Sự trỗi dậy của Brazil
Sự ngạo mạn chính là trở ngại lớn nhất với các nước Mỹ La tinh trên con đường phát triển kinh tế. Năm 2003 khi các nhà kinh tế của Goldman Sachs đưa ra dự đoán về những thế lực mới của kinh tế thế giới - BRIC bao gồm bốn nền kinh tế Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nhiều người đã bất bình về sự lựa chọn của Goldman Sachs với ứng viên Brazil.
Người ta cho rằng, đất nước này khó có thể trở thành một thế lực mới trên bản đồ kinh tế thế giới bởi tốc độ tăng trưởng hàng năm quá khiêm tốn nhất là khi bóng dáng của một cuộc khủng hoảng kinh tế đang thấp thoáng đâu đây, bởi sự bất ổn chính trị triền miên, và cũng bởi từ trước tới giờ thế giới đâu biết nhiều đến tiềm lực của đất nước này ở bất kỳ lĩnh vực nào ngoài bóng đá và các lễ hội carnival.
Nhưng với tình hình hiện nay, người ta buộc phải nhìn Brazil bằng con mắt khác. Nếu Trung Quốc là nền kinh tế đi đầu trong cuộc chiến đấu thoát khỏi khủng hoảng kinh tế thì Brazil cũng đâu có kém cạnh. Theo vòng xoáy chung, Brazil cũng chẳng phải là trường hợp ngoại lệ có thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng, nhưng đây là một trong những quốc gia cuối cùng bị ảnh hưởng và là nền kinh tế đầu tiên thoát khỏi bão khủng hoảng.
Brazil vững vàng đạt tốc độ tăng trưởng thường niên 5%. Rất có thể, trong vài năm tới, Brazil sẽ còn tiến xa hơn khi nó tiếp tục đẩy mạnh khai thác tại các giếng dầu sâu ngoài khơi xa cùng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và khoáng sản giàu có trên các miền đất trù phú của Brazil. Cho dù còn nhiều dự đoán khác nhau, với đà này, chắc chắn, đến khoảng năm 2014 - thậm chí còn sớm hơn dự báo Goldman Sachs đưa ra - Brazil sẽ vượt mặt Anh và Pháp và trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Theo dự báo của PwC, đến năm 2025, Sao Paulo sẽ trở thành đô thị phồn thịnh thứ năm thế giới.
Hơn thế, nền kinh tế Brazil thậm chí còn có nhiều điểm nổi trội hơn hẳn các ứng viên còn lại trong khối BRIC. Không giống Trung Quốc, Brazil là một đất nước dân chủ. Khác hẳn Ấn Độ, Brazil không phải đối mặt với nổi dậy, mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo cũng sự gây hấn của các nước láng giềng. Không như Nga, nguồn thu xuất khẩu của Brazil không chỉ phụ thuộc vào dầu và vũ khí và đất nước này tôn trọng các nhà đầu tư nước ngoài.
Dưới sự lãnh đạo của tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva - một cựu lãnh đạo nghiệp đoàn vươn lên từ nghèo khó - chính phủ đã làm hết mình để xóa bỏ sự bất bình đẳng xã hội đã từ lâu làm méo mó đất nước mình. Nghiêm túc mà nói, để có được phương diện chính sách xã hội khôn ngoan và biện pháp kích cầu nội địa, các nền kinh tế đang phát triển nên học hỏi từ Brazil thay vì Trung Quốc. Nói tóm lại, gần đây, Brazil bất ngờ trỗi dậy như một điểm đến mới của thế giới. Tháng trước, đất nước này đã giành được quyền đăng cai Olympic 2016 tại Rio de Janeiro cùng sự kiện Fifa World Cup vào năm 2014.
Phương diện kinh tế
Thực chất, sự trỗi dậy của nền kinh tế Brazil có tính chất quá trình. Sự trỗi dậy đó khởi đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi đã xoay vần với mọi phương án phát triển, Brazil quyết định theo đuổi hàng loạt chính sách kinh tế có tính toán. Thông qua các chính sách này, chính phủ đã thành công khi kiềm chế lạm phát và thắt chặt chi tiêu của chính quyền địa phương và liên bang để kiểm soát các khoản nợ.
Chính phủ liên bang trao cho ngân hàng trung ương toàn quyền quyết định với điều kiện phải duy trì lạm phát ở mức thấp và đảm bảo các ngân hàng thương mại sẽ không đi vào vết xe đổ của các thương vụ phiêu lưu đã từng ngày từng giờ hủy hoại đại gia Anh và Mỹ. Chính phủ Brazil mở cửa nền kinh tế cho thương mại và đầu tư quốc tế cùng lúc tiến hành tư nhân hóa hàng loạt doanh nghiệp nhà nước.
Những ưu đãi này đã mở đường cho sự hình thành một lớp các tập đoàn mới và đầy tham vọng của Brazil. Đó có thể là những tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước như công ty dầu quốc gia - Petrobras, tập đoàn khai khoáng - Vale hay tập đoàn sản xuất máy bay Embraer hay những tập đoàn tư nhân như tập đoàn thép Gerdau hay nhà sản xuất thịt hàng đầu thế giới JBS. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều tới thị trường này bởi thành tựu giảm nghèo và nâng cao mức sống của lớp trung lưu. Brazil đã thiết lập được thể chế chính trị vững mạnh.
Tuy nhiên xã hội Brazil vẫn tồn tại nhiều mảng tối. Mảng tối này một phần làm cho hình ảnh về một đất nước Brazil mới không thực sự trọn vẹn chính vì vậy nhiều khi nó đã tự che giấu những yếu điểm của mình. Trước hết, dẫu đất nước này đã phát triển một nền báo chí tự do và đủ dũng khí để phanh phui các vụ tham nhũng nhưng tình trạng này vẫn còn tràn lan và chính quyền không thực sự mạnh tay trừng trị. Thứ hai, mức chi tiêu chính phủ còn lớn hơn của cả toàn bộ nền kinh tế trong khi số vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân và công cộng vẫn còn quá nhỏ bé. Điều này khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi những dự đoán tăng trưởng "lấp lánh" đã đưa ra.
Chính phủ đã chi quá nhiều khoản tiền một cách thiếu khôn ngoan. Mức chi trả cho lương bổng của chính phủ liên bang đã tăng thêm 13% kể từ tháng 9/2008. Chi tiêu cho an ninh xã hội và lương hưu thì tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái cho dù quốc gia này vẫn là nước có dân số trẻ. Dù gần đây đã nhận được sự nâng cấp của chính phủ nhưng nền giáo dục và cơ sở hạ tầng của Brazil vẫn thua xa Trung Quốc và Hàn Quốc. Ở nhiều vùng của Brazil tình trạng bạo lực vẫn tiếp tục leo thang.
Điểm mạnh và điểm yếu quốc gia
Ngoài mối lưu tam về các giếng dầu, Brazil còn phải đối mặt với nhiều trở ngại mới trước mắt. Từ đầu tháng 12/2008, đồng real đã tăng gần 50% so với đồng đôla. Một mặt, điều này giúp cải thiện mức sống của người dân Brazil vì hàng nhập khẩu trở nên ít đắt đỏ hơn. Mặt khác, nó lại khiến các nhà xuất khẩu phải đau đầu bởi họ sẽ thu về ít hơn từ các đơn hàng. Tháng trước, chính phủ đã áp thuế cho các dòng vốn đầu tư ngắn hạn từ bên ngoài. Nhưng động thái này không kịp để ngăn chặn đồng real lên giá so với đồng đô la và đó quả là một thiệt hại lớn khi mà những tấn dầu đầu tiên bắt đầu được khai thác ngoài khơi xa.
Đứng trước tình thế này, phản ứng mang tính bản năng của tổng thống là cải cách chính sách công nghiệp. Chính phủ sẽ yêu cầu mọi công cụ phụ trợ cho khai thác dầu đường ống dẫn cho tới tàu thủy đều phải tiến hành sản xuất trong nước. Chính phủ chỉ đạo Vale xây dựng nhà máy sản xuất thép mới. Không phủ nhận chính chính sách công cộng đã hình thành nên nền tảng của nền công nghiệp Brazil nhưng chính sự tự do hóa và cởi mở mới tạo dựng nên diện mạo cho các thành phần trong đó.
Trong khi đó, chính phủ không hề có biện pháp gỡ bỏ các rào cản đối với kinh doanh - đặc biệt là các điều luật hết sức lạ lùng như quy định phải trả thuế cho người nhà tuyển dụng. Xem ra còn lâu nữa những phiền toái này mới được cởi bỏ bởi ứng cử viên tổng thống cho cuộc bầu cử tháng 10 tới đã tuyên bố xanh rờn là điều luật lao động hiện giờ không cần thiết phải thay đổi.
Thế nhưng, sự ngạo mạn mới là mối nguy lớn nhất cho sự phát triển của Brazil. Tổng thống Lula không sai khi nói rằng đất nước mình đáng được thế giới ngả mũ kính trọng cho những thành tựu họ đã đạt được cũng giống như ông xứng đáng nhận được những lời tán tụng vì tài lãnh đạo của mình. Nhưng đừng quên rằng, ông là một vị tổng thống may mắn khi giai đoạn cầm quyền của ông được nâng đỡ nhờ sự bùng nổ hàng hóa và điều hành đất nước trên nền tảng vững chắc mà người tiền nhiệm - cựu tổng thống Fernando Henrique Cardoso - đã dày công vun đắp.
Trong khi đó, người kế nhiệm ông Lula sẽ phải chật vật hơn khi phải đương đầu với nhiều vấn đề hóc búa mà chính quyền tiền nhiệm cho phép mình bỏ qua. Chính vì thế, cuộc bầu cử sắp tới sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng từ thời kỳ cầm quyền của ông Lula. Dẫu vậy, Brazil cũng đã có những bước đi để giải quyết vấn đề hiện tại. Brazil nổi bật hơn tất cả các ứng viên sáng giá còn lại trong BRIC cũng bởi họ đã quyết tâm cải cách và thiết lập sự đồng thuận mang tính dân chủ. Và đó chẳng phải là điều mà Trung Quốc vẫn đang mong ước đạt được lắm hay sao?
Tuần việt nam
|