Thứ Ba, 12/01/2010 10:20

Giải tỏa nút cổ chai tăng vốn

Kết thúc năm 2009, tổng kết lại hoạt động huy động vốn qua TTCK, có 2 vấn đề doanh nghiệp bức xúc và mong được gỡ khó nhất, đó là quy định quá chặt chẽ về báo cáo tài chính kiểm toán và yêu cầu báo cáo tiến độ sử dụng vốn đã huy động trong các đợt trước. Biến động bấp bênh của TTCK cộng với những quy định được cho là quá chặt đang cản ngại chức năng tạo kênh dẫn vốn trung và dài hạn, nguồn vốn được coi là quan trọng nhất của TTCK.

Hai năm liên tiếp, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã VCG) không hoàn thành kế hoạch tăng vốn. Năm 2008, do giá chứng khoán giảm mạnh, xuống dưới giá chào bán cho cổ đông hiện hữu (20.000 đồng/CP), cổ đông từ bỏ quyền mua, doanh nghiệp phải chuyển sang chào bán riêng lẻ. Năm 2009, cổ phiếu VCG trở thành blue-chip trên sàn Hà Nội, song hồ sơ tăng vốn của Vinaconex dù đã qua nhiều vòng, được xem xét mổ xẻ tại nhiều cuộc họp của UBCK vẫn không được chấp thuận. Lý do thì có nhiều, trong đó một điểm quan trọng nhất là báo cáo tài chính hợp nhất năm 2008 của VCG có quá nhiều điểm ngoại trừ, cũng như có nhiều tranh cãi quanh về cách hạch toán một số hạng mục đầu tư của tổng công ty này.

Nhìn lại Thông tư 112/2008/TT-BTC ban hành ngày 26/11/2008, quả thực để có bộ hồ sơ phát hành đầy đủ, hợp lệ, ngay từ đầu không phải là điều dễ dàng với nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, thông tư yêu cầu: “ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính năm gần nhất phải thể hiện chấp thuận toàn bộ. Trường hợp, ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính của năm trước đó là chấp nhận có ngoại trừ thì khoản ngoại trừ phải là không trọng yếu và phải có tài liệu giải thích hợp lý về cơ sở cho việc ngoại trừ đó”.

Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, UBCK đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc ách lại hồ sơ xin tăng vốn, Vinaconex cho rằng, ý kiến ngoại trừ trong các báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của VCG là điều rất khó tránh khỏi, do số lượng đơn vị trực thuộc nhiều (80 đơn vị), hơn nữa lại hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp, việc tập hợp số liệu là vô cùng phức tạp.

Quy định thắt chặt việc tăng vốn bằng yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải có báo cáo tài chính “sạch” xuất phát từ mục đích bảo vệ cổ đông, các nhà đầu tư nhỏ lẻ trước tình trạng ồ ạt huy động vốn trên TTCK (năm 2007, giá trị phát hành tới 63 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, như dẫn chiếu trường hợp của Vinaconex, với nhiều doanh nghiệp do đặc thù sản xuất kinh doanh, cộng với chuẩn mực kế toán của Việt Nam đang cần xây dựng bổ sung, báo cáo kiểm toán có ngoại trừ là không tránh khỏi. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán AASC cho biết, có nhiều tình huống, kiểm toán viên Công ty này ngoại trừ trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp vì tại Việt Nam chưa có quy định hạch toán cho những hạng mục A, B, C nào đó của một dự án. Đơn cử, khi kiểm toán một dây chuyền thép đang sản xuất, trước dự kiến của doanh nghiệp về giá trị lô hàng đó, kiểm toán viên thấy bất hợp lý, song bản thân cũng không thể đưa ra được tính toán chuẩn xác hơn, kiểm toán viên do đó có thể cho ý kiến ngoại trừ về yếu tố này. Sau thời điểm báo cáo kiểm toán được hoàn thành, kết quả về lô sản phẩm đó đã có và cho thấy ước tính của doanh nghiệp  là đúng, ý kiến ngoại trừ  của kiểm toán viên do đó không có ảnh hưởng gì tới kết quả kinh doanh của Công ty.

Không khó để kể ra vô số tình huống có thể dẫn tới ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên như: kiểm kê hàng tồn kho, nguyên vật liệu, sản phẩm chưa hoàn thiện, kiểm kê thiết bị thi công công trình, dự án…. Đặc biệt, những năm diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước thay đổi nhanh, hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp do đó cũng “mắc” nhiều, dẫn tới báo cáo kiểm toán có ngoại trừ cũng là việc bình thường. Quy chung, doanh nghiệp không thể huy động vốn bằng cách phát hành ra công chúng là thiệt thòi cho doanh nghiệp và trong nhiều trường hợp thiệt thòi cho chính cổ đông.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa nới lỏng hoàn toàn quy định này để doanh nghiệp “tự tung, tự tác” huy động vốn tràn lan trên thị trường, bỏ mặc quyền lợi nhà đầu tư. Theo ý kiến của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng như công ty kiểm toán, nội dung Thông tư trên nên được xem xét sửa đổi theo hướng: trường hợp ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính là chấp nhận có ngoại trừ thì doanh nghiệp và cơ quan kiểm toán phải có giải trình và xác định mức độ ảnh hưởng của ngoại trừ đó không lớn đối với kết quả kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp hoặc có giải trình,  tài liệu giải tỏa được khoản ngoại trừ kia.

Mở ra hướng đi như vậy, doanh nghiệp có dự án tốt được khuyến khích huy động vốn trên TTCK, được hướng dẫn ngay cách chuẩn bị hồ sơ hợp lệ, đỡ mất thời gian chờ đợi xin ý kiến trao đổi lại từ UBCK và đặc biệ,t có thể hạn chế bớt trường hợp “chạy” báo cáo kiểm toán “sạch” khi cạnh tranh giữa các công ty kiểm toán đang ngày một gay gắt hơn.

Một nút thắt khác, tuy không gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhưng được phản ánh thiếu thực tế là yêu cầu doanh nghiệp phải có tài liệu báo cáo tình hình sử dụng vốn của đợt chào bán chứng khoán ra công chúng gần nhất đã đăng ký với UBCK. Thời gian từ khi doanh nghiệp có dự án, xin tăng vốn và thực hiện tăng vốn không ngắn, diễn biến thị trường thay đổi hàng tuần, hàng tháng, vì những lý do nào đó mục đích sử dụng vốn phát hành có thể thay đổi, doanh nghiệp buộc phải thay đổi mục đích sử dụng vốn và phải xin ý kiến cổ đông. Yêu cầu họ báo cáo UBCK một nội dung mà chính UBCK không thể thẩm định được tài liệu đó là đúng hay sai, như vậy, liệu có phải là tạo thêm thủ tục phiền hà, lãng phí?

Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, chấn chỉnh tình trạng phát hành huy động vốn tràn lan trên TTCK, song DN mong muốn không vì thế mà tạo ra những nút thắt cổ chai quá lớn, ảnh hưởng tới chức năng dẫn vốn quan trọng trên TTCK Việt Nam.

Anh Việt

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu vận tải biển chưa hết khó (12/01/2010)

>   VNDirect chuẩn bị ngừng giao dịch trên OTC (12/01/2010)

>   “Ôm” cổ phiếu ngành nào? (12/01/2010)

>   Không được giao dịch sản phẩm đầu tư chỉ số VN-Index (12/01/2010)

>   Nhà đầu tư nước ngoài: Nên mua cổ phiếu ở VN (11/01/2010)

>   Bán chứng khoán T+2: Vẫn bước đi thận trọng (11/01/2010)

>   Dòng tiền nào đang vào thị trường? (11/01/2010)

>   Ngân hàng chưa mở rộng cho vay chứng khoán    (11/01/2010)

>   Thị trường chứng khoán đầu 2010: Không phải lúc sợ hãi (11/01/2010)

>   Tiền có vào chứng khoán như kỳ vọng? (11/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật