10 điểm đáng chú ý của kinh tế thế giới năm 2009
20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cùng chung tay chống lại khủng hoàng kinh tế toàn cầu trong năm 2009. | Những kế hoạch kích cầu lớn chưa từng có, các nền kinh tế hàng đầu thế giới bắt đầu tăng trưởng trở lại, những vụ phá sản lớn, nỗi lo khủng hoảng nợ... là vài trong số những câu chuyện cần điểm qua về kinh tế thế giới trong năm 2009 này.
1. Kích thích kinh tế là trọng tâm
Kích thích kinh tế có lẽ là câu chuyện lớn nhất của kinh tế thế giới năm nay. Nếu xem năm 2008 là năm mà kinh tế toàn cầu bị trận bão khủng hoảng tài chính càn quét, thì năm 2009 chính là năm mà các quốc gia nỗ lực dọn dẹp đống đổ nát mà cuộc khủng hoảng đã để lại.
Nước Mỹ là nơi mà cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế bắt đầu, nên cũng là quốc gia đi tiên phong trong việc khắc phục hậu quả. Sau khi chính thức nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay lập tức thúc đẩy một gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD nhằm đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi tình trạng suy thoái tồi tệ.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, Chính phủ Anh cũng thực hiện chính sách “nới lỏng định lượng”, bơm 200 tỷ Bảng (tương đương 330 tỷ USD) vào nền kinh tế. Chính phủ các nước châu Âu khác như Đức, Pháp, Italy, Ba Lan... cũng chi nhiều tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân. Gần đây nhất, vào ngày 7/12, Chính phủ Nhật Bản đã công bố một gói kích cầu mới trị giá 7.200 tỷ Yên, tương đương 81 tỷ USD.
Ngành công nghiệp ôtô là một trong những đối tượng hưởng lợi nhiều từ chính sách kích cầu của chính phủ các nước trong năm. Ban đầu được áp dụng ở Đức, chương trình “thưởng dập xe cũ”, trong đó tặng tiền cho những người mang xe cũ đi dập và mua xe mới có khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn, đã được nhân rộng ra nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản... và đem đến tác động tích cực cho doanh số của các hãng xe.
2. Thoát suy thoái nhưng tăng trưởng yếu ớt
Với nỗ lực của các chính phủ, các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã dần thoát khỏi suy thoái, tuy tốc độ tăng trưởng còn rất yếu ớt. Quý 3 vừa qua, kinh tế Mỹ đã bắt đầu tăng trưởng trở lại với tốc độ 2,8% sau 4 quý liền liên tục suy giảm. Kinh tế Nhật, về phương diện kỹ thuật, cũng đã thoát suy thoái từ quý 2 năm nay. Suy thoái cũng đã rời khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro (Eurozone) từ quý 2.
Đáng chú ý, nhờ hoạt động tín dụng mở rộng với tốc độ kỷ lục và gói kích cầu trị giá gần 600 tỷ USD mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra vào cuối năm 2008, kinh tế nước này đã thành công với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng trên 8%. GDP của Trung Quốc trong quý 3 đã tăng trưởng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc đã biến cuộc khủng hoảng và suy thoái toàn cầu này thành một cơ hội, và nhận định, không bao lâu nữa, Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tạp chí uy tín Time của Mỹ đã đánh giá rất cao thành tích tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Trung Quốc năm nay khi đưa người lao động của nước này vào top 5 nhân vật hàng đầu của năm 2009. Người dẫn đầu những nỗ lực cứu kinh tế Mỹ khỏi suy thoái là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) Ben Bernanke cũng đã được Time bình chọn là Nhân vật của năm.
Trong khi đó, cùng với sự trì trệ của tăng trưởng, kinh tế Nhật phải đối mặt với sự trở lại của giảm phát. Giá cả ở nước này đang diễn biến theo chiều hướng đi xuống, khiến người ta lo ngại về một vòng xoáy giảm phát, đe dọa nền kinh tế đất nước mặt trời mọc.
