Thứ Hai, 21/12/2009 18:33

Nhìn lại thế giới năm 2009:

Năm của khủng hoảng và nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt

Năm 2009, năm cuối của thập kỷ đầu tiên - một thập kỷ đầy biến động  trong thế kỷ 21, đang khép lại với nhiều biến cố đáng nhớ: Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ của thế giới, dịch bệnh cúm A/H1N1 hoành hành, những động thái thay đổi chính sách của một số nước lớn, vấn đề biến đổi khí hậu…

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đặt ra yêu cầu về một cơ cấu kinh tế mới

Chưa bao giờ kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng và suy thoái trầm trọng như trong năm 2009. Từ nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, với hơn 13.000 tỷ USD/năm, chiếm hơn 1/4 tổng lượng kinh tế toàn cầu, đến các nền kinh tế châu Phi mà GDP chưa đến 1 tỷ USD/năm đều bị ảnh hướng không ít thì nhiều. Ngay nền kinh tế khổng lồ là Trung Quốc, đang trong quá trình vươn lên mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, cũng bị ảnh hưởng, tôc độ tăng trưởng từ mức 2 con số trong liên tục hơn một thập kỷ qua, cũng giảm xuống mức dưới 8% trong năm 2009.

Riêng nền kinh tế Mỹ, nơi khởi phát của cuộc khủng hoảng cách đây hơn 1 năm, sự suy giảm kinh tế ở mức tồi tệ, thể hiện trong một số khu vực: 133 ngân hàng tuyên bố phá sản, so với chỉ 25 ngân hàng phá sản trong năm 2008 và 3 ngân hàng trong năm 2007; gần 1,5 triệu đơn xin phá sản so với chỉ 1,1 triệu vụ trong năm 2008; tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức 10,2%, mức cao nhất trong 26 năm qua. Mặc dù 2 quý cuối năm, tình hình đã có một số dấu hiệu khởi sắc, song như nhiều nhà kinh tế nhận xét, “vẫn còn nhiều rủi ro” và “hết sức mong manh”.

Do Mỹ là nền kinh tế lớn nhất và là “rốn” tiêu thụ mọi loại hàng hóa của thế giới, nên cuộc khủng hoảng trong năm 2009 khiến người Mỹ “thắt chặt hầu bao” giảm tiêu thụ xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua, đã làm ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của nhiều nước và kết quả là nhiều nền kinh tế đang phát triển coi việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ là một động lực chủ yếu trong công cuộc phát triển nên khi Mỹ giảm tiêu thụ, các dòng chảy của nền thương mại toàn cầu trở nên rối loạn.

Rõ ràng cuộc khủng hoảng diễn ra từ quý III/2008 đến giữa năm 2009 cho thấy các cơ thế của nền kinh tế thế giới, được minh định theo Thỏa ước Bretton Wood năm 1944, đã trở nên lỗi thời, các định chế điều tiết kinh tế toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đã không theo kịp sự phát triển của kinh tế toàn cầu, đang đòi hỏi cần có sự điều chỉnh lớn, thậm chí là sự thay đổi mang tính cách mạng.

Cuộc khủng hoảng này làm mọi người thay đổi nhận thức về một cơ cấu kinh tế mới. Hai Hội nghị cấp cao của G.20  đã họp tại London (Anh) và Pistburg (Mỹ) trong năm 2009, cùng với Hội nghị G.20 tại Washington cuối năm 2008, là dịp dể các nhà lãnh đạo đưa ra những khái niệm mới. Và bản thân việc triệu tập Hội nghị G.20 cũng là một sự thay đổi lớn về nhận thức, vì trước đây các vần đề tương tự chỉ được giải quyết ở các hội nghị của nhóm G.7 và G.8.

Không chỉ về kinh tế, môi trường cũng đang đặt thế giới trước những nguy cơ khủng hoảng lớn.

Chưa bao giờ biến đổi khí hậu (BĐKH) trở thành vần đề nóng bỏng như hiện nay. Do tầm quan trọng của vần đề này, gần 200 nhà lãnh đạo chính phủ các nước đã họp tại Copenhagen (Đan Mạch) vào trung tuần tháng 12/2009 để tìm các giải pháp đối phó BĐKH, một nguy cơ có thể đưa sự sống trên Trái đất chỗ hủy diệt.

Mặc dù Hội nghị Copenhagen chỉ đưa ra những giải pháp tình thế do bất đồng giữa các nhóm nước, nhưng ý nghĩa lớn nhất của Hội nghị Copenhagen là giúp cho  nhân loại hiểu rõ hơn những hậu quả nghiêm trọng của vấn đề tưởng như đơn giản này. Kết quả của Hội nghị Copenhagen có thể không làm hài lòng nhiều người, song nó có ý nghĩa lớn là đặt vần đề BĐKH lên bàn làm việc của các nhà lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế và ngay cả của những người dân bình thường trên trái đất.

Những điều chỉnh chiến lược

Ai cũng biết, thế giới hiện nay chịu sự chi phối của các siêu cường và các cường quốc. Mỗi sự điều chỉnh chiến lược của các đại cường ảnh hưởng đến nhiều quốc gia.

Mỹ hiện là siêu cường duy nhất trên thế giới hiện nay và trong tương lai gần. Năm 2009, với vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Barak Obama, Mỹ có sự điều chỉnh quan trọng chiến lược toàn cầu của mình, trong đó chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đây là lần thứ 3 Mỹ điều chỉnh cơ bản chiến lược toàn cầu: Lần thứ nhất, sau chiến tranh thế giới lần thứ II, trọng tâm của chiến lược của Mỹ khi đó là châu Âu để đối phó với hệ thống XHCN ở Đông Âu do Liên Xô đứng đầu. Chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã, Mỹ đưa châu Á thành trọng tâm thứ 2 do sự lớn mạnh của Trung Quốc mà Mỹ coi là đối thủ tiềm tàng của mình. Và lần này, châu Á – Thái Binh Dương trở thành trọng tâm chính trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Năm 2009, châu Á – Thái Bình Dương được ưu tiên trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Mỹ. Chuyến ra nước ngoài đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là đến châu Á. Cũng trong năm 2009, Mỹ có cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên với các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN và đến thăm các nước quan trọng nhất của châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc. Trong các cuộc họp và cuộc gặp, Tống thống Mỹ Barack Obama đều coi việc tăng cường quan hệ với các nước châu Á mà một ưu tiên hàng đầu.

Trong khi đó, tại châu Âu, sự kiện quan trong nhất trong năm 2009 là Hiệp ước Lisbon bắt đầu có hiệu lực từ giữa tháng 12, sau khi CH. Czech, nước cuối cùng trong Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn Hiệp ước này. Với việc Hiệp ước Lisbon bắt đầu có hiệu lực, EU có  người đại diện chính thức tại các điễn đàn quốc tế, thể hiện sự nhất thể hóa cao của Cựu Lục địa.

Trong tiến trình nhất thể hóa châu Âu, việc có đồng tiền chung – đồng Euro, mở rộng từ 15 thành viên lên 27 thành viên và việc thực hiện Hiệp ước Lisbon là những dấu mốc quan trọng. Đứng trước một nước Mỹ hùng mạnh, một châu Á đang ngày càng nổi lên, châu Âu bắt buộc phải liên kết thành một khối, dù không nhằm trở thành một siêu cường thì cũng phải trở thành một bên của các cuộc đối thoại toàn cầu.

Cũng trong năm 2009, Mỹ thay đổi chiến lược cơ bản đối với cuộc chiến tại Afghanistan và tại Iraq, sau nhiều năm bị sa lầy tại đây. Mặc dù vẫn tiếp tục tăng quân cho chiến trường Iraq theo yêu cầu của các chỉ huy chiến trường, nhưng chiến lược chiến tranh đã thay đổi với việc đưa Pakistan, nước láng giềng của Afghanistan thành một đối tượng tác chiến, do lực lượng Taliban vẫn sử dụng Pakistan như một căn cứ địa tiến hành cuộc chiến chống lại sự chiếm đóng của Mỹ và liên quân.

Đồng USD mất giá mạnh, ít nhất là 15% so với chính nó hay với các đồng tiền mạnh khác trong năm 2009 đã tác động không nhỏ đối với thế giới. Do đồng USD giảm giá đã đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục 1.250 USD/ounce, đẩy giá dầu tăng gấp đôi so với đầu năm. Sự giảm giá của đồng USD xuất phát từ sự yếu kém của nền kinh tế Mỹ, nhưng cũng đồng thời là một chính sách của Mỹ nhằm giúp cho nền kinh tế Mỹ hồi phục sau khủng hoảng.

Sự giảm giá của USD, đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất thế giới, được ưu tiên trong kho dự trữ của nhiều quốc gia cũng là một “cuộc chiến” mà Mỹ cho thấy, các nền kinh tế ngoài Mỹ không thể đi con đường nào khác con đường đã gắn rất chặt với đồng USD.

Hãy thử tưởng tượng, khi đồng USD bị giảm giá mạnh, nền kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao khi Trung Quốc có dự trữ hơn 2.300 tỷ USD hay Nhật Bản khi có trong tay hơn 1.100 tỷ USD ? Đồng USD là sợi dây níu kéo các nền kinh tế gắn với Mỹ, chịu chung vận may rủi với Mỹ. Đây là một chiến lược âm thầm của Mỹ chống lại những đòi hỏi phải thay đổi các thể chế kinh tế thế giới xuất phát từ các nền kinh tế đang nổi lớn trên thế giới.

Dịch cúm A/H1N1 bùng phát hồi tháng 4 tại Mexico đang lây lan sang hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục; đã làm hơn 11.000 người tử vong và hơn nửa triệu người bị nhiễm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố cúm A/H1N1 là đại dịch từ tháng 6/2009, cho thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch này. Nên nhớ là trong gần nửa thế kỷ qua, WHO rất hiếm khi coi một đại dịch nào là đại dịch toàn cầu. Cúm A/H1N1 cũng cho thấy, cùng với sự phát triển của nhân loại, các bệnh dịch cũng luôn đeo đẳng. Mặc dù nền khoa học – kỹ thuật của nhân loại đã phát triển hết sức cao, nhưng khả năng đối phó với các đại dịch vẫn bộc lộ nhiều yếu kém.

Trong bối cảnh trên, năm 2009 được nhiều người coi là năm của khủng hoảng và nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt.

Nguyễn Chiến

Chính phủ

Các tin tức khác

>   Macau sau 10 năm về đại lục (21/12/2009)

>   Câu chuyện nguy cơ vỡ nợ quốc gia ở Hy Lạp (21/12/2009)

>   10 dự báo tồi tệ nhất cho năm 2010 (20/12/2009)

>   10 điểm đáng chú ý của kinh tế thế giới năm 2009 (19/12/2009)

>   EU ưu tiên ngân sách 2010 cho phục hồi kinh tế (18/12/2009)

>   Mỹ thông qua dự luật việc làm trị giá 155 tỷ USD (17/12/2009)

>   Kinh tế toàn cầu vẫn bị đe dọa bởi “bóng ma” khủng hoảng (16/12/2009)

>   Tăng trưởng kinh tế Australia hụt kỳ vọng (16/12/2009)

>   Ấn Độ, cường quốc kinh tế đang trỗi dậy (16/12/2009)

>   ADB: Kinh tế Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 0,6% (15/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật