau thời gian tương đối dài đi cùng doanh nghiệp. Đầu kỳ báo cáo năm 2008, 584 có khoản lỗ lũy kế 18,89 tỷ đồng; đến cuối năm này, lợi nhuận lũy kế của Công ty đã trở về “trên mặt đất”, đạt gần 3,2 tỷ đồng trên vốn điều lệ 150 tỷ đồng.
Đầu tháng 10/2009, 584 đưa ra con số dự kiến lợi nhuận sau thuế năm 2009 khoảng 100 tỷ đồng, tương đương EPS 6.667 đồng. Với EPS dự kiến này, triển vọng giá cổ phiếu 584 chắc chắn sẽ không “lẹt đẹt” ở mức “đầu 2” như hiện tại, nếu không có chuyện Công ty thực hiện phát hành riêng lẻ tăng vốn lên 240 tỷ đồng vào đầu tháng 12/2009 và nhiều khả năng tiếp tục tăng vốn lên 360 tỷ đồng với kế hoạch hiện tại.
Điều 79 Luật Doanh nghiệp quy định, cổ đông phổ thông được ưu tiên mua cổ phần khi DN phát hành mới, nhưng với việc liên tục đưa ra kế hoạch phát hành riêng lẻ, thì rõ ràng tỷ lệ sở hữu của một cổ đông sẽ bị giảm đáng kể. Tất nhiên, pháp luật không cấm DN liên tiếp tăng vốn và khi cổ đông đã đặt bút thông qua thì chẳng có lý do gì để cơ quan quản lý từ chối!
Liên quan đến việc không có thông báo trước về việc chốt quyền xin ý kiến cổ đông và khoảng thời gian khá ngắn để cổ đông gửi phiếu biểu quyết về Công ty, rõ ràng, cách làm của 584 khiến nhiều cổ đông rơi vào tình trạng bị động. Tuy nhiên, lần giở Thông tư số 38/2007/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK, Luật Doanh nghiệp và một số văn bản pháp luật liên quan, người viết ghi nhận rằng, cách làm của 584 không trái pháp luật. Với một DN niêm yết, khi thực hiện tăng vốn hoặc tổ chức ĐHCĐ thì quy định về thời gian lập danh sách, thông báo… khá rõ ràng. Nhưng đối với công ty đại chúng chưa niêm yết hoặc chưa lên sàn UPCoM, thì không thấy quy định nào yêu cầu DN phải thông báo trước về thời gian chốt danh sách, khoảng thời gian tối thiểu kể từ khi chốt danh sách đến khi chốt thời gian xin ý kiến (tính theo dấu bưu điện) là bao nhiêu. Vì thế, nếu DN cố tình làm cho cổ đông phải “đồng ý” với kế hoạch đưa ra có lẽ không quá khó khăn. Nhân trường hợp cổ đông X của Công ty 584 nêu trên, một câu hỏi chung được đặt ra cho các DN chưa thực hiện lưu ký chứng khoán tập trung là: việc chốt danh sách và xin ý kiến của DN liệu có nghiêm túc hay không?
Minh Hương
Đầu tư chứng khoán
|