Thứ Bảy, 05/12/2009 15:07

Bán cổ phiếu ngày T: Chuyện trong tay Bộ Tài chính!

Cuộc tọa đàm rút ngắn thời gian thanh toán do Trung tâm Lưu ký (VSD) tổ chức chiều 3/12 thu hút sự chú ý đặc biệt của các thành viên thị trường. Cuộc tọa đàm đột ngột rẽ sang hướng khác khi không ít thành viên đặt ra vấn đề: rút ngắn thời gian giao dịch không đồng nghĩa với rút ngắn thời gian thanh toán. Như vậy, có nhất thiết phải rút ngắn thời gian thanh toán trong khi hệ thống này đang vận hành an toàn, trơn tru như hiện nay?

Thời gian thanh toán vẫn là T+3…

Trong thời gian vừa qua, trước việc đối xử bất bình đẳng của CTCK với khách VIP, khách thường trong việc cho phép bán chứng khoán ngày T, nhiều thành viên thị trường đã đặt ra yêu cầu cần phải rút ngắn thời gian giao dịch, đưa về T+2. Nhưng nhiều ý kiến lại đồng nhất muốn rút ngắn thời gian giao dịch thì phải rút ngắn thời gian thanh toán. Các chuyên gia của VSD cho rằng, thực tế không phải như vậy. Trên thế giới hiện nay quy trình thanh toán T+3 vẫn là chuẩn mực. Các thị trường hiện đại như Mỹ, Úc, Nhật Bản… vẫn là T+3. Một số nước như Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Hàn Quốc áp dụng T+2 với điều kiện công nghệ tốt và việc giám sát chặt chẽ.

Bà Phương Hoàng Lan Hương, Giám đốc VSD cho biết, một TTCK phát triển như ở Mỹ, năm 1994 vẫn để thời gian thanh toán là T+5, đến năm 2003 rút xuống T+2 nhưng không thành công và hiện tại vẫn để T+3 với giao dịch cổ phiếu, T+2 với các công cụ khác. Ngay như TTCK Singapore, thời gian vừa qua đã công bố kế hoạch rút ngắn thời gian thanh toán về T+2, nhưng sau đó lại phải hoãn lại vì e ngại rủi ro hệ thống.

Ông Nhữ Đình Hòa, Phó tổng giám đốc CTCK Bảo Việt cũng cho rằng, trong khi chúng ta đặt mục tiêu tăng thêm thời gian giao dịch nhưng lại mong muốn giảm thời gian thanh toán thì đây thực sự là một áp lực với các CTCK. Do đó theo ông Hòa, nên thay đổi cơ chế giao dịch chứ không nên giảm thời gian thanh toán.

Nỗ lực rút ngắn thời điểm thanh toán từ chiều T+3 xuống sáng T+3 của VSD cũng đã gây ra nhiều tranh luận. Trong dự thảo sửa đổi quy trình thanh toán đưa ra lấy ý kiến thị trường mới đây của VSD, thời gian thanh toán (nếu dự thảo được thông qua) sẽ là sáng ngày T+3 thay vì chiều ngày T+3 như trước đây. Không ít ý kiến cho rằng, việc rút ngắn thời gian thanh toán như vậy là không đảm bảo an toàn hệ thống. Ông Phạm Trung Minh, Trưởng phòng Lưu ký, VSD cho biết, có rất nhiều yếu tố khiến khó rút ngắn thời gian thanh toán như: chưa cho nghiệp vụ vay và cho vay chứng khoán, VSD không thể chủ động thực hiện phát lệnh vay chứng khoán khi thành viên thiếu khả năng thanh toán mà phải bị động ngồi chờ các thành viên lưu ký đi tìm vay chứng khoán. Đã có trường hợp, VSD phải chờ đến tối để CTCK đi Quảng Ninh ký hợp đồng vay chứng khoán về thanh toán. Chưa kể, quá trình thanh toán cũng cần phải có thời gian cho CTCK đối chiếu giao dịch, chuyển tiền ngân hàng, hủy giao dịch…

Bà Cao Thị Hồng, Phó tổng giám đốc CTCK Quốc tế Việt Nam nhận xét: Rút ngắn thời gian thanh toán nửa ngày như kế hoạch sẽ không giúp NĐT được giao dịch sớm hơn, mà lại phát sinh chi phí tốn kém cho cả CTCK và NĐT. Cụ thể, bà Hồng cho rằng, để chuyển tiền ngày T+2 (theo dự thảo quy chế) thì CTCK phải chuẩn bị tiền từ T+1, trong khi đó, hiện tại là ngày T+2, nên sẽ gây tốn thêm chi phí. Với NĐT, việc chuyển tiền sớm một ngày cũng sẽ làm cho họ mất thêm 1 ngày phí (nếu vay vốn hay dùng giao dịch ký quỹ trong tương lai), trong khi ngày bán chứng khoán vẫn vậy.