Đó là lý do vì sao mà giữa lúc các nền kinh tế trên thế giới bắt đầu cân nhắc tới chuyện hậu kích cầu, rút lui khỏi các biện pháp kích thích sao cho vừa đảm bảo được sự phục hồi, vừa tránh được nguy cơ lạm phát cao, thì Nhật Bản lại tung ra một gói kích thích kinh tế mới vào ngày 7/12 vừa qua.
Tới thời điểm cuối năm 2009 này, chính phủ các nước tiếp tục giữ thái độ lạc quan thận trọng về triển vọng phục hồi kinh tế. Đó là lý do vì sao những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Eurozone, Nhật Bản và Anh vẫn đang duy trì lãi suất cơ bản ở những mức thấp kỷ lục hoặc gần kỷ lục. Quốc gia hiện đi đầu trong việc tăng lãi suất trở lại là Australia, với 3 lần tăng lãi suất trong 3 tháng qua.
3. Thất nghiệp leo thang
Năm nay là năm mà tỷ lệ thất nghiệp leo thang mạnh tại những nền kinh tế hàng đầu. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 vừa qua đã lên tới 10,2%, cao nhất trong 26 năm, trước khi giảm xuống 10% vào tháng 11. Tại Nhật Bản, tỷ lệ thất nghiệp đã đạt mức kỷ lục 5,7% trong tháng 8. Tại Eurozone, đội ngũ không công ăn việc làm cũng đang chiếm gần 10% lực lượng lao động.
4. Nợ công gia tăng và rủi ro khủng hoảng nợ
Dù không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của các gói kích thích kinh tế trong việc đẩy lùi bước tiến của suy thoái, nhưng một trong những “tác dụng phụ” có thể xảy ra của những kế hoạch có quy mô khổng lồ này chính là sự gia tăng của thâm hụt ngân sách, nợ công, và rủi ro về một cuộc khủng hoảng nợ.
Theo số liệu của New York Times, tại Đức - quốc gia từ lâu vẫn đề cao chuyện tiết kiệm chi tiêu công - nợ chính phủ đang trên đà tăng và dự báo sẽ đạt mức 77% GDP vào năm tới, từ mức 60% GDP vào năm 2002. Tại Anh, nợ chính phủ trong cùng khoảng thời gian được dự báo tăng gấp đôi, lên mức hơn 80% GDP.
Trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/9/2009, thâm hụt ngân sách Mỹ đã lên tới mức kỷ lục 1.400 tỷ USD, tương đương 9,9% GDP của nước này.
Trên thực tế, một vài dấu hiệu về khủng hoảng nợ đã xuất hiện. Cuối tháng 11 vừa qua, thị trường tài chính toàn cầu đã chấn động khi tiểu vương quốc Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tuyên bố xin khất nợ cho tập đoàn quốc doanh Dubai World. Không lâu sau đó, Hy Lạp liên tục bị đánh tụt hạng mức tín nhiệm nợ chính phủ, khiến giới đầu tư thế giới thêm lo lắng.
5. Thị trường chứng khoán, hàng hóa khởi sắc
Cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, thị trường chứng khoán và hàng hóa toàn cầu năm nay cũng khởi sắc. Theo số liệu do tạp chí Business Week cung cấp, trong 11 tháng đầu năm nay, các loại trái phiếu có định mức tín nhiệm thấp trên thế giới đem đến cho giới đầu tư tỷ lệ lợi nhuận 58%, tiếp đó là thị trường hàng hóa với mức lợi nhuận 36%, vàng (34%), chứng khoán (29%), trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu tư (23%), và trái phiếu chính phủ (8%).
6. M&A dậy sóng
Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) năm qua đã dậy sóng sau một thời gian im lìm vì khủng hoảng và suy thoái. Những thương vụ lớn nhất phải kể tới trong năm nay bao gồm vụ tỷ phú Warren Buffett của Mỹ mua hãng vận hành đường ray Burlington với giá 26,3 tỷ USD, vụ tập đoàn dầu lửa Exxon Mobil mua hãng năng lượng XTO với giá 41 tỷ USD, hãng Disney chi 4 tỷ USD để mua lại công ty giải trí Marvel Entertainment... Bên cạnh đó, làng công nghệ đã chứng kiến hàng loạt vụ sáp nhập đáng nói trong năm nay, gồm các vụ Oracle mua Sun Microsystems, Dell mua Perot Systems, Xerox mua Affiliated Computer Services, và HP mua 3Com.
