Kinh tế thế giới đã thực sự thoát hiểm?
Cuộc khủng hoảng đã không nghiêm trọng như nhiều người vẫn tưởng. Tuy nhiên, hậu quả do nó đem lại thì thật khôn lường. Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, người ta bắt đầu quen với thuật ngữ "Đại Suy Thoái" (Great Recession) dùng để chỉ về một giai đoạn kinh tế thế giới phải nếm trải sự sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, ta cũng có thể gọi đây là thời kỳ "Đại Bình Ổn". Năm 2009 vừa qua quả là một năm với nhiều biến động khôn lường không chỉ ở tình cảnh nền kinh tế toàn cầu đã trải qua mà còn bất ngờ ở cách thế giới đã thoát khỏi khủng hoảng ra sao.
12 tháng trước, cuộc khủng hoảng được châm ngòi từ vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers đã đẩy thị trường thế giới đến cơn hoảng loạn. Toàn bộ các hoạt động kinh tế trên toàn cầu từ sản xuất công nghiệp cho tới ngoại thương đều tụt dốc với tốc độ còn khủng khiếp hơn cả những năm 1930.
Tuy nhiên, trong lần này, cuộc khủng hoảng đã được lại được khắc phục nhanh chóng hơn. Các nền kinh tế mới nổi là những cá nhân đầu tiên và nhanh nhất bứt ra khỏi hố sâu khủng hoảng. Kinh tế Trung Quốc, vốn chỉ bị đình trệ chứ chưa hề sụt giảm trong suốt thời kỳ khủng hoảng, đã nhanh chóng bật lên mức tăng trưởng bình quân năm là 17% vào quý II. Tính đến hết quý II, những nền kinh tế hàng đầu thế giới (ngoại trừ Anh và Tây Ban Nha) bắt đầu khởi sắc trở lại. Duy chỉ còn lại một số quốc gia cá biệt như Latvia hay Ireland dường như vẫn còn chìm trong suy thoái.
Cuộc khủng hoảng đã kéo theo nó vô số tổn thất. Tỷ lệ thất nghiệp bình quân của các quốc gia thuộc khối Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) lên tới 9%. Ở Mỹ, nơi đầu tiên diễn ra khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp còn lên đến 10%. Tại một số nơi, thành tựu của nhiều năm nỗ lực giảm nghèo bỗng chốc tan thành mấy khói bởi tầng lớp nghèo nhất trong xã hội đã không thể cầm cự nối khi mà cùng lúc nền kinh tế đình đốn còn giá thực phẩm thì không ngừng leo thang.
Vậy thế giới còn điều gì phải bận tâm khi mà nền kinh tế đang đem về nhiều tín hiệu tốt đến thế? Ấy vậy mà, chúng ta không thể vội lạc quan bởi sự ổn định này mới chỉ là tạm thời và nó vẫn còn ẩn chứa rất nhiều nguy cơ đỗ vỡ bởi hai lý do. Thứ nhất, nhu cầu toàn cầu không thể tốt đến thế nếu thiếu đi sự hỗ trợ từ phía chính phủ. Thứ hai, nguồn tài chính đến từ nguồn đóng góp từ trong dân dẫu có thể góp phần dẹp những vẫn đề cũ sang một bên nhưng lại tạo ra tình thế bấp bênh mới. Tại nhiều nơi, người ta vẫn chứng kiến giá trị tài sản sụt giảm nhiều hơn tăng. Hơn thế, với những bất cập bộc lộ từ vụ quốc hữu hóa tập đoàn Hypo Group của Áo, ta có thể nhận thấy bộ máy ngân hàng vẫn chưa thể hoạt động trơn tru như trước.
Tuy nhiên, nhờ có sự bền bỉ của những nền kinh tế lớn và đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, nhìn chung, thời khắc mà các nền kinh tế mới nổi trải qua dù khó khăn đến mấy cũng chỉ đến mức như những gì họ đã từng nếm trải vào năm 1991 là cùng. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy thực tế cuộc Đại Suy Thoái đã không bi đát như họ vẫn hằng lo sợ và những gì đã xảy ra chưa đủ độ tàn khốc để được gọi là Đại Suy Thoái.
"Sự yên bình" đáng kinh ngạc này không tự nhiên đến. Tất cả đều nhờ vào việc chính phủ các nước đã phản ứng nhanh nhạy và đưa ra các quyết sách kịp thời, mạnh bạo trên quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Những ngân hàng đang chao đảo đều nhanh chóng được chính phủ bao bọc bằng vô số nghìn tỷ đôla Mỹ trích từ ngân quỹ quốc gia và cứu giúp bằng nhiều các biện pháp bảo vệ khác.
Các ngân hàng Trung ương khẩn trương hạ lãi suất trong khi các ngân hàng thương mại lớn thì nhanh chóng nới rộng hầu bao. Tại nhiều nước, các chính phủ hồ hởi thực thi các gói kích thích. Tất cả những động thái khẩn trương và chưa từng có này đã góp phần ngăn chặn cuộc khủng hoảng, khôi phục thị trường tài chính và không để cho nhu cầu từ khối tư nhân sụt giảm. Dù gì đi nữa, nếu không có những hành động kịp thời như vậy thì cuộc Đại Suy Thoái hiện giờ chắc đã trượt sâu thêm thành một cuộc Đại Khủng Hoảng.
Ổn định nhưng chưa bền vững
Tất cả những gì trên đây phần nào đã giúp chúng ta hình dung bức tranh thế giới trong năm sau. Những người bi quan đã tính đến tất cả những tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra trong năm 2010 từ việc khủng hoảng nợ có thể lên đến đỉnh điểm (không thể loại trừ nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ) cho tới chủ nghĩa bảo hộ hà khắc (không có gì đảm bảo Mỹ sẽ không áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nhằm trả đũa cho việc Trung Quốc cố tình duy trì chính sách tiền tệ không công bằng) cùng hàng loạt vấn đề ít nghiêm trọng hơn như các quyết sách tài khóa thiển cận (ví dụ là khoản thuế đánh vào giao dịch tài chính) hay tình trạng bãi công liên miên do các tập đoàn cắt giảm chi phí (British Airways rất có thể là nạn nhân trong tương lai gần). Dẫu những khả năng vừa liệt kê không thể so với biến cố lớn chúng ta đã cùng nhau trải qua trong suốt một năm qua nhưng chúng cũng đủ vừa để làm hỏng men say chiến thắng.
Những tín hiệu sáng tạm thời ví như việc các siêu tập đoàn ngân hàng của Mỹ công bố trả khoản tiền đã vay từ các gói kích thích của chính phủ sớm trước thời hạn dễ khiến người ta quên đi rằng sự phục hồi này hoàn toàn phụ thuộc vào hỗ trợ từ chính phủ. Chính nguồn tài chính do người dân đóng góp là nhân tố chính hậu thuẫn cho các biện pháp của chính phủ bất kể đó là việc khơi dậy làn sóng đầu tư tại Trung Quốc hay các khoản chi mạnh tay cho các gói kích cầu của Mỹ để từ đó thế giớ có thể tránh được sự đổ vỡ hàng loạt trên quy mô toàn cầu và khôi phục nhu cầu từ khối tư nhân. Các nền kinh tế mới nổi đang tăng tốc mạnh mẽ trong khi các nền kinh tế phát triển mới chỉ vừa ì ạch thoát khỏi suy thoái.
Nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhu cầu của các nước giàu - đặc biệt là các quốc gia có tỷ lệ vay nợ của các hộ gia đình cao và hệ thống ngân hàng bị đổ vỡ - chắc sẽ vẫn thấp. Tại Mỹ, khoản nợ của các hộ gia đình mới chỉ giảm chút ít so với lúc đỉnh điểm trong khi tại một số quốc gia khác, mức này còn cao hơn 30% so với một thập niên trước. Tình hình thanh toán các khoản nợ của các hộ gia đình ở Anh và Tây Ban Nha còn ì ạch hơn nhiều. Từ đó để thấy rằng, mức chi tiêu từ khu vực tư nhân tại đây không thể phục hồi trong một sớm một chiều.
