Chống lại “cá mập”
Báo Thanh Niên đã có loạt bài nói về “cá mập” trên thị trường chứng khoán. Điều đó đã giải thích tại sao có những đợt sóng lớn với đỉnh và đáy cách nhau không do thắt chặt tiền tệ đột ngột, không do dòng tiền rút ra khỏi thị trường,…
Điều đó cũng giải thích tại sao có những mã tăng trần nhiều phiên liên tục để giá gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp bốn, gấp năm chỉ sau ít tháng, hoặc đột ngột giảm sàn? Điều đó cũng giải thích vì sao có phiên VN-Index giảm mạnh, còn HNX giao dịch nửa tiếng sau đó lại tăng lên, nhưng hai ngày sau cả hai sàn lại giảm mạnh?
Vậy “cá mập” là ai?
Trước hết đó là một “đại gia” có lượng vốn lớn mà đơn vị tính không phải triệu đồng, hay tỉ đồng mà hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng. Tiếp đến là họ liên kết theo “đàn” bởi như thế mới đủ lực để đè giá hoặc đẩy giá. Cách liên kết là chia phe để kẻ tung, người hứng. Sự liên kết còn được mở rộng giữa họ với những người môi giới trong công ty chứng khoán, thậm chí với cả công ty niêm yết.
Cách của họ là tạo sóng, mà sóng càng lớn càng tốt, bởi thị trường không có sóng hoặc không có sóng lớn thì họ cũng chẳng “đớp” được cá nhỏ. Một cách thông dụng họ dùng là tung ra các tin đồn, nửa kín nửa hở, nửa thật, nửa giả…
Hai động thái của họ là “đè” giá và “đẩy ” giá. “Đè” giá để các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị lỗ buộc phải bán ra để cắt lỗ (nếu vay vốn chơi chứng khoán càng phải cắt lỗ nếu không sẽ bị lỗ kép). Khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ ào ào bán ra thì giá cổ phiếu sẽ xuống thấp, rẻ đi; khi đó “cá mập” sẽ mua vào và đẩy giá lên; nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ “tham lam” ào ào mua vào theo.
Các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nên hành động ra sao?
Họ liên kết thì ta phải đoàn kết. Cách đoàn kết không phải thông qua tổ chức hay phe phái gì cả, mà cần thống nhất bằng các hành động.
Trước hết, không nghe theo những tin không chính thống, những tin đồn, kiểu như Ủy ban chứng khoán sắp quyết, đã quyết giảm T+4 xuống T+3, T+2 ; Ngân hàng Nhà nước đã quyết, sắp quyết nâng lãi suất cơ bản, rồi quỹ đầu tư này thoái vốn, công ty niêm yết kia sắp thưởng, sắp chia…
Khi thị trường xuống hoặc mã nào đó xuống (không phải do trước đó thị trường liên tục tăng quá cao), thì không nên ào ào bán ra để cắt lỗ, bởi chúng ta cắt lỗ thì cũng đúng là lúc nộp cổ phiếu giá rẻ cho “cá mập”. Nếu hầu hết chúng ta không ào ào bán ra, bán bằng giá sàn, thì giá chứng khoán không thể xuống sàn được. Cũng tránh bán hớ khi bán ở đáy.
Khi một mã nào đó liên tục tăng và đã ở mức khá cao, khi thị trường ở đỉnh, thì không nên ào ào mua vào, chính mua ở đỉnh là lúc “nộp” tiền cho “cá mập”, mua hớ lớn nhất.
Nếu mua/bán ào ào theo phong trào thì chúng ta đã “nộp mình” cho “cá mập”, họ đã thu lãi bự trên sự thua lỗ của số đông. Không ít người trong chúng ta giống như bà lão trong câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” đã trở về với cái máng lợn do “nộp mình” kiểu này.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ hãy đoàn kết lại; “cá mập” không muốn và cũng không thể “nuốt chửng” tất cả, bởi không có chúng ta thì họ chơi với ai, nếu như họ cứ giở cái bài của “cá mập” - có chăng cũng có một số “cá mập” tan đàn bị thất bại nặng nề - nhưng nếu các nhà đầu tư nhỏ lẻ hợp sức lại, có sự trợ giúp của các cơ quan chức năng, kể cả các công ty niêm yết, công ty chứng khoán… thì sẽ làm cho thị trường lành mạnh hơn, bởi không có chúng ta thì cũng không thể có thị trường, bởi chúng ta có tới trên 600 nghìn trong tổng số trên 700 nghìn các nhà đầu tư chứng khoán.
Ngọc Minh
THANH NIÊN
|