7. Ngân hàng Mỹ bắt đầu làm ăn có lãi
Tình hình của ngành ngân hàng Mỹ, nơi bắt nguồn của khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã được cải thiện trong năm nay. Các định chế tài chính của Mỹ như Bank of America, JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Citigroup, Wells Fargo... đã bắt đầu làm ăn có lãi trở lại và đang thực hiện việc trả lại các khoản tiền cứu trợ của Chính phủ nước này.
Việc các nhà băng lớn này trả nợ cho Chính phủ Mỹ cũng nhằm mục đích thoát khỏi sự giám sát ngặt nghèo của các nhà chức trách, đặc biệt đối với vấn đề tiền thưởng.
8. “Nóng” chuyện tiền thưởng
Chuyện tiền thưởng của các định chế tài chính là một câu chuyện tốn nhiều giấy mực của báo chí trong năm qua. Dư luận Mỹ và nhiều nước tại châu Âu đã hết sức bất bình khi giới lãnh đạo nhà băng hưởng những khoản tiền thưởng kếch xù và duy trì lối sống xa hoa giữa lúc tiền thuế của dân được dùng để cứu trợ các ngân hàng thoát khỏi nguy cơ sụp đổ.
Tuy nhiên, làn sóng đổ vỡ vẫn chưa ngừng dâng cao trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Tính tới ngày 12/12 vừa qua, đã có tới 133 ngân hàng Mỹ sụp đổ trong năm 2009, con số cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc khoảng tiết kiệm và cho vay ở nước này vào năm 1992.
9. Trật tự mới trong ngành công nghiệp ôtô
Một câu chuyện buồn nữa của năm 2009 là hai tập đoàn hàng đầu của ngành công nghiệp ôtô Mỹ lâm vào cảnh phá sản. Hãng General Motors (GM) đã ghi danh mình vào lịch sử bằng vụ phá sản lớn nhất từ trước tới nay của ngành công nghiệp Mỹ. Chrysler cũng chung số phận với GM, dù đã được Chính phủ Mỹ bơm vốn cứu trợ. Trong số ba “đại gia” công nghiệp ôtô Mỹ, chỉ có hãng Ford là vượt qua khủng hoảng mà không cần tới sự trợ giúp của Washington.
Trong khi đó, tận dụng thời cơ các hãng xe lớn như Toyota và GM gặp khó khăn, những hãng xe có quy mô nhỏ hơn như Volkswagen, Hyundai, Nissan, Fiat... đã nhanh chóng vươn lên chiếm lĩnh thị phần. Cuộc khủng hoảng này được xem là đang dần tạo ra một trật tự mới trong ngành công nghiệp ôtô thế giới.
Phá sản cũng là kết cục của một số công ty đình đám nữa trong năm nay, như hãng thiết bị viễn thông Nortel, một loạt công ty báo chí Mỹ như Reader's Digest và Sun Times, Philadelphia Newspapers và Tribune, sòng bạc Trump Entertainment của tỷ phú Mỹ Donald Trump...
10. Những vụ bê bối tài chính bị đem ra ánh sáng
Nếu như cuối năm 2008, thế giới chấn động khi vụ lừa đảo 50 tỷ USD của nhà tài chính Bernie Madoff bị phanh phui, thì trong năm nay, dư luận lại thêm nhiều lần ngỡ ngàng khi một loạt vụ bê bối tài chính nữa bị đem ra ánh sáng. Trong số này phải kể tới vụ gian lận tài chính ở công ty Satyam Computer Services của Ấn Độ và vụ lừa đảo 8 tỷ USD của tỷ phú Mỹ Allen Stanford.
“Trùm lừa” Madoff cũng đã hầu tòa vào tháng 6 vừa qua và bị tòa tuyên mức án 150 năm tù giam.
Kiều Oanh
TBKTVN
|