Tìm vốn từ thị trường
Trong khi hệ thống ngân hàng đang "kẹt" vốn, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lên kế hoạch huy động vốn qua kênh chứng khoán để đầu tư cho các dự án trong năm nay.
Huy động thành công
Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới, hàng loạt DN đã lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu (CP) để lấy vốn cho sản xuất, kinh doanh, xây dựng dự án. Có thể kể ra như: Công ty CP Sông Đà 12 (S12) dự kiến chào bán 3 triệu CP cho các cổ đông hiện hữu và cán bộ công nhân viên trong công ty với trị giá 30 tỉ đồng để lấy vốn thực hiện dự án khu nhà ở cao cấp BMM tại (Hà Đông); Công ty CP Dic-No4 (CD4) phát hành CP cho cổ đông chiến lược, cổ đông hiện hữu để lấy vốn đầu tư cho dự án Cụm công nghiệp Tam phước 1, tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; HĐQT Công ty cổ phần cao su Đồng Phú (DPR) cũng vừa quyết định sẽ phát hành riêng lẻ 3 triệu CP cho các nhà đầu tư lớn và đối tác chiến lược để tăng vốn điều lệ từ 400 lên 430 tỉ đồng ngay trong quý 1/2010, để huy động vốn trồng mới cao su tại Campuchia, tại Đắk Nông, sản xuất nệm, gối cao su thiên nhiên từ mủ latex của công ty....
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn lình xình, xu hướng giảm vẫn thống trị nên việc phát hành thêm khó khả thi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều công ty đã và đang huy động thành công. Như trường hợp của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã thành công trong việc phát hành 11,9 triệu CP cho cổ đông chiến lược, thu về số tiền lên tới trên 538,267 tỉ đồng trong đó thặng dư vốn là 418,625 tỉ đồng để đầu tư cho các dự án trong năm nay. Cuối tháng 1 này, HSG sẽ tiếp tục phát hành thêm 1 triệu CP cho cán bộ công nhân viên trong công ty với giá ưu đãi là 30.000 đồng/CP, số tiền thu về sẽ là 30 tỉ đồng và thặng dư là 20 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền thu được từ đợt phát hành là 568,267 tỉ đồng và tổng thặng dư vốn là 438,652 tỉ đồng.
Trước đó, hàng loạt công ty bất động sản cũng thành công trong việc phát hành CP, trái phiếu DN để huy động vốn cho các dự án dài hơi.
"Sức khỏe" tốt, không sợ thị trường xấu
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã từng nhận xét, các DN VN chỉ quen với việc vay vốn từ kênh truyền thống là ngân hàng khiến áp lực và gánh nặng cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế "đè" nặng lên khối ngân hàng. Điều này dẫn đến tình trạng ngân hàng chỉ cần "hắt hơi" là DN ngay lập tức bệnh nặng. Thực tế những tháng cuối của năm 2009 và đầu năm 2010 vừa qua, hàng loạt DN "kêu" lỡ cơ hội làm ăn khi ngân hàng tạm ngưng cho vay vì thiếu vốn. Trong khi đó, ở nước ngoài DN tận dụng tối đa việc huy động vốn qua chứng khoán để giảm tải cho hệ thống ngân hàng cũng như đa dạng hóa nguồn vay. Ông Lịch cho rằng, tình trạng đầu cơ thái quá và thiếu lành mạnh khiến chứng khoán không trở thành kênh huy động vốn cho DN, đẩy gánh nặng huy động vốn cho cả nền kinh tế lên vai các ngân hàng thương mại. Từ đó vấn đề đặt ra là thiếu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế... Trong khi đó, mục tiêu của thị trường chứng khoán là khơi thông nguồn vốn từ dân chúng vào DN. Tạo cho DN một kênh huy động vốn với nguồn lực lớn, hiệu quả.
Trên thực tế, việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán đã có thời phát triển "cực thịnh" cách đây vài năm. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động sau đó bị nhiều DN sử dụng sai mục đích. Đặc biệt là hiện tượng vốn huy động từ chứng khoán rồi nguồn vốn này lại chảy ngược lên thị trường thay vì đổ vào các dự án sản xuất, kinh doanh như dự kiến ban đầu khiến nhà đầu tư mất lòng tin. Vì vậy sau đó, việc huy động vốn bị "nghẽn" lại, tỷ lệ thành công ít hơn. Bên cạnh đó, việc thị trường sụt giảm mạnh trong 2 năm trở về đây cũng là cản trở không nhỏ cho các DN trong việc huy động vốn qua kênh này.
Tuy vậy, theo một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, việc thị trường tăng, giảm tuy có ảnh hưởng tới việc phát hành của các DN nhưng không quá lớn. Vấn đề là DN có dự án khả thi, kế hoạch kinh doanh tốt và không "tham" phát hành với giá quá cao thì chứng khoán vẫn là kênh huy động hiệu quả. "Ngay trong cả giai đoạn thị trường sụt giảm, nhiều DN vẫn huy động được nguồn vốn lớn. Tôi đã tìm hiểu, các DN có sức khỏe tốt, đề án thực tế hiệu quả thì cổ đông luôn ủng hộ", chuyên gia này nói.
Việc huy động vốn qua kênh chứng khoán nếu khơi thông hiệu quả sẽ giảm tải cung vốn cho hệ thống ngân hàng và mở ra một kênh huy động vốn trung và dài hạn cực lớn cho các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nguyên Khanh
Thanh niên
|