Triển vọng kinh tế và TTCK năm 2010
Năm 2009, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hơn đa số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Chính sách vĩ mô được ban hành một cách nhanh chóng và mạnh mẽ của Chính phủ đã giúp nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.
Khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu trở nên trầm trọng, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng đảo ngược những chính sách thắt chặt tiền tệ đã đưa ra vào giữa năm 2008. Thực tế là, chỉ trong vòng vài tháng, lãi suất cơ bản đã giảm từ 14% xuống còn 7%. Gói kích thích tài khóa và tiền tệ trị giá tới 9 tỷ USD của Việt Nam kết hợp cả việc giảm thuế, chi tiêu chính phủ và hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho các DN được xem là một trong những biện pháp thúc đẩy kinh tế ấn tượng nhất của khu vực Đông Nam Á.
Những hành động kịp thời này của Chính phủ sẽ giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,2% trong năm nay, trong khi các nền kinh tế khác của khu vực phải đối mặt với tăng trưởng âm. Trong năm tới, Việt Nam được kỳ vọng là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại châu Á, với sự tăng trưởng chủ yếu đến từ ngành sản xuất công nghiệp nhờ vào kim ngạch xuất khẩu tăng lên, thương mại trong nước phát triển và đầu tư nước ngoài được cải thiện.
Nền kinh tế Việt Nam chạm đáy trong quý I khi công bố tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ đầu những năm 1990 (3,1%). Sang quý II, nền kinh tế bắt đầu xuất hiện dấu hiệu tích cực với GDP tăng trưởng ở mức 3,9% trước khi tăng tốc lên 4,6% trong quý III và đang trên đà để đạt được mục tiêu cả năm 5,2% của Chính phủ.
|
Sản lượng công nghiệp tăng 13% trong tháng 11 so với mức 2,4% tháng 3 và 7,6% trong tháng 7, nhờ vào chi phí vốn thấp và việc giảm thuế thu nhập DN. Giá trị sản xuất trong 11 tháng đầu tiên đạt 631,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2008. Mặc dù có những tín hiệu rất tích cực, mức tăng trưởng tổng thể chỉ đạt một nửa so với tỷ lệ 15,6% của 11 tháng đầu năm 2008. Giá trị gia tăng (VA) tiếp tục tăng với tỷ lệ giảm dần 2,4% trong nửa năm đầu (nửa đầu năm 2008 là 8,3%) so với tổng sản lượng (GO), do những biến động tiêu cực trong chi phí trung gian, sự phụ thuộc nặng nề về nguyên liệu nhập khẩu... Trước mắt, chúng tôi tin rằng, sản xuất công nghiệp sẽ là chìa khóa quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2010. Cùng với sự cải thiện từng bước của nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu chấp nhận rủi ro của NĐT nước ngoài tăng lên và thị trường trong nước tiếp tục phát triển, sản lượng công nghiệp, đặc biệt là từ khối DN tư nhân và đầu tư nước ngoài sẽ có sức bật tốt.
|
Ngành xây dựng có những chuyển biến vượt bậc với tốc độ tăng trưởng gần 10% trong 9 tháng đầu năm 2009, không xa lắm so với mức 12% hàng năm vào năm 2007. Ngành này sẽ đạt được mục tiêu tăng tăng trưởng 2 con số của Chính phủ đề ra cho cả năm, vì được tiếp cận với mức lãi suất cho vay ưu đãi, chi phí nguyên vật liệu xây dựng giảm đáng kể và sự hậu thuẫn lớn từ Chính phủ trong các dự án cơ sở hạ tầng.
Ngành dịch vụ tương đối ổn định trong quý III với mức tăng trưởng 6%, nhỉnh hơn mức 5,7% của quý trước. Ngành tài chính - ngân hàng và bảo hiểm tăng mạnh với tốc độ 8,1% trong quý III, cao hơn nhiều mức 6,4% của ba tháng trước đó và đã vượt mức trung bình 7% của năm 2008.
Hoạt động thương mại trong nước được giữ vững, doanh thu ngành bán lẻ tăng 18,6% trong năm nay, tương ứng với gần 1.200.000 tỷ đồng. Từ tháng 1, ngành bán lẻ phát triển với tốc độ tăng dần nếu xét cả tới yếu tố tăng giá - 10,8% trong 10 tháng đầu năm; 10,2% cho giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9; 8,8% trong 6 tháng đầu năm; 6% cho quý I. Điều này thể hiện sự lạc quan trong nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam. Cuộc khảo sát gần đây của MasterCard toàn cầu về chỉ số niềm tin người tiêu dùng cho thấy, Việt Nam đã vượt Ấn Độ để trở thành quốc gia lạc quan nhất trên thế giới. Sự phát triển tích cực của tiêu dùng cá nhân cũng có thể do việc miễn, giảm thuế cho cá nhân và DN, một phần của gói kích thích kinh tế (trị giá lên đến 1,6 tỷ USD).
|
Thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng vào hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu sẽ được cải thiện song song với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam vẫn còn là một trung tâm sản xuất thuận lợi, mang đến cho các NĐT nước ngoài nhiều lợi thế - dân số trẻ, chi phí thấp, lực lượng lao động năng động đi đôi với ổn định chính trị, cũng như mức cam kết và giải ngân FDI sẽ tăng trong năm 2010. Đồng thời, sự hồi phục kinh tế thế giới sẽ làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
…nhưng còn nhiều chông gai
Tuy nhiên, các biện pháp tài chính tiền tệ tập trung giải quyết sự sụt giảm ngắn hạn đã dẫn đến sự mất cân bằng liên quan đến vấn đề đầu cơ thái quá. Một số khoản vay từ các chương trình tài trợ lãi suất có vẻ như đã chạy vào TTCK và bất động sản, dẫn đến nguy cơ bong bóng tài sản và lạm phát tiềm ẩn. Điều này làm tăng tỷ lệ nợ xấu và nguy cơ phá sản, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay của NHTM. Thêm vào đó, gói kích thích kinh tế "hào phóng" đã tạo áp lực lớn lên cân đối thu chi ngân sách nhà nước vốn luôn trong tình trạng bội chi và dẫn tới việc tăng thâm hụt cán cân thương mại.
Tăng trưởng tín dụng trong năm 2009 đạt 37,7%, cao hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu của Chính phủ là 25 - 27%. Lạm phát chạm đáy vào tháng 8 năm nay (ở mức 1,97%), sau đó đã tăng mạnh trong 4 tháng vừa qua. Trong báo cáo gần đây nhất vào ngày 24/12, Tổng cục Thống kê công bố lạm phát sẽ là 6,52% tính đến cuối tháng 12 so với năm trước đó.
Nhu cầu nhập khẩu ngày càng lớn do tiêu thụ trong nước tăng mạnh (phần lớn bắt nguồn từ gói kích thích kinh tế) kết hợp với xuất khẩu vẫn còn thấp (do nhu cầu thế giới vẫn chưa tăng) ảnh hưởng xấu đến thâm hụt thương mại. Điều này cùng với nguồn vốn FDI giảm mạnh trong năm nay dẫn đến dự trữ ngoại hối co hẹp ở mức tương đương với khoảng hai tháng rưỡi nhập khẩu.
Tất cả những vấn đề trên đã gây nên áp lực giảm giá tiền đồng. Ngày 25/11, NHNN bất ngờ tăng lãi suất cơ bản thêm 1%, tăng tỷ giá liên ngân hàng và yêu cầu các ngân hàng kiểm soát hoạt động cho vay một cách cẩn trọng hơn.
Để thể hiện tính chủ động trong hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô, NHNN công bố giảm gói kích thích kinh tế (nhiều phần trong gói kích thích sẽ đứng lại). Ngày 23/12, NHNN công bố sẽ giới hạn tăng trưởng tín dụng năm 2010 xuống mức 25%. Đây có lẽ là biện pháp tiền tệ thắt chặt tín dụng tốt nhất trong việc kìm hãm nền kinh tế phát triển quá nóng. Trong khi đó, sự giảm giá của VND sẽ làm cho Việt Nam trong vai trò một nước xuất khẩu trở nên hấp dẫn hơn khi kinh tế toàn cầu phục hồi. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, điều này sẽ làm giảm giá trị tài sản của NĐT nước ngoài và có thể ảnh hưởng xấu đến giải ngân nguồn vốn và mức độ tiêu thụ cá nhân.
Những thách thức đối với Chính phủ vào năm 2010 là vừa tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế, song song với việc giảm những biện pháp kích thích tiền tệ và tài khoá để tránh một cuộc khủng hoảng liên quan đến phát triển nóng quá mức.
Sẵn sàng cho phát triển…
Với gói kích cầu của Chính phủ, chúng ta thấy TTCK đã tăng trưởng mạnh so với đáy vào tháng 3/2009 và tính thanh khoản đã tăng ở mức kỷ lục. VN-Index tăng từ mức 235 điểm lên 624 điểm giữa tháng 3 đến tháng 10, trước khi giảm 30% từ mức cao nhất. Trong vòng 2 tuần qua, thị trường đã tăng 15% so với mức thấp của ngày 17/12/2009.
Có thể còn sớm để nói rằng thị trường thực sự đảo chiều, do vẫn còn một số rủi ro ngắn hạn. Tuy nhiên, với bối cảnh nền kinh tế sẽ thực sự cải thiện trong năm 2010, chúng tôi cho rằng những yếu tố cơ bản này sẽ được phản ánh vào thị trường. Hơn nữa, một vài thay đổi tích cực sau khiến chúng ta tin tưởng vào triển vọng dài hạn của thị trường.
Thứ nhất, áp lực giải chấp có dấu hiệu giảm. Trong một vài tháng gần đây, khi VN-Index giảm mạnh, một phần khoản vay được đổ vào TTCK trước đó đã được loại bỏ. Thứ hai, khối lượng giao dịch đã tăng đáng kể trong các phiên gần đây so với giá trị trung bình. Thứ ba, VN-Index đang giao dịch ở mức giá hấp dẫn, 12 lần thu nhập dự báo của năm 2010. Điều này cho thấy rằng, thị trường Việt Nam rẻ hơn so với các TTCK trong khu vực hiện đang giao dịch ở mức giá gấp 15 lần thu nhập dự kiến của năm tới.
Thứ tư, năm nay lượng tiền đầu tư khối nước ngoài mua tương đối thấp so với các năm trước và chúng tôi tin tưởng rằng, với nhu cầu chấp nhận rủi ro quay trở lại, NĐT nước ngoài sẽ rời khỏi thiên đường an toàn của họ để đầu tư vào thị trường nhiều rủi ro hơn như Việt Nam. Cuối cùng, chứng khoán Việt Nam có tiềm năng lớn do vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Mức vốn hóa thị trường Việt Nam trên GDP hiện tại vