Thứ Năm, 31/12/2009 16:57

Đằng sau sự hồi phục của thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán của hầu hết các nước trên thế giới đều phục hồi tương đối ấn tượng và đi nhanh hơn nhiều so với sự phục hồi của nền kinh tế là bức tranh chính có thể dễ dàng nhận thấy trong năm 2009.

Đa số các chỉ số chứng khoán đều tăng trở lại khá ấn tượng, và có những thị trường như Việt Nam có mức tăng của VN-Index trên 100% sau khi nằm trong số những thị trường giảm giá nhanh nhất trong năm 2008.

Các chuyển biến quan trọng giúp thị trường phục hồi

Ẩn ở phía sau những con số phần trăm tăng giá ấn tượng đó là những chuyển biến của nền tảng thị trường. Chuyển biến căn bản nhất nằm ở sự thay đổi về tâm lý của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư từ Mỹ đến Việt Nam đều cảm thấy lạc quan hơn nhiều kể từ mức đáy vào tháng 3-2009.

Nhiều nhà đầu tư bắt đầu giải ngân dòng tiền quay lại các tài sản có rủi ro khiến thuật ngữ “sự thèm muốn rủi ro” (risk appetite) trở nên rất phổ biến trên báo chí trong năm nay - trái ngược với thuật ngữ “lo sợ rủi ro” (risk averse) được dùng trong nhiều tháng trước đó (đến tận tháng 1 và tháng 2-2009 các nhà phân tích vẫn đề cập là nhà đầu tư vẫn đang rất lo sợ rủi ro).

Như vậy tâm lý của nhà đầu tư được gỡ gánh nặng bi quan và nhanh chóng chuyển sang lạc quan sau những thông tin tốt về các đợt thanh tra ngân hàng Mỹ (ít ngân hàng phải tăng vốn để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn) và số liệu lợi nhuận của các công ty trở nên tốt lên thấy rõ.

Chuyển biến về tâm lý của nhà đầu tư là yếu tố quan trọng thứ nhất dẫn đến việc dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán tạo ra tốc độ hồi phục nhanh của thị trường này. Tâm lý lo sợ mình sẽ bỏ lỡ chuyến tàu hồi phục nhanh như tên lửa của chứng khoán khiến nhà đầu tư liên tục giải ngân tiền vào tài sản có rủi ro và điều này lại tạo ra hiệu ứng tiếp tục đẩy giá cổ phiếu lên.

Chuyển biến thứ hai là số liệu về lợi nhuận của các công ty. Lợi nhuận của các công ty từ Mỹ đến Việt Nam, có thể nói là được cải thiện rất nhiều từ mức rất thấp của năm 2008, một phần là nhờ vào những chính sách kích thích kinh tế của chính phủ và chính sách nới lỏng tiền tệ, bao gồm cả việc duy trì lãi suất ở mức cực thấp và cả việc sử dụng nới lỏng số lượng tiền tệ (quantitative easing) - một cách nói hoa mỹ của việc bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế.

Một yếu tố khác là các công ty này tiến hành cắt giảm chi phí và nhân công một cách mạnh mẽ, nghĩa là lợi nhuận tăng lên thu được là nhờ vào tiết kiệm chi phí nhờ hỗ trợ của chính phủ và thu hẹp hoạt động. Một vài ví dụ là trong ngành xe hơi thì Toyota mạnh tay cắt giảm sản xuất trên toàn cầu từ Bắc Mỹ đến Nhật Bản, còn trong ngành ngân hàng thì gần đây HSBC, RBS và Lloyds lại vừa tiếp tục cắt giảm nhân sự ở mức hàng ngàn người trong vòng 12-18 tháng tới sau khi đã cắt giảm một số lượng không nhỏ từ tháng 12 năm ngoái. Ngoài ra, lợi nhuận của một số công ty còn có được nhờ vào sự gia tăng giá trị trở lại của các khoản đầu tư liên quan đến tài sản tài chính (ví dụ gần gũi nhất là trường hợp hoàn nhập dự phòng của Việt Nam).

Vì vậy, có thể nói thị trường chứng khoán được hỗ trợ nhờ sự chuyển biến trong yếu tố lợi nhuận từ lỗ nặng thành lời bất ngờ, mà trong đó công lao của chính sách kích thích kinh tế và nỗ lực thu hẹp hoạt động, giảm chi phí đóng vai trò chính. Vậy nghĩa là nếu các công ty đủ lớn để tồn tại trong cơn bão tài chính và đủ lớn để được hỗ trợ, họ sẽ an toàn vượt ra khỏi khó khăn dù điều đó phải hy sinh quyền lợi của nhiều người làm công.

Mặc dù các nhà học thuật vẫn còn đang tranh cãi việc nới lỏng số lượng tiền tệ của các ngân hàng trung ương (NHTƯ) có khác gì với việc các NHTƯ tự in tiền ra hay không, thì thực tế là các bảng cân đối tài sản của các NHTƯ đang phình to nhanh chóng. Một vài bài phân tích gọi là các bảng cân đối của các NHTƯ tăng phồng như bong bóng (“ballooning fast”) và tự hỏi là tiền của NHTƯ lấy đâu ra để gia tăng quy mô tài sản nhanh như vậy? Và hệ quả của việc gia tăng nhanh chóng bảng cân đối của các NHTƯ là việc nền kinh tế và thị trường tài chính được bơm vào một lượng thanh khoản khổng lồ.

Thanh khoản là yếu tố quan trọng để giúp duy trì nhiều vị thế đầu tư cho các tổ chức tài chính và quỹ đầu tư lớn. Đây chính là chuyển biến thứ ba đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích thị trường tài chính hồi phục. Nếu thị trường không có thanh khoản tốt hơn để duy trì một lượng lớn các vị thế đầu tư vẫn còn trong trạng thái không an toàn, thì những dòng tiền yếu ớt ban đầu đi vào thị trường sẽ sớm bị lấn át bởi áp lực bán ra. Vì vậy, nếu không có sự cải thiện thanh khoản nhờ hỗ trợ trực tiếp của các NHTƯ cho các tổ chức tài chính lớn trên khắp thế giới, thì dù lợi nhuận công ty tốt hơn và tâm lý nhà đầu tư có lạc quan hơn đến mấy cũng khó có thể kéo thị trường tăng nhanh như vậy.

Tuy nhiên, chính yếu tố thứ ba này cũng tiềm ẩn rủi ro cho các thị trường chứng khoán. Nếu các NHTƯ rút lại lượng thanh khoản này bằng cách bán ra trở lại các tài sản họ đã mua từ thị trường (như các loại trái phiếu và giấy tờ có giá khác), đóng lại các vị thế giao dịch repo và hạn mức hoán đổi để hỗ trợ thanh khoản (liquidity swap lines - điển hình là giao dịch của FED với các NHTƯ khác để hỗ trợ thanh khoản đô la Mỹ), thì thị trường lúc đó liệu có thể có đủ thanh khoản để tự đứng vững?

Đó là lý do vì sao thị trường chứng khoán các nước vui mừng tăng điểm mạnh sau khi kết quả họp G20 thống nhất là chưa rút lại các biện pháp kích thích kinh tế và chưa thắt chặt tiền tệ trở lại. Nếu rút lại các biện pháp này sớm thì e rằng nguồn thanh khoản trên thị trường sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời các công ty sẽ không thể duy trì lợi nhuận lạc quan nữa do thiếu hỗ trợ từ vĩ mô khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Nếu yếu tố thanh khoản và lợi nhuận bị ảnh hưởng do thiếu hỗ trợ từ chính sách kích thích kinh tế thì tất yếu tâm lý nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng và ba chuyển biến cơ bản tạo ra bức tranh hồi phục ấn tượng suốt nhiều tháng qua sẽ bị phá vỡ.

Vì vậy, khi các nước G20 chấp nhận duy trì các biện pháp hỗ trợ kinh tế, họ đã xác định mục tiêu trước mắt là khôi phục tăng trưởng kinh tế và gián tiếp hỗ trợ các thị trường tài chính. Tuy nhiên, bước đi này không phải không có sự đánh đổi. Họ đánh đổi rủi ro xảy ra lạm phát và duy trì nền tảng cho một bong bóng tài sản mới tiếp tục hình thành với mặt bằng lãi suất thấp và một lượng tiền lớn chảy trong nền kinh tế.

Như vậy, cũng có thể kể mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế trong trước mắt của các nước G20 là yếu tố thứ tư tạo ra sự tăng điểm của thị trường chứng khoán. Các nước này hy vọng họ sẽ kịp thời rút lại nguồn thanh khoản trong nền kinh tế trước khi nó tạo ra lạm phát cao và bong bóng tài sản quá lớn. Tuy nhiên, thế nào là “kịp thời” thì nhiều nhà kinh tế và phân tích vẫn còn tranh cãi và có lẽ họ vẫn chưa thể trả lời cho đến khi có tín hiệu rõ ràng hơn về nền kinh tế toàn cầu. Thắt chặt tiền tệ là kịp thời hay muộn màng phải chăng sẽ phụ thuộc vào vận may và năng lực của người điều hành chính sách từng nước?

Dubai World: hồi chuông báo động cuối năm hay chỉ là một tàn dư của cuộc khủng hoảng?

Khi người ta tưởng rằng năm 2009 sẽ kết thúc với những hy vọng về một nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi sau khủng hoảng và hệ thống tài chính sẽ tăng trưởng vững mạnh hơn trong năm sau, thì “sự kiện” Dubai World diễn ra. Nếu chỉ xét ở quy mô số nợ 59 tỉ đô la Mỹ của Dubai World đang nắm giữ, và những thông tin về việc sẽ có thể có nhiều hỗ trợ để cứu giúp tổ chức này, thì sự hoảng loạn của thị trường thế giới vào cuối tháng 11 có thể chỉ là những phản ứng thái quá với một trong những tàn dư của cuộc khủng hoảng. Không ít người tin rằng đây chỉ là một trong những vụ “lộn xộn” cuối cùng trước khi thị trường trở lại quỹ đạo “thẳng tiến”.

Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kỹ thì cũng có người sẽ lo ngại rằng không biết còn bao nhiêu công ty như vậy đang vật lộn trong những khó khăn phát sinh từ khủng hoảng và nếu vậy thì đây sẽ là hồi chuông đầu tiên cảnh giác các nhà đầu tư đừng quá lạc quan về diễn biến của thị trường tài chính năm sau. Ở vào thời điểm này, có thể còn quá sớm để nói rằng chúng ta đang hồi phục ở dạng hình nào, chữ V, U, hay W, trên thị trường tài chính và nền kinh tế. Các công ty làm ăn thận trọng sẽ vẫn còn phải giữ vị thế phòng thủ trong chiến lược của mình, vẫn phải chờ đợi tín hiệu rõ ràng từ nền kinh tế trước khi mở rộng kinh doanh trở lại.

Không biết còn bao nhiêu công ty như Dubai World với tham vọng làm giàu nhanh chóng nhờ xây dựng một vương quốc trên cát đang thiếu nợ các ngân hàng lớn? Và liệu có công ty nào như vậy ở Việt Nam hay không? Những chính sách hiện nay liệu đã ổn thỏa hoàn toàn để đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ suôn sẻ trong năm sau? Vì vậy, dù lạc quan về triển vọng của thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường cổ phiếu Việt Nam trong năm 2010, bản thân người viết vẫn tin rằng một chút thận trọng trong các chiến lược đầu tư khi bước vào năm mới là cần thiết.

Hồ Quốc Tuấn - Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   100 người giàu nhất sàn chứng khoán 2009 (31/12/2009)

>   Hud4 chốt danh sách tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2010 (31/12/2009)

>   Một góc nhìn về các cổ phiếu “lạ” (31/12/2009)

>   Dự báo Index từ nhóm cổ phiếu ngân hàng (31/12/2009)

>   Triển vọng kinh tế và TTCK năm 2010 (31/12/2009)

>   Đầu năm 2010 “cơn lốc màu xanh” tăng tốc?  (31/12/2009)

>   Cung bậc thị trường chứng khoán 2009 (31/12/2009)

>   20 quỹ đầu tư chứng khoán có tổng vốn 12.757 tỷ đồng (31/12/2009)

>   Cổ phiếu ngân hàng: Xa “ngôi vua”, nhưng đáng đầu tư (31/12/2009)

>   Chuyên gia chứng khoán lạc quan về năm 2010 (30/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật