Ấn Độ, cường quốc kinh tế đang trỗi dậy
Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Robert Zoellick nhận định, nền kinh tế Ấn Độ đang có dấu hiệu phục hồi, thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế- tài chính toàn cầu và trở thành một cực tăng trưởng mới của nền kinh tế thế giới.
Theo Chủ tịch WB R.Zoellick, Ấn Độ đang là một đối tác không thể thiếu của các cuộc đối thoại toàn cầu.
Tăng cường ảnh hưởng
Tiếng nói của nước này tại bàn thương lượng G-20 có sức mạnh quan trọng đối với việc thiết kế một cấu trúc kinh tế toàn cầu trong tương lai vì Ấn Độ không chỉ đang xử lý tốt ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà còn hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Vị thế một cường quốc kinh tế đang trỗi dậy của Ấn Độ gắn chặt với cách thức Ấn Độ tạo ra cơ hội và tầm bao quát. Ấn Độ được đánh giá là đang góp phần vào tăng trưởng kinh tế thế giới một cách mạnh mẽ và mới mẻ.
Chủ tịch WB nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của Ấn Độ cũng được phản ánh qua các chỉ số kinh tế với tốc độ tăng trưởng 8-9 %/năm trong những năm gần đây. Nhiều chuyên gia hy vọng nước này không chỉ trở thành một thị trường mà còn trở thành nhà cung cấp hàng loạt các dịch vụ và hàng hóa có hàm lượng tri thức cao.
Trong quý 3 năm nay, Ấn Độ đạt tăng trưởng kinh tế 7,9%; tăng 1,8% so với quý 2 và vượt tỷ lệ dự đoán 6,3% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Đây là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất của quốc gia Nam Á này trong 18 tháng qua, nhờ sản lượng công nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng tăng do được hỗ trợ bởi các chương trình kích thích kinh tế, cắt giảm lãi suất và thuế để khuyến khích chi tiêu.
Nhà kinh tế thuộc Liên đoàn các Phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (FICCI) Anjan Roy cho biết, năm nay giới doanh nghiệp đã vững tin hơn vào triển vọng kinh tế của Ấn Độ so với năm 2008. Kinh tế Ấn Độ đã xoay chiều, tăng trưởng trở lại, bất chấp sản lượng nông nghiệp sụt giảm do hạn hán.
Dự đoán, GDP của Ấn Độ trong cả năm 2009 sẽ vượt mức 7% và có khả năng đạt 9% trong năm tài chính tới. Vừa qua, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã mua của IMF 200 tấn vàng, trị giá 6,7 tỷ USD, nhằm củng cố nguồn tài chính trong nước.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt 100 tỉ USD
Mạng "Tin nhanh tài chính" của Ấn Độ cho biết, đầu tư FDI vào nước này từ năm 2000 đến tháng 7/2009 đã đạt 100,33 tỉ USD. Riêng 4 tháng đầu của tài khóa 2009-2010, FDI đã đạt 10,49 tỉ USD. Các nhà đầu tư lớn vào Ấn Độ là Singapore, Mỹ, Anh và Hà Lan.
Tổng thư ký Liên đoàn các Phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ FICCI Amit Mitra đánh giá, FDI mang lại công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý cho Ấn Độ. Còn nhà kinh tế hàng đầu của Ấn Độ D.K Joshi cho rằng dòng FDI đổ vào New Dehli sẽ tiếp tục cải thiện nếu đà phục hồi kinh tế được duy trì.
Mặc dù trong năm qua Ấn Độ ít bị ảnh hưởng của cơn bão tài chính toàn cầu hơn các nước phương Tây, nhưng nhiều công ty đã phải hoãn tăng lương, cấp tiền thưởng và tuyển dụng lao động, do lợi nhuận bị giảm bớt. Hiện nay các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, dịch vụ, công nghệ thông tin và bán lẻ tại Ấn Độ đã tuyển lao động trở lại.
Người đứng đầu công ty tham vấn về nhân lực Manpower India N.Malhan cho biết, Ấn Độ được đánh giá là nước đứng đầu thế giới có số chủ hãng thực sự muốn tuyển lao động cao nhất. Tiếp đến là Brazil, Colombia, Peru, Trung Quốc, Australia và Singapore.
Theo Tạp chí Forbes (Mỹ), số tỷ phú của Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi trong một năm qua, từ 27 người lên 52 người, đa số phất lên nhờ sự phục hồi của thị trường chứng khoán thế giới. Thị trường chứng khoán Mumbai với mức giao dịch cổ phiếu tăng 76% kể từ đầu năm cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục của Ấn Độ là nguyên nhân chính khiến "hầu bao" của các "đại gia" nước này thêm nặng.
Ấn Độ được đánh giá là một trong những nước có tốc độ "sản xuất" tỷ phú nhanh nhất thế giới với tổng giá trị tài sản của 100 "đại gia" giàu nhất Ấn Độ là 276 tỷ USD.
Quốc Trung
TBKTVN
|