Hai đại diện cho NĐT nước ngoài là HSBC và CitiBank lại ghi nhận phản ứng quan ngại của NĐT nước ngoài trước dự kiến thay đổi này. Vấn đề lớn nhất mà NĐT nước ngoài quan tâm là rút ngắn thời gian thanh toán sẽ đi kèm với việc tăng rủi ro, điều mà không ai muốn. Bên cạnh đó, việc chênh lệch múi giờ, ngày nghỉ… cũng khiến việc rút ngắn không được các NĐT nước ngoài hoan nghênh.

…. nhưng thời gian giao dịch có thể là T+0

Mặc dù quy trình thanh toán dài, ngắn khác nhau, nhưng việc cho giao dịch chứng khoán sớm hơn, thậm chí T+0 tại các thị trường diễn ra phổ biến và nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. "Hầu hết các nước đều có thời gian thanh toán là T+3, nhưng NĐT có thể giao dịch ngay ngày T+1, T+2, thậm chí là T+0, nhưng đây là vấn đề của cơ chế giao dịch", bà Phương Hoàng Lan Hương cho biết.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc CTCK Thiên Việt, cần phải tách biệt rõ ràng cơ chế thanh toán và cơ chế giao dịch. Cơ chế giao dịch tạo tiện ích cho NĐT, còn cơ chế thanh toán phải đảm bảo an toàn hệ thống. NĐT không quan tâm đến thanh toán T+ mấy, mà họ chỉ quan tâm, khi nào họ được bán chứng khoán. "Sáng nay tôi mua 100 CP A, nhưng luật lại cấm bán 100 cổ phiếu A ngay ngày mai, như thế là cản trở quyền sở hữu của công dân, là không được", ông Giang nói và cho rằng, nên cho NĐT sớm có cơ chế được bán chứng khoán đang về tài khoản.

Ông Lê Hải Trà, ủy viên thường trực HĐQT  Sở GDCK TP. HCM nói: "Dưới góc độ Sở GDCK, chúng tôi cũng rất muốn cởi nút thắt giao dịch, nghe có vẻ gắn với Sở, nhưng thực tế, nó liên quan đến cơ sở pháp lý. HOSE không đủ thẩm quyền để quyết định. Chúng tôi rất muốn tạo cơ chế giao dịch thông thoáng hơn để tạo điều kiện tốt nhất cho thị trường".

Bà Trần Thị Thúy, Giám đốc SSI Chi nhánh Hà Nội cho rằng, việc rút ngắn thời gian giao dịch cần nhìn nhận trên lợi ích cho nhiều thành viên thị trường chứ không chỉ phục vụ NĐT. Khi thanh khoản tốt hơn, NĐT gia tăng vòng quay của vốn, chớp được cơ hội thị trường, CTCK thu được phí, Nhà nước thu được thuế và các Sở cũng thu được phí.

Như vậy vấn đề đặt ra là NĐT được bán chứng khoán T+ bao nhiêu, chứ không hẳn liên quan đến việc thanh toán khi nào. Như phân tích tại cuộc tọa đàm, việc này Việt Nam hoàn toàn làm được, bởi trên thực tế thời gian vừa qua đã có khá nhiều CTCK triển khai. Vấn đề này đã được UBCK trình Bộ Tài chính trong thông tư hướng dẫn về giao dịch, đang chờ Bộ ban hành. Cả thị trường đang kỳ vọng sự thay đổi lớn vào đầu năm 2010.

Bùi Sưởng - Đông Hải

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Sẽ được mua - bán một loại cổ phiếu trong một phiên (05/12/2009)

>   Đáy thị trường rơi vào tháng 12 hay tháng 1? (04/12/2009)

>   Gia tăng quỹ đầu tư nước ngoài (04/12/2009)

>   DRC đầu tư dự án lốp radian (04/12/2009)

>   FPT khai thác thị trường ứng dụng cho di động (04/12/2009)

>   CII ký hợp đồng tín dụng tài trợ dự án (04/12/2009)

>   PET nâng sở hữu tại Bio-Ethanol Dung Quất lên 51% (04/12/2009)

>   Thế giới "cá mập" chứng khoán - Bài cuối: Cần một sân chơi bình đẳng (04/12/2009)

>   VTV: Giá thực hiện quyền mua cp phát hành thêm 19,470 đồng/cp (03/12/2009)

>   SBBS thành lập phòng giao dịch chứng khoán Kỳ Hòa (03/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật