Cẩn trọng khi ký quỹ
Tại một hội thảo về thị trường chứng khoán diễn ra tại TPHCM cuối tuần qua, vấn đề được thảo luận sôi nổi nhất là sử dụng hình thức ký quỹ thế nào cho hiệu quả trong năm 2010 này.
Trên thực tế, hình thức ký quỹ cho phép NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính trong giao dịch chứng khoán là việc không phải mới nhưng được các công ty chứng khoán (CTCK) áp dụng một cách tự phát. Đến cuối tháng 11.2009, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có dự thảo thông tư hướng dẫn mua ký quỹ chứng khoán. Theo đó NĐT sẽ ký quỹ ban đầu theo một tỷ lệ tối thiểu 50% (1 - 1) giá trị chứng khoán tại thời điểm mua. Trường hợp chứng khoán xuống thấp hơn tỷ lệ cảnh báo thì CTCK nhắc nhở và yêu cầu NĐT nộp thêm tiền hoặc chứng khoán để bổ sung. Trường hợp NĐT không đóng thêm tiền hoặc chứng khoán để nâng tỷ lệ ký quỹ lên mà giá chứng khoán tiếp tục giảm đến tỷ lệ xử lý thì CTCK được phép bán bớt một phần chứng khoán. Dự thảo còn đưa ra mức lãi suất áp dụng đối với NĐT sử dụng ký quỹ tối đa là 150% lãi suất cơ bản, NĐT được ký quỹ mở tài khoản tại một CTCK 3 tháng trở lên, chứng khoán cho phép ký quỹ 6 tháng sau khi niêm yết...
Bà Nguyễn Thị Anh Đào - Trưởng phòng môi giới Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra ví dụ, NĐT có 100 triệu đồng thì số tiền được phép ký quỹ thêm 100 triệu đồng. Khi giá chứng khoán giảm 20%, NĐT sẽ rơi vào tình trạng cảnh báo cần bổ sung thêm tiền và nếu giá giảm 30% thì rơi vào tình trạng bị xử lý. Giao dịch ký quỹ sẽ hỗ trợ NĐT đa dạng hóa, chuyên nghiệp hóa và tăng tính thanh khoản cho thị trường... Tuy nhiên khi sử dụng đòn bẩy tài chính cũng rất dễ đẩy thị trường xuống nhanh và sâu hơn. Hậu quả là NĐT lỗ kép hoặc mất khả năng trả nợ, CTCK cũng thua lỗ do việc thu hồi không như dự kiến. Để giảm thiểu rủi ro trong giao dịch khi sử dụng đòn bẩy tài chính, theo bà Đào, NĐT tránh lạm dụng đòn bẩy, đặc biệt những NĐT mới tham gia thị trường thì không nên dùng đòn bẩy tài chính. NĐT chỉ sử dụng đòn bẩy tài chính cho hoạt động lướt sóng, không dùng cho đầu tư dài hạn bởi sự biến động liên tục của thị trường. Đồng thời NĐT chỉ dùng đòn bẩy tài chính khi xác định xu thế thị trường đi lên trong đợt sóng tăng dựa vào phân tích xu hướng thị trường, phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản...
Dù đang trong quá trình soạn thảo nhưng hiện nay các CTCK đã áp dụng hình thức ký quỹ thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư cùng NĐT. Bà Trần Thị Thu Nguyệt - Tổng giám đốc VietwayEdu cho biết, nhiều NĐT hiện nay thua lỗ bởi có sử dụng đòn bẩy tài chính. Điều đáng lưu ý là khi đụng mức cảnh báo hoặc xử lý, NĐT thường dùng cách để công ty bán chứng khoán ra thay vì đóng thêm tiền. Trong khi xét về dài hạn thì chứng khoán vẫn có xu hướng tăng giá.
Bà Nguyệt cũng cảnh báo, việc sử dụng đòn bẩy tài chính chỉ hiệu quả khi NĐT đánh theo mô hình “lưng con cá” (tức thị trường tăng - PV) nhưng thị trường hiện nay chưa rõ xu hướng nên tạm thời NĐT hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính trong giai đoạn này. "NĐT tại thời điểm này nếu có tâm lý không được tốt lắm, không dự báo được thị trường thì không nên tham gia. Còn những người “nghiện” chứng khoán thì có thể tham gia 1/3 nguồn tiền hiện có và không dùng hình thức ký quỹ, đặc biệt là những NĐT hiện đang thực hiện chiến lược “bắt đáy” thị trường càng không nên sử dụng đòn bẩy tài chính" - bà Nguyệt nói.
Phân biệt ký quỹ và repo, cầm cố chứng khoán
Repo cổ phiếu là mua bán cổ phiếu có kỳ hạn. NĐT bán cổ phiếu cho CTCK và cam kết mua lại với mức giá và thời điểm nhất định trong tương lai theo thỏa thuận của CTCK.
Cầm cố chứng khoán là việc các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cho NĐT vay tiền để đầu tư chứng khoán với tài sản đảm bảo là chứng khoán.
Ký quỹ (margin trading) là NĐT vay tiền ở CTCK. Khi tổng tài sản có trong tài khoản ký quỹ của NĐT thấp hơn mức tối thiểu quy định, NĐT sẽ đóng thêm tiền hoặc chứng khoán để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ như đã cam kết. Nếu không CTCK sẽ bán chứng khoán để bù đắp sự thâm hụt mà không cần báo. |
Thanh Xuân
THANH NIÊN
|