Năm 2010, chứng khoán sẽ là kênh đầu tư tốt
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ từ cuối quý 1/2009. Chỉ số VN-Index đã tăng 108% so với mức thấp nhất vào tháng 2/2009.
Các chuyên gia cho rằng, sự phục hồi này ngoài yếu tố chính sách còn có đóng góp lớn từ nguồn tiền mặt của người dân. Hai yếu tố trên sẽ tiếp tục đóng góp vào sự tăng trưởng vững chắc của thị trường này trong năm tới.
Phục hồi nhờ “sức dân”
Sau khi suy giảm 66% trong năm 2008, đến nay chỉ số VN-Index đã phục hồi mạnh mẽ, tăng 55% so với năm trước và tăng 108% so với mức thấp nhất vào tháng 2/2009.
Theo bà Lê Lệ Hằng, Giám đốc khối Phân tích & Tư vấn Đầu tư (SSI), dựa trên quan sát 45 công ty niêm yết hàng đầu, chiếm 36% tổng vốn hóa toàn thị trường, SSI đánh giá mức độ tăng trưởng về doanh thu trong năm 2009 và 2010 của nhóm các công ty này sẽ lần lượt là 13% và 24%.
“Chúng tôi tin tưởng rằng những công ty này sẽ phản ánh rất đúng TTCK Việt Nam, bởi họ có tỷ lệ vốn hóa rất cao và mức thanh khoản cũng rất tốt”, bà Hằng nói.
Sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2008 và đầu năm 2009, trở thành một trong những thị trường sụt giảm mạnh nhất khu vực thì đến nay TTCK Việt Nam lại trở thành thị trường có sức phục hồi mạnh nhất.
Lý giải nguyên nhân sự phục hồi này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn cho rằng, yếu tố tiềm lực tài chính trong dân đóng vai trò quan trọng.
“Đây là điều mà ở các thị trường khác không có được và nó sẽ tiếp tục là yếu tố giúp TTCK tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Hưng nói.
Theo phân tích của ông Hưng, ở các thị trường khác, người dân thường vay tiền ngân hàng để phục vụ cho nhu cầu mua nhà, mua xe hay tiêu dùng khác. Vì vậy, khi xảy ra bất trắc với ngân hàng hay nền kinh tế, thì số lượng người thất nghiệp sẽ gia tăng rất nhanh và hệ thống tín dụng có thể bị đổ bể hàng loạt.
Ở Việt Nam, rất ít người vay tiền ngân hàng để mua nhà ở, trừ trường hợp họ đi vay để đầu cơ. Hơn nữa, tín dụng của người dân Việt Nam rất lành mạnh và người dân Việt Nam có thói quen tích lũy tài sản. Điều này đã đóng góp đáng kể vào sự phục hồi nền kinh tế của Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng.
Phụ thuộc vào chính sách
Thực tế, sự phục hồi của TTCK đã được sự hỗ trợ tích cực từ những tín hiệu khả quan của kinh tế vĩ mô. GDP Việt Nam đã tăng 4,5% trong quý 2, tăng 5,8% trong quý 3. Dự kiến mức tăng GDP cả năm 2009 sẽ đạt mục tiêu trên 5%.
Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai ở châu Á sau Trung Quốc. “Nội lực của Việt Nam rất dồi dào và tỷ lệ tiết kiệm của người dân trên tổng GDP rất cao. Từ năm 2002 – 2006, tiết kiệm của người dân là 25,22% tổng GDP. Bên cạnh đó, GDP thực tế rất khó định lượng nhưng chắc chắn cao hơn GDP này nhiều vì chỉ một tỷ lệ rất nhỏ dân số Việt Nam sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân từ các ngân hàng”, bà Lê Lệ Hằng phân tích.
Cũng theo bà Hằng, năm 2010 P/E toàn thị trường được dự kiến khoảng 10. So sánh với các thị trường trong khu vực, đây là tỷ lệ rất hấp dẫn và sẽ tiếp tục hấp dẫn với nhiều tiềm năng khác nhau như nguồn cung trong nước tăng lên, sự hỗ trợ từ Chính phủ...
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, sản xuất công nghiệp, xây dựng đều tăng khá cao vào quý 4. Về cơ bản kinh tế vĩ mô nước ta hiện nay không có yếu tố gì đáng ngại. Rủi ro lớn nhất với TTCK Việt Nam vẫn là yếu tố ngắn hạn đang chiếm tỷ lệ cao trong các suất đầu tư. Tuy nhiên, ông Nghĩa tin tưởng rằng: “TTCK Việt Nam sẽ tăng đến mức 550-560 điểm vào quý 2/2010 và sau đó tăng vững chắc”.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả, cũng có nhận định khả quan về TTCK Việt Nam trong năm 2010. Tuy nhiên, ông Ánh cho rằng, mức độ tăng trưởng của thị trường này phụ thuộc rất nhiều vào điều hành chính sách của Nhà nước.
Ông Ánh phân tích: “Có thể nguồn tiền trong dân dồi dào nhưng họ sẽ không đầu tư vào chứng khoán nếu không có hàng hoá tốt. Ở đây tôi muốn lưu ý đến lộ trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Nếu làm tốt việc cổ phần hoá các doanh nghiệp lớn thì TTCK sẽ được cung cấp nhiều hàng hoá chất lượng, khi đó thị trường sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Ngoài ra, TTCK còn phụ thuộc vào các sự phát triển các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản và bản thân việc tổ chức quản lý giao dịch chứng khoán”.
Vẫn còn một số nghi ngại nhưng đa số các chuyên gia đều nhận định, TTCK Việt Nam sẽ phát triển trong năm tới và hứa hẹn là một kênh đầu tư hấp dẫn.
Tiền Phong
|