Hai thế giới, hai cách cảm nhận
Một cuộc khảo sát vào ngày cuối năm của tuần báo The Economist tại New York ghi nhận 60% số người được hỏi cho rằng 10 năm 2000-2009 là “thập niên tồi tệ”, năm 2009 là một “năm tồi tệ”. Tuy vậy, báo New York Times số ra ngày 3-1-2010 lại nhận định, thập niên vừa qua sẽ đi vào lịch sử thế giới như một thành công lớn đối với nhiều dân tộc trên trái đất, ít ra là về phương diện kinh tế.
Với người Mỹ và thế giới phương Tây nói chung, thập niên 2000-2009 được đánh dấu bằng các biến cố bất ngờ và bi thảm: vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, chiến tranh Iraq và Afghanistan, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế... dẫn tới việc sức mạnh và ảnh hưởng của phương Tây trên thế giới bị sút giảm nghiêm trọng.
Viết trên báo New York Times, Giáo sư kinh tế Tyler Cowen, Đại học George Mason ở Mỹ, cho rằng trái ngược với các nước giàu, thế giới đang phát triển lại trải qua một thập niên vươn lên mạnh mẽ. Báo chí thường ca ngợi tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng đây không phải là hiện tượng cá biệt mà biểu hiện một xu thế phát triển ở hầu hết các nước nghèo.
Bốn trong năm quốc gia đông dân nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Brazil), chiếm 40% dân số toàn cầu, đều đã có những bước tiến dài. Indonesia chẳng hạn, sau vụ khủng hoảng tài chính tai hại năm 1997-1998 và những bất ổn xã hội những năm cuối thập kỷ 1990, đã gượng dậy và duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5-6%/năm trong suốt thập niên qua.
Brazil cũng có một thập niên tốt lành, tăng trưởng kinh tế có lúc vượt quá mức 5%/năm. Ở châu Mỹ Latinh, các nước Colombia và Peru đều có những tiến bộ vượt bậc, còn Chile đã ngấp nghé đứng vào hàng ngũ các nước phát triển và sẽ gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Châu Phi vẫn còn nghèo khó. Nhưng dù sao, điều kiện sinh sống ở nhiều quốc gia châu Phi đã được cải thiện đáng kể nhờ kinh tế toàn châu lục này tăng ở mức bình quân 5%/năm trong hầu hết thập niên qua. Nhiều dịch vụ căn bản như nước sạch, vệ sinh, điện và điện thoại đã được cung cấp rộng rãi.
Và khi thế giới bị khủng hoảng kinh tế trong hai năm cuối của thập niên, các nước đang phát triển đã thoát ra khỏi suy thoái nhanh hơn dự báo. Các quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia không thực sự bị suy thoái mà chỉ tăng trưởng chậm lại. Brazil và nhiều nền kinh tế châu Á bị sụt giảm sản lượng vào cuối năm 2008 đầu năm 2009 nhưng đã nhanh chóng lấy lại phong độ.
Tuy tình hình từng khu vực có khác nhau song nhìn chung, các nước đang phát triển có sức bền tốt hơn các nước giàu trong công cuộc ứng phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đó là kết quả tích cực của một thập niên tăng trưởng và sẽ có tác động sâu sắc đến phần còn lại của thế giới, không chỉ trong lúc này mà cả trong những năm tháng sắp tới.
Nhiều nhà kinh tế học đồng ý rằng trong năm 2010, chính các nền kinh tế đang phát triển sẽ giúp đẩy mạnh sự phục hồi kinh tế thế giới, trong lúc các nước giàu chỉ mong sao không bị rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.
Cho dù tăng trưởng kinh tế trong thập niên qua chưa dẫn tới cải cách chính trị như nhiều người kỳ vọng, chưa bao giờ những lý tưởng về dân chủ, sự phồn vinh, tự do và nhà nước pháp quyền lại lay động khắp toàn cầu như hiện nay. Và cho dù việc thực thi các lý tưởng đó hãy còn yếu ớt, hầu như các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới đều chấp nhận tự do hóa nền kinh tế và từng bước cải thiện tính minh bạch trong điều hành xã hội.
Tuần báo Economist nhận định, tổn thất về kinh tế mà các nước đang phát triển ở châu Á phải gánh chịu trong cuộc suy thoái 2007-2008 lớn hơn nhiều so với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Tuy vậy, cuộc suy thoái lần này đã không gây mất ổn định xã hội như lo sợ của các chuyên gia. Không có chính phủ nào bị lật đổ, cũng không có những vụ biểu tình lớn của những người mất việc.
Mười năm trước, khủng hoảng tài chính mà trọng tâm là sự mất giá đột ngột của đồng tiền, đã làm sụp đổ chế độ cai trị 30 năm của Tổng thống Suharto ở Indonesia, bất mãn ở Philippines làm tiêu tan nhiệm kỳ tổng thống của Joseph Estrada; thất nghiệp làm phát sinh nhiều cuộc biểu tình lớn ở Bangkok, Thái Lan. Nhưng cuộc suy thoái lần này có vẻ như góp phần củng cố, chứ không phải xói mòn, sự ổn định và sự ủng hộ của người dân đối với chính phủ các nước đang phát triển.
Người dân Ấn Độ và Indonesia lại tiếp tục bỏ phiếu cho đảng cầm quyền trong hai cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, còn ở Trung Quốc chưa bao giờ đảng cầm quyền “vững vàng” như thời điểm kỷ niệm 60 năm thành lập nước CHND Trung Hoa tháng 10 vừa qua. Tình hình đó trái ngược với các nước giàu, nơi cuộc khủng hoảng bắt đầu từ lòng tham của giới đầu cơ và sự bất cẩn trong quản lý hệ thống tài chính của các chính phủ.
Một cuộc khảo sát mới đây do Dự án Pew Global Attitudes tiến hành cho thấy mức độ hài lòng về cuộc sống của người dân các nước giàu bị suy giảm trầm trọng; ở Anh, Pháp và Nhật chỉ có dưới 30% số người được hỏi tỏ ý hài lòng về cuộc sống, trong khi tỷ lệ này ở châu Á là hơn 40%, riêng Trung Quốc là 87%. Quy luật “sự hài lòng về cuộc sống tỷ lệ thuận với thu nhập” đã không còn đúng nữa và đó là một hiện tượng đáng suy nghĩ.
Vậy đó, năm 2010 đã đến với hai cách cảm nhận khác nhau giữa khối nước giàu và nước nghèo.
Huỳnh Hoa
TBKTSG Online
|