Macau sau 10 năm về đại lục
Ngày Chủ nhật, 20/12, đặc khu Macau đã chính thức tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày trở về với đại lục. Nhân dịp này, lãnh đạo đặc khu đã điểm lại những thành tựu của 10 năm qua, song cũng lưu ý rằng không nên để kinh tế Macau quá lệ thuộc vào sòng bài.
"Trong vòng 5 năm tới, chúng ta sẽ đa dạng hoá nền kinh tế Macau một cách chủ động và tích cực”, Fernando Chui, trưởng đặc khu hành chính Macau phát biểu tại buổi lễ.
Rõ ràng, chính quyền đặc khu này muốn rằng bài bạc chỉ là "mồi câu" ban đầu, còn cái mà Macau mong muốn là một nền kinh tế phát triển hết sức bền vững.
Trở về đất mẹ Trung Hoa năm 1999 sau gần 450 năm nằm trong tay người Bồ Đào Nha, Macau dưới quy chế "một đất nước - hai chế độ" đang tiếp tục có nhiều nét mới mẻ, bất ngờ.
Nếu như trước đây Macau nổi danh là một Las Vegas của châu Á thì nay, chuyện bài bạc mới chỉ là bước khởi đầu, những chuyện kỳ thú vẫn đang diễn ra với tốc độ bất ngờ.
Với tư cách là một cửa ngõ quan trọng nối liền từ Đông sang Tây, với hàng loạt di tích từ chùa chiền cổ kính, những ngọn đồi mượt mà cho tới những ánh đèn chong thâu đêm suốt sáng cho du khách vui chơi, rõ ràng Macau xứng đáng với việc được Tổ chức Di sản Thế giới đưa vào danh sách của mình.
Sự phát triển của Macau cũng là niềm tự hào của người Trung Quốc, sau 10 năm họ tiếp quản mảnh đất này.
“Rõ ràng, người Bồ Đào Nha đã tạo ra rất nhiều dấu ấn với kinh tế Macau, song có lẽ chính quyền Trung Quốc ngày nay còn làm được nhiều hơn", Roberto Azevedo, chủ báo ’Kinh doanh ở Macau’, nhận xét.
Một nền kinh tế dựa nhiều vào sòng bạc
Macau đã và đang bội thu từ sòng bài và có lẽ, thời khó khăn khủng hoảng toàn cầu hiện nay vẫn không làm ảnh hưởng quá nhiều tới thu nhập của mảnh đất này.
Đó một phần là nhờ Macau đang sở hữu một nền công nghiệp cờ bạc đã có tuổi đời hơn 160 năm và mỗi năm thu hút tới hơn 20 triệu tay chơi.
Một sòng lớn ở đây là Sands Macau có ngày thu về hơn 3 triệu USD, trong khi doanh thu trung bình của một sòng bạc lớn ở Las Vegas cũng chỉ khoảng trên dưới 1 triệu USD/ngày.
Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu! Mục tiêu của Macau là dùng sòng bạc "câu" du lịch, nâng cả nền kinh tế.
Để đạt được điều đó, khách sạn là chuyện cần tính đầu tiên. Và người Macau đã làm đúng như vậy: Hàng loạt khách sạn tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng đi đôi với việc mở cửa cho các đại gia khách sạn toàn cầu cỡ Hilton, Accor hay Marriott vào đầu tư, nâng tổng số phòng hiện có lên hơn 10.000 phòng.
Đó là chưa kể toà nhà chọc trời "Thành phố của những giấc mơ" do con trai ngài tỷ phú kinh doanh bài bạc lừng danh Stanley Ho là Lawrence cùng công ty Kerry Packer của Australia chung tay xây dựng.
Những toà nhà khổng lồ với 3 khách sạn bên trong, 2.000 phòng hạng sang, hàng trăm văn phòng làm việc cùng nhiều khu mua sắm sẽ còn xuất hiện nhiều trong những năm tới.
