Tiền tệ “lắc”, chứng khoán “rụng”
Thời gian gần đây, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với các thông tin có liên quan đến thị trường tiền tệ.
Sự nhạy cảm quá mức cũng là mảnh đất màu mỡ cho những tin đồn liên quan đến chính sách tiền tệ với dụng ý xấu nhằm trục lợi.
Từ tin đồn
Sau ba phiên tăng điểm với sự dẫn dắt của các cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư đã kỳ vọng trở lại về một kịch bản tích cực của thị trường trong tháng cuối cùng của năm 2009. Thế nhưng, từ phiên giao dịch ngày 2-12, chứng khoán đã quay đầu giảm khá mạnh. Thủ phạm, theo ghi nhận từ giới đầu tư, là từ tin đồn Ngân hàng Nhà nước sẽ siết chặt tín dụng.
Tin đồn với nội dung Ngân hàng Nhà nước buộc các ngân hàng phải mua tín phiếu bắt buộc và tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc. Lần này Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng khá nhanh, ngay lập tức bác bỏ tin đồn. Thế nhưng theo anh Huỳnh Thanh Đ. - nhà đầu tư tại sàn ACBS, dù nhiều người nghi ngờ tin đồn vì nền kinh tế đang cần vốn để đảm bảo tốc độ tăng trưởng, nhưng không ít người đã bán cổ phiếu với phương châm “an toàn là trên hết”.
Trước đó, ngày 25-11, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất cơ bản và điều chỉnh chính sách tỉ giá, VN - Index cũng đã mất gần 45 điểm chỉ trong hai phiên giao dịch. Khi bình tâm trở lại, nhiều nhà đầu tư nhận ra đây là thông tin hỗ trợ tích cực hơn là tiêu cực. Khi đó, chứng khoán mới tăng lại, nhà đầu tư mạnh tay mua cổ phiếu ngân hàng.
Thị trường chứng khoán giảm sâu từ tháng 10-2009 đến nay một phần cũng do nhà đầu tư quá nhạy cảm với các thông tin có liên quan chính sách tiền tệ. Nhiều nhà đầu tư đã chọn giải pháp đứng ngoài quan sát.
Vì sao?
“Các chính sách tiền tệ có ảnh hưởng bao trùm lên nền kinh tế nói chung và túi tiền của từng người dân nói riêng. Thị trường chứng khoán được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế nên những thay đổi của chính sách tiền tệ, dù lớn hay nhỏ, đều tác động đến chứng khoán” - TS Lê Thẩm Dương (ĐH Ngân hàng) nói. Do vậy, sự phản ứng của nhà đầu tư đối với các thay đổi về chính sách tiền tệ cũng là hợp lý.
Ở phạm vi hẹp hơn, theo các chuyên gia chứng khoán, các ngân hàng, doanh nghiệp ngành bất động sản… chịu tác động trực tiếp của chính sách tiền tệ, trong khi cổ phiếu của các doanh nghiệp này chiếm tỉ trọng lớn trên thị trường chứng khoán và được xem là một trong những đối tượng dẫn dắt thị trường.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, những tác động của chính sách tiền tệ luôn có tác động hai mặt đối với nền kinh tế, có thể tích cực vào thời điểm hiện tại nhưng tiềm ẩn một số yếu tố tiêu cực trong tương lai và ngược lại. Chẳng hạn, động thái nới lỏng tín dụng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lạm phát nếu không có các biện pháp kiềm chế nguy cơ này.
Ở chiều ngược lại, việc hạn chế tín dụng sẽ giúp ngăn ngừa lạm phát, có thể tạo những khó khăn cho doanh nghiệp nhưng mặt tích cực là giúp kinh tế vĩ mô giữ được ổn định. Mà sự ổn định của vĩ mô là nền tảng cho chứng khoán tăng trưởng bền vững. Do vậy, tác động tích cực hay tiêu cực của các chính sách tiền tệ đối với chứng khoán còn tùy thuộc quan điểm đầu tư dài hạn hay ngắn hạn của nhà đầu tư.
Còn nhiều tin gây rối cho nhà đầu tư
Nhiều nhà đầu tư kiến nghị các cơ quan chức năng, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cần phản ứng kịp thời để bác bỏ tin đồn thất thiệt cũng như cần thông tin tốt hơn về các chính sách vĩ mô giúp nhà đầu tư có đủ thông tin để không hoang mang trước tin đồn thất thiệt.
Hiện thị trường bị rối thông tin một phần do các thông tin tư vấn, bình luận từ các công ty chứng khoán. Không ít công ty chứng khoán do không có đủ thông tin hoặc đánh giá không đúng bản chất của việc điều chỉnh các chính sách tiền tệ, từ đó đưa ra những nhận định gây rối nơi nhà đầu tư.
Như với chính sách tín dụng, ông Nguyễn Phước Thanh - tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương VN - cho rằng không có siết mà chỉ là kiểm soát để đảm bảo mức tăng tín dụng phù hợp với tăng trưởng kinh tế.
T.Sơn |
Hoài Giang TUỔI TRẺ
|