2010: Kinh tế thế giới sẽ gọn gàng hơn
Việc cải cách nói thì đơn giản, nhưng thực hiện nó không dễ chút nào. Nhìn lại cuộc khủng hoảng vừa rồi chứng kiến nhiều công ty điêu đứng, và nhiều tổ chức không còn tồn tại nữa, nhưng chúng ta có thể khẳng định, nền kinh tế 2010 sẽ sáng sủa hơn, và các nền kinh tế mạnh sẽ mạnh mẽ và gọn gàng hơn.
Không phải là sự tĩnh lặng thông thường, mà là sự im ắng tới nặng nề và có phần mệt mỏi, bởi cơn bão tài chính vừa trào qua và để lại sau nó đống tro tàn. Đó không phải là cách chúng ta chào đón năm 2010 - một năm hứa hẹn sự hồi phục và khởi sắc của các người hùng kinh tế. Như mọi năm, chúng ta mong đợi những dấu hiệu khả quan và cũng sẵn sàng đương đầu với những đợt sóng ngầm, tàn tích của cơn bão tài chính lớn của thập kỉ.
2010: Điểm mặt anh tài
Với sản lượng toàn năm 2009 giảm hơn 1% tính theo sức mua thực tế, bức tranh chung của nhiều nước trên thế giới là hiện trạng thất nghiệp và sự phục hồi yếu ớt. Cho tới cuối năm 2009, những người khổng lồ kinh tế thế giới đã ngừng trượt dốc, và giới lạc quan đã kì vọng vào một cú nhảy vọt hình chữ V của kinh tế thế giới. Tuy thế, các dấu hiệu cho thấy quá trình hồi phục chậm chạp hơn.
Dù thế, nền kinh tế đang trỗi dậy của châu Á không phải là không đáng tự hào. Trong những ngày tháng khủng hoảng, Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc thậm chí đã tiến xa hơn, bằng chứng là người ta thậm chí lo ngại về bong bóng nhà đất và giá chứng khoán tại Bắc Kinh, ủng hộ bằng đồng nhân dân tệ.
Một Indonesia ngày càng tự tin có lẽ cũng chẳng mấy chốc trở thành siêu sao kinh tế ngang ngửa với Nga. Nhưng ngay cả với các nền kinh tế đang trỗi dậy, tăng trưởng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ kích thích của chính phủ, hơn là nhu cầu tiêu dùng không sụt giảm. Và các quốc gia này, dù đang phát triển mạnh, có lẽ cũng không đủ lớn để kéo toàn bộ cỗ xe kinh tế thế giới lên dốc của sự hồi phục.
Giới tiêu dùng Mỹ, người từng viết đơn đặt hàng không ngừng tay trong thời kì bùng nổ trước đó, giờ có lẽ sẽ im ắng trong năm 2010: Nợ nần giờ là kẻ thù nặng kí trên bản quyết toán của các gia đình Mỹ, và nạn thất nghiệp gia tăng không phải là tin hiếm. Người ta ước tính cho tới khi kinh tế thế giới hoàn toàn thoát khỏi đợt gặm nhấm này, 25 triệu người tại các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD có thể chịu cảnh thất nghiệp, và tỉ lệ thất nghiệp “1 trong 10” sẽ là chuyện thường.
Nợ cá nhân tại lục địa châu Âu tương đối thấp, nhưng các ngân hàng còn yếu ớt. Còn Nhật Bản - mệt mỏi sau những năm chống chọi với giảm phát, dường như không sẵn sàng dẫn đường trong hồi phục kinh tế. Thực ra Nhật Bản vấp phải nhiều mâu thuẫn: đối phó với giảm phát, nhưng phải để ý tới lạm phát; dọn dẹp các ngân hàng nhanh chóng, nhưng lại phải giữ tín dụng thông thoáng; cung cấp kích thích tài chính nhưng cũng phải chuẩn bị sẵn cách cắt giảm nợ công. Thực hiện tốt những điều này và quá trình hồi phục có thể mang hình V, làm sai một bước thì hình W sẽ xuất hiện. Các nền kinh tế phương Tây sẽ phát triển, nhưng sẽ phải đương đầu với thâm hụt ngân sách, nợ công chồng chất và nạn thất nghiệp dai dẳng.
Để khỏi trượt vào khủng hoảng
Từ tháng 4/2009, các chuyên gia đã đề cập tới hiện tượng “chồi xanh”. Các nhà kinh tế học thông báo sản lượng kinh tế gia tăng trở lại, còn các nhà đầu tư phấn khởi bỏ túi các khoản lợi nhuận kếch xù từ tổ hợp đầu tư của mình. Tuy nhiên, dù thời điểm xấu nhất đã qua, các nhà làm luật vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách trong năm 2010: đảo ngược nạn thất nghiệp và hồi phục lại những thương tổn trong các lĩnh vực tài chính.
Dominique Strauss-Kahn - Giám đốc điều hành IMF đưa ra những lời khuyên cho năm 2010:
Các nền kinh tế đang trỗi dậy và có mức thu nhập thấp cần dựa vào nguồn tăng trưởng nội địa, bởi nhu cầu từ các nước khác cũng như lượng đầu tư từ nước ngoài và tín dụng sẽ duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để các quốc gia đặt nền móng cho một hệ thống tài chính an toàn và ổn định hơn, cũng là tiền đề để xây dựng mức tăng trưởng kinh tế bền vững cho tương lai.
Các cơ hội này cần sự trợ giúp của liên kết xuyên quốc gia. Trong cuộc khủng hoảng, các hành động kịp thời của các nhà hoạch định chính sách toàn cầu – cụ thể là phối hợp hành động trong kích thích tài chính – đã đóng vai trò chủ chốt trong việc ngăn chặn thảm họa trở nên xấu thêm.
Tuy nhiên, việc liên kết sẽ gặp nhiều trở ngại hơn. Chúng ta đã có thể thấy sự khác biệt tiềm ẩn khi các chính sách vi mô cần được thắt chặt. Đây là điều dễ hiểu, bởi mỗi nền kinh tế có tốc độ và bản chất của quá trình khôi phục khác nhau. Nhưng nếu một vài nước thắt chặt quá nhanh, sự hồi phục kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng. Với những rủi ro này, sự ủng hộ của dân chúng là điều các quan chức cần – qua tỉ lệ lãi suất thấp, nếu lạm phát vẫn được cô lập, nhưng khả quan hơn là qua chi tiêu chính phủ – để ngăn cỗ máy kinh tế thế giới lún sâu vào khủng hoảng một lần nữa.
Trong lĩnh vực tài chính, việc liên kết mang tính quốc tế để đi tới những đổi mới có ý nghĩa trong năm 2010 và vượt lên sự khác biệt của lợi ích quốc gia là điều quan trọng. Sự tự tin của công chúng đã bị lung lay nhiều sau khủng hoảng và cần được khôi phục cùng với sự hồi phục của giới tài chính.
Xét về lâu dài, tăng trưởng toàn cầu cần được cân bằng lại, cùng với sự hồi phục mạnh mẽ của thương mại quốc tế. Quá trình này đã được châm ngòi từ trong khủng hoảng, và sẽ tăng tốc trong năm 2010. Rất nhiều nền kinh tế dùng chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và có lượng thặng dư cao sẽ phải dựa nhiều vào nhu cầu nội địa và nhập khẩu. Các chính sách hỗ trợ cho sự điều chỉnh này gồm tăng cường mức tiếp cận tín dụng của các hộ gia đình và củng cố các hệ thống bảo hiểm xã hội, cùng với việc tăng giá trị của tỉ lệ hối đoái. Bên cạnh đó, cải cách thị trường lao động cũng sẽ giúp người lao động trong các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng do khủng hoảng di dời tới các khu vực sôi động hơn của nền kinh tế. Và cải cách thị trường sản phẩm – đặc biệt là dịch vụ – sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn và tăng năng suất lao động.
Việc cải cách nói thì đơn giản, nhưng thực hiện nó thì không dễ chút nào. Về phía các nhà kinh tế học, đó là chu kỳ kinh tế. Đợt khủng hoảng vừa rồi chứng kiến nhiều công ty điêu đứng, và nhiều tổ chức không còn tồn tại nữa. Nhưng có một điều chúng ta có thể khẳng định là nền kinh tế 2010 sẽ sáng sủa hơn, và các nền kinh tế mạnh sẽ mạnh mẽ và gọn gàng hơn, và sẵn sàng để đón nhận các cơ hội mà quá trình hồi phục mang lại.
Catherine Trần (Dịch từ Economist)
TUẦN VIỆT NAM
|