Một khi các khoản nợ tiền ngân sách ngày một nhiều thêm, chính phủ các nước giàu càng cảm thấy bế tắc khi không thể vay thêm được nữa bởi họ chẳng còn khả năng chi trả. Mối lo ngại với các nền kinh tế mới nổi cũng chưa được giải tỏa khi mà các nhà đầu tư đang phấp phỏng trước khả năng Hy Lạp có thể bị vỡ nợ với hệ lụy là các thành viên khác trong khu vực đồng euro cũng chẳng thể bình an vô sự. Thậm chí cả Anh và Mỹ cũng đều phải đối mặt với việc lãi suất cho vay sẽ leo thang.
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trong nhóm thị trường mới nổi lại có mối bận tâm riêng của mình: đó là nỗi ám ảnh về tình trạng vỡ bong bóng của giá trị tài sản cùng những giá trị lệch lạc khác mà chính phủ đã chọn hoặc bị buộc phải chọn để duy trì những điều kiện kinh tế quá thông thoáng trong thời gian dài. Trung Quốc với quy mô và thành phần của gói kích cầu cũng trở thành một mối lo. Lượng tiền mặt đang thừa thãi tới mức báo động trong khi chính phủ cương quyết không nâng giá đồng nhân dân tệ đã là vật cản lớn nhất trên con đường đưa Trung Quốc thành nền kinh tế thị trường. Thế nhưng, dù muốn, các nền kinh tế mới nổi cũng khó có thể theo đuổi một chính sách tiền tệ thông thoáng như các nước phát triển bởi khi đó họ sẽ phải đối mặt với tình trạng đầu cơ vốn ngoại còn trầm trọng hơn nhiều.
Làm gì để bước trên con đường bằng phẳng
Nền kinh tế có êm thấm chuyển từ trạng thái Đại Bình Ổn sang giai đoạn phục hồi bền vững hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ giải quyết các thách thức này ra sao. Chúng ta biết một số giải pháp có thể làm ngay. Chẳng hạn một đồng nhân dân tệ mạnh sẽ vừa giúp thúc đẩy quá trình bình ổn nền kinh tế Trung Quốc vừa giảm bớt gánh nặng lên các nền kinh tế mới nổi khác. Với các nước giàu, những kế hoạch có tính toán cho việc cắt giảm tài chính trung hạn sẽ giảm bớt rủi ro đối với lãi suất dài hạn. Thế nhưng, không có biện pháp nào là hoàn hảo và chúng ta phải chấp nhận đánh đổi. Một chính sách tài khóa chặt chẽ sẽ có thể bóp chết sự phục hồi của các nước phát triển. Trong khi, chính sách tiền tệ có lợi cho nền kinh tế Mỹ thì lại đẩy các nền kinh tế mới nổi tới những thách thức mới.
Đó chính là lý do tại sao các nhà hoạch định chính sách vấp phải những trở ngại về mặt kỹ thuật trong việc vạch ra các chiến lược phục hồi đúng đắn. Tệ hơn là họ phải đương đầu với khó khăn trong bối cảnh bức tranh chính trị ngày càng ảm đạm. Với những gì Anh đã thực thi trong quy định áp thuế đánh vào các khoản thưởng tại các ngân hàng, chúng ta nhận thấy rằng: giờ đây, tại các nước phát triển, quyết sách với mỗi chính sách tài khóa đều chịu nhiều từ công chúng và các cuộc tẩy chay của họ với giới lãnh đạo các ngân hàng. Ở Mỹ, Hạ nghị viện cũng đang gây sức ép đòi quyền tự chủ cho Cục Dự Trữ Liên Bang. Tình trạng thất nghiệp tràn lan cũng sẽ khiến các tranh chấp thương mại trên thế giới sẽ ngày một căng thẳng đặc biệt trong tranh chấp với Trung Quốc.
Như Nguyệt (Theo Economist)
tuần việt nam
|