Thậm chí cả những dự án khó thực hiện kiểu như khu sòng bài dưới nước cũng đang được triển khai.
Chưa hết, những công trình phục vụ sở thích của du khách thích ăn chơi kiểu Las Vegas cũng đang mọc lên như nấm sau mưa.
Nếu như một sòng bài ở Las Vegas thiết kế theo kiểu kim tự tháp thì ở đây, các khu vui chơi đặc biệt cho trẻ con nhà giàu, cung điện kiểu đời Đường, đấu trường La Mã cổ đại Colosseum, các khu phố cổ và thậm chí một ngọn núi lửa cao 40m đã mọc lên để thoả mãn thú khám phá vô tận của du khách tứ phương về đây tiêu tiền.
Nhưng nổi bật nhất, giống Las Vegas nhất là toà nhà Venetian khổng lồ. Sòng bạc trị giá 2 tỷ USD này nổi bật lên so với hơn 200 sòng bạc khác nơi đây nhờ được trang trí bên ngoài bằng những lát kính sáng choang có tổng diện tích bề mặt khoảng 15.300m2.
Bên trong cũng rực rỡ không kém, với dàn đèn chiếu sáng nặng 50 tấn treo trên trần cao tới 20m, gợi tả một cảnh hoành tráng và xa hoa chưa từng có trên trái đất này. Trong tổ hợp đồ sộ ấy, những tay chơi lắm tiền có thể sống thoải mái và tiện nghi cả năm trời để đánh bạc.
Nhưng bài bạc mới chỉ là "mồi câu" ban đầu
Khi đã nổi danh, Macau bắt đầu chuyển hướng sang hút khách du lịch từ danh tiếng ấy của mình. Những chương trình du lịch được lên lịch cụ thể.
Bên cạnh đó, những đặc sản theo mùa kiểu như "Tuần văn hoá Venice nước Ý" tới "Nước Mỹ ở phương Đông" đã làm du lịch nơi đây luôn tránh được sự nhàm chán và ngày càng cuốn hút du khách, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đặc khu này.
Chưa hết, Macau rất chú trọng tới việc biến mình thành một trung tâm mua sắm của du khách thế giới trong thời gian gần đây. Các đại gia bán lẻ ngay lập tức nghe theo tiếng gọi hấp dẫn đó từ Macau, đã đầu tư không do dự vào mảnh đất nhỏ bé đang trở mình lớn dậy này.
Cartier, Carefour, không hẹn mà gặp, cùng mở ngay văn phòng đại diện tại khách sạn Mãn Châu ở Macau đầu năm nay. Hàng loạt tên hiệu khác cũng đi theo sau, biến Macau thành trung tâm đồ hiệu châu Á với hàng loạt cái tên mới nghe đã thấy tầm cỡ..
Không chỉ phục vụ du khách thông thường, Macau còn hướng đến những đối tượng khác có sức lan toả và sẽ quảng cáo hữu hiệu cho xứ sở này hơn nữa. Đó là đối tượng quan chức và lãnh đạo các tập đoàn xuyên quốc gia.
Đây chính là lý do khiến chính quyền đặc khu này khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các loại hình du lịch hội thảo, du lịch triển lãm, hội chợ quốc tế...
Do vậy, Macau đã thu hút được lượng du khách khổng lồ trên dưới 20 triệu lượt khách mỗi năm.
Tuy nhiên, Macau đang đối mặt với một số khó khăn nhất định. Trước hết, hầu hết tài sản đặc khu hay quyền lực kinh tế đều đang nằm trong tay người nước ngoài.
Chẳng hạn, những sòng bạc lớn nhất thuộc về Stanley Ho tới từ Hồng Kông, các gói thầu xây dựng lớn đang thực hiện bởi các nhà thầu Hồng Kông. Các công ty lớn chi phối nền kinh tế là của người Australia hay dân Âu Mỹ.
Nhật Vy (Theo AP, Reuters, THX, Financial Times)
Vietnamnet
|