Chính sách tỷ giá của Trung Quốc bóp méo nền kinh tế
Tỷ giá ngoại hối của một nước không thể chỉ là mối quan tâm của riêng nước đó, bởi nó còn ảnh hưởng tới các đối tác thương mại khác. Điều này lại đặc biệt đúng với trường hợp các nền kinh tế lớn. Vì thế, dù muốn hay không, thì chế độ tỷ giá bị quản lý nặng nề của Trung Quốc vẫn là mối quan tâm thích đáng của các đối tác thương mại. Xuất khẩu của Trung Quốc giờ đã lớn hơn bất kỳ nước nào.
Lẽ tự nhiên, Trung Quốc sẽ phản ứng với các áp lực. Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu-Trung Quốc tại Nam Kinh hồi tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phàn nàn về những yêu cầu buộc Bắc Kinh phải cho phép đồng nội tệ tăng giá. Ông đã phản đối rằng, "một số quốc gia một mặt muốn nhân dân tệ (NDT) tăng giá, nhưng mặt khác cũng thực thi chủ nghĩa bảo hộ mạnh mẽ chống lại Trung Quốc. Điều này là không công bằng. Các biện pháp của họ làm hạn chế sự phát triển của Trung Quốc". Thủ tướng cũng lặp lại câu nói truyền thống: "Chúng tôi sẽ duy trì sự ổn định của NDT ở mức hợp lý và cân bằng".
Có thể đưa ra 4 câu trả lời rõ ràng. Trước hết, dù cho Trung Quốc có cảm thấy như thế nào, thì mức độ bảo hộ nhằm vào sản phẩm xuất khẩu của họ là rất nhỏ, xét về độ sâu của cuộc suy thoái. Thứ hai, chính sách giữ tỷ giá hối đoái thấp cũng tương tự như trợ cấp xuất khẩu và thuế quan - hay nói cách khác là ngủ nghĩa bảo hộ. Thứ ba, tích lũy được 2.273 tỷ USD dự trữ ngoại tệ cho đến tháng 9, Trung Quốc lại giữ tỷ giá thấp ở mức chưa từng có trong lịch sử kinh tế thế giới. Cuối cùng, kết quả là, Trung Quốc làm méo mó chính nền kinh tế của mình, và của các nước khác trên thế giới. Ví dụ, tỷ giá hối đoái thực tế của nước này không hề cao hơn đầu năm 1998 và đã giảm 12% trong 7 tháng qua, mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và thăng dư tài khoản vãng lai cũng lớn nhất.
Liệu những chính sách như thế có ảnh hưởng tới Trung Quốc và thế giới? Câu trả lời là có. Mark Carney, thống đốc Ngân hàng nhà nước Canada, ghi nhận trong bài phát biểu mới đây của mình rằng, "sự mất cân bằng tài khoản vãng lai lớn và không thể chống đỡ được trong các khu vực kinh tế lớn đồng nghĩa với việc làm tăng thêm tính dễ bị tổn thương trong nhiều thị trường tài sản. Những năm gần đây, hệ thống tiền tệ quốc tế đã không thể điều chỉnh kinh tế đúng lúc và hợp lý".
Những gì chúng ta đang chứng kiến, như Carney đã chỉ ra, là sự không thể điều chỉnh được với những thay đổi trong cạnh tranh toàn cầu đã có tiền lệ không lấy gì làm vui vẻ, đáng kể nhất là trong những năm 1920 và 1930, với sự vươn lên của Mỹ, và vào những năm 1970 và 1980, với sự đi lên của châu Âu và Nhật Bản. Cũng như ông lưu ý, "riêng sự hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới đã thể hiện một cú sốc đối với hệ thống lớn hơn so với sự vươn lên của Mỹ đầu thế kỷ trước. Tỷ lệ trong tổng sản phẩm toàn cầu của Trung Quốc đã tăng nhanh hơn và nền kinh tế này cũng mở hơn nhiều".
Hơn thế nữa, hiện nay, Trung Quốc điều hành chế độ tỷ giá hoàn toàn khác so với những nền kinh tế lớn khác, và không giống với Mỹ trước khi nổi lên. Vì thế, tỷ giá được điều hành của Trung Quốc đang chuyển áp lực điều chỉnh sang các nước khác. Điều này đã gây rắc rối trước cuộc khủng hoảng, nhưng bây giờ còn tồi tệ hơn trong giai đoạn hậu khủng hoảng này: một số nước phát triển, đặc biệt là Canada, Nhật Bản, và khu vực sử dụng đồng euro, đã phải chứng kiến sự tăng giá lớn của đồng nội tệ. Và nhiều nước khác cũng thế.
Thật không may, như chúng ta cũng đã biết từ lâu, có hai nhóm nước "miễn nhiễm" với áp lực bên ngoài phải thay đổi chính sách ảnh hưởng tới "sự mất cần bằng" toàn cầu": một là nước in tiền chủ chốt của thế giới; hai là nước có thặng dư. Vì thế, sự bế tắc có thể còn tiếp diễn trong một thời gian nữa. Nhưng mối nguy hiểm mà điều này sẽ tạo ra cũng đã rõ ràng: ví dụ, nếu thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc tiến đến mức 10% GDP một lần nữa, thì có thể đạt đến 800 tỷ USD vào năm 2018. Ai sẽ có thể chịu đựng được lượng thặng dư đó? Các hộ gia đình Mỹ sẽ suy sụp trước nợ nần, cũng như những hộ gia đình ở các nước khác đang có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn. Đó là lý do vì sao chính phủ giờ đây là người đi vay cuối cùng.
Với những nước thâm hụt với bên ngoài, thì điều họ quan tâm là làm thế nào hạ thấp thâm hụt tài chính mà không đẩy nền kinh tế trở lại suy thoái. Điều này là không thể, trừ khi họ có thể hoặc là đưa chi tiêu và vay mượn tư trở về như trước đó, hoặc là tăng cường nhanh chóng xuất khẩu ròng. Trong hai cách này, cách thứ hai là con đường an toàn hơn đối với nền kinh tế. Nhưng đổi lại nó cũng chỉ xảy ra khi nước thặng dư cũng mở rộng nhu cầu nhanh hơn sản lượng tiềm năng. Và Trung Quốc đang là thành phần quan trọng nhất trong cuộc chơi này.
Nhưng cũng rất may mắn khi những điều chỉnh này lại là lợi ích dài hạn của cả hai bên, trong đó có Trung Quốc. Như trong báo cáo mới đây của Phòng Thương mại châu Âu đã chỉ ra, thặng dư với bên ngoài của Trung Quốc là "phụ phẩm" của chính sách sai lầm. Vì thế, vốn được định giá quá rẻ trong những năm 2000, thông qua tín dụng rẻ và thuế suất thấp đối với lợi nhuận doanh nghiệp, trong khi tỷ giá hối đoái lại bị cố tình giữ quá đắt bằng các can thiệp tiền tệ.
Trong quá trình này, thu nhập được chuyển từ các hộ gia đình sang ngành công nghiệp. Kết quả là sự gia tăng khác thường trong xuất khẩu và các ngành tiêu thụ nhiều vốn, mà tạo ra ít việc làm. Thu nhập khả dụng của các hộc gia đình giảm xuống mức cực thấp trong GDP, trong khi đầu tư, tiết kiệm của doanh nghiệp và thặng dư vãng lai lại cứ nhiều lên. Giải pháp ngắn hạn cho cuộc khủng hoảng - tăng mạnh lượng tín dụng và đầu tư cố định, trong khi vẫn duy trì được cầu - càng củng cố những xu hướng này hơn là bù đắp cho chúng. Một vòng tăng trưởng lớn khác vượt qua khả năng và thặng dư tài khoản vãng lai có vẻ là không thể tránh khỏi.
Chế độ tỷ giá hối đoái và chính sách khung là của Trung Quốc thực tế là mối quan tâm của cả thế giới. Và các chính sách của các cường quốc khác cũng như vậy. Điều gì sẽ xảy ra nếu các nước có thâm hụt giảm chi tiêu tương đương so với thu nhập trong khi đối tác thương mại của họ cứ quyết duy trì sản lượng vượt trên thu nhập và xuất khẩu lượng thừa đó? Câu trả lời là: suy thoái. Điều gì sẽ xảy ra nếu các nước thâm hụt duy trì nhu cầu trong nước với thâm hụt tài chính liên miên và không hồi kết? Câu trả lời là: một làn sóng khủng hoảng tài chính.
Không câu trả lời nào có thể chấp nhận được; chúng ta cần sự điều chỉnh mang tính hợp tác. Không có nó, chủ nghĩa bảo hộ trong các nước thâm hụt sẽ khó tránh khỏi xảy ra. Chúng ta đang chứng kiến con tàu dần chìm xuống. Chúng ta phải ngăn chặn điều này lại trước khi quá muộn.
Đình Ngân (Theo FT)
Vietnamnet
|