Thứ Năm, 07/01/2010 08:22

Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính của thập kỷ trước

Cuộc khủng hoảng tài chính trong thập kỷ trước đã chứng minh những lý luận của nhà tư tưởng người Đức Karl Marx về chủ nghĩa tư bản là đúng đắn.

Khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, một người đàn ông từ thế kỷ 19 đột ngột lại nổi như cồn một lần nữa. Karl Marx sinh năm 1818 ở thành phố Trier, Tây Đức. Trong tác phẩm "Tư bản" mang tính bước ngoặt của mình, ông trích lời một thành viên công đoàn nói rằng: "Tư bản kinh sợ việc không có lãi hoặc lãi rất nhỏ như bản chất của một nhu cầu tự nhiên.

Với lợi nhuận thích hợp, tư bản thức tỉnh; với 10%, nó có thể được sử dụng ở bất kỳ đâu; với 20%, nó trở nên sống động; với 50%, vô cùng liều lĩnh; với 100%, nó sẽ chà đạp lên mọi luật pháp của loài người và với 300% không một tội ác nào là nó không sẵn sàng làm, kể cả với nguy cơ phải lên giá treo cổ".

Những lý luận của Marx đã được chứng minh là đúng. Lo sợ tình trạng đình đốn sau các vụ tấn công khủng bố 11/9, các ngân hàng trung ương đã làm "ngập lụt" hệ thống tài chính bằng khả năng thanh khoản, việc mà về sau khiến các nhà quản lý tài chính phải nghĩ ra vô vàn các cách thức buộc khả năng thanh khoản đó phát huy tác dụng.

Trạng thái hồ hởi ngự trị ở nước Mỹ, nơi bất kỳ cái gì mới cũng đột ngột được tuyên bố là có lợi. Người dẫn chương trình trò chuyện truyền hình Chris Matthews, người từng chấp bút diễn văn cho cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, nói Mỹ là "nước nhanh nhất" trên thế giới. Đối với nhiều người, vấn đề lớn nhất trong những năm 2000 là tiền. Làm sao tôi có thể kiếm được càng nhiều tiền càng tốt, càng nhanh càng tốt?

Nỗi e sợ về một hành tinh tư bản

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã cố gắng thuyết phục những người Đức hoài nghi rằng, nỗi sợ hãi của họ về mô hình chủ nghĩa tư bản mới là không có căn cứ. Theo một báo cáo năm 2006 của IMF, hệ thống mới, vốn chia nhỏ rủi ro và phân phát đều tới nhiều người, an toàn hơn hệ thống cũ.

Đó là một sai lầm chết người. Vào giữa năm 2008, tình trạng bong bóng vốn khởi phát chủ yếu trong thị trường bất động sản Mỹ đã bùng nổ. Các ngân hàng ngã quỵ giống như những quân cờ domino và nền kinh tế thực sự đã sụp đổ. Vào cuối năm đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức giảm 4,5% - tỉ lệ suy giảm nghiêm trọng nhất trong lịch sử hậu chiến của đất nước này.

Nhóm khủng bố 11/9 đã huỷ hoại nhiều thứ, không chỉ toà tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, một phần Lầu Năm Góc và hàng ngàn sinh mạng con người. Do hậu quả đến trễ từ những hành động của chúng, chủ nghĩa tư bản đã sụp đổ.

Thế giới theo trật tự thông thường tạm thời bị đảo lộn. Các chính trị gia, vốn từng bị giới chủ ngân hàng xem thường trước đó, đột ngột nhận được sự cầu viện nhằm giải cứu hệ thống tài chính. Thậm chí người ta còn đề cập tới sự quay trở lại thống trị của chính trị. Chủ nghĩa tư bản và các chủ ngân hàng đều bị mất uy tín và sự tin tưởng bắt đầu tan biến. Tuy nhiên, rốt cuộc thì hệ thống tài chính chỉ trải qua một giai đoạn thoái trào ngắn ngủi và nhanh chóng trở về với những cung cách cũ của nó. Sự thèm khát lợi nhuận đã quay trở lại trong khi các chính trị gia, nghịch lý thay, là những người bị bỏ lại với các vấn đề.

Ngày nay, năng lực chính trị đang được chuyển thành những nỗ lực nhằm bình ổn các thị trường tài chính. Nếu không có điều đó, nguy cơ về một cuộc suy thoái nghiêm trọng kiểu những năm 1930 với triển vọng về sự thất nghiệp hàng loạt và thậm chí cả khả năng thiếu đói, sẽ tái xuất.

Tư bản hiện đang cần để khởi động các nguồn cung cấp tiền trong những nền kinh tế quốc gia bị đình trệ. Năm 2008, các thị trường chứng khoán thế giới đã mất 1 tỉ USD xét về giá trị cứ mỗi 24 phút. Kể từ đó, các chính phủ đã cố gắng hết sức để hỗ trợ và bình ổn các ngân hàng, ngành công nghiệp xe hơi và bất động sản.

Hoạt động vay nợ của các chính phủ đã đạt mức chưa từng có tiền lệ. Thập kỷ đã qua cũng là thập kỷ đắt đỏ nhất trong lịch sử thế giới, ít nhất là trong các thời bình. Các nước G20 hiện đang chi khoảng 1.500 tỉ USD để giải cứu nền kinh tế của chính họ. Những người đóng thuế sẽ vẫn phải trả lãi cho các chương trình giải cứu và kích thích kinh tế của chính phủ nước họ trong 100 năm nữa, và hậu quả là tổng số tiền cần chi trả sẽ cao gấp nhiều lần với số ban đầu.

Điều này phân tán sự chú ý khỏi các vấn đề quan trọng khác và cũng có nghĩa rằng hiện sẽ có ít tiền hơn để giải quyết chúng. Ví dụ như hệ thống phúc lợi xã hội Đức không được trang bị để đối phó với sự già đi của xã hội.

Các vấn đề không được giải quyết ngày hôm nay vì các chính trị gia buộc phải tập trung đối phó với hậu quả của khủng hoảng kinh tế, sẽ đẩy các ngân sách chính phủ và các quỹ an ninh xã hội vào sự rối loạn mới trong tương lai. Khi điều đó xảy ra, các chủ ngân hàng có khả năng sẽ chỉ trích các chính trị gia vì đã làm không đủ.

Đi đầu

Đây chủ yếu là những vấn đề của phương Tây. Ngược lại, Trung Quốc đã tìm được cách tăng tốc cuộc chinh phục địa vị siêu cường thế giới trong khủng hoảng. Đất nước này có dự trữ ngoại tệ vào khoảng hơn 2.000 tỉ USD trong khi con số này ở Đức chỉ là 180 tỉ USD. Trung Quốc có tỉ lệ tiết kiệm tư nhân là 40% trong khi người Mỹ chỉ tiết kiệm khoảng 4% thu nhập của họ. Do đó, Trung Quốc đã có thể đối phó với khủng hoảng bằng cách rút tiền mặt từ các nguồn dự trữ của họ.

Đối với các lãnh đạo chính phủ và đảng cầm quyền ở Trung Quốc, sự sụp đổ của các thị trường xuất khẩu khắp thế giới là một cơ hội được chào đón nhằm thoả mãn nhu cầu đầu tư bị dồn nén bên trong lãnh thổ của đất nước rộng lớn này. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại và dự kiến sẽ đạt mức hơn 8% trong năm 2010.

Người Trung Quốc cũng đang biến sức mạnh kinh tế này thành sức mạnh chính trị. Do không thể một mình đối phó với các hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính nên phương Tây cần các nền kinh tế đang trỗi dậy như Trung Quốc và Ấn Độ.

Những quy tắc chi phối các thị trường tài chính thế giới không còn được viết duy nhất ở những nơi như London, Berlin và Washington nữa. Và về phần mình, Trung Quốc không nhất thiết hứng thú với những quy tắc giúp giải quyết các vấn đề của phương Tây.

Đối thủ mới ở châu Á, vốn đang có dự định mở rộng các thị trường của họ ở Thượng Hải và Hồng Kông thành một trung tâm tài chính toàn cầu mới, yêu thích sự đầu cơ, tích trữ. Khu tài chính Phố Đông của Thượng Hải mong muốn trở thành Phố Wall mới, và các thị trường chứng khoán ở đây hiện được xếp vào loại sóng gió nhất, tự do nhất và cũng rủi ro nhất.

Các chính khách phương Tây đang rất lo lắng. Tuy nhiên, tư bản phương Tây cảm thấy sức hút kỳ diệu của châu Á. Trong nhiều năm qua, đã có nhiều công ty niêm yết trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc hơn ở các thị trường Mỹ. Rất có thể cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo sẽ bắt đầu ở Trung Quốc.

Paul Volcker, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và hiện là một cố vấn kinh tế cho ông chủ Nhà Trắng Barack Obama, đã lắc đầu hoài nghi trước hoạt động điên cuồng của các chính phủ, ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư tài chính. Ông đã khuyên Tổng thống Mỹ giải tán các ngân hàng lớn nhất nước này và lên tiếng ủng hộ việc tạo ra sự phân chia rạch ròi giữa hoạt động đầu cơ, tích trữ và cho vay. Dường như ông Volcker muốn ngành ngân hàng lại một lần nữa trở nên buồn chán.

Dẫu vậy, Nhà Trắng đã bác bỏ các đề xuất của cựu Chủ tịch FED. Ông Volcker bị thuyết phục rằng cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc, vì người ta vẫn chưa học hỏi hay thậm chí hiểu các bài học rút ra từ đó. Thế giới vẫn mải mê hành xử tắc trách. Thập kỉ đã qua duờng như vẫn chưa kết thúc.

Thanh Bình (Theo Spiegel)

VIETNAMNET

Các tin tức khác

>   ADP: Lĩnh vực tư nhân Mỹ cắt giảm 84,000 việc làm trong Tháng 12 (06/01/2010)

>   AirAsia bắt tay với Jetstar Airways (06/01/2010)

>   Những nguy cơ tiềm ẩn tại châu Á trong năm 2010 (06/01/2010)

>   Thế giới hậu khủng hoảng- Bứt phá từ nhóm kinh tế mới (06/01/2010)

>   Kinh tế thế giới đã thực sự thoát hiểm? (06/01/2010)

>   Hi Lạp chuẩn bị cho kế hoạch kinh tế năm 2010 (05/01/2010)

>   Chủ tịch EU kêu gọi tổ chức hội nghị về kinh tế (05/01/2010)

>   Paul Krugman: "Mỹ có nguy cơ tái khủng hoảng" (05/01/2010)

>   Cục diện kinh tế thế giới hậu khủng hoảng (05/01/2010)

>   Kinh tế Singapore giảm 6,8% trong quý IV/2009 (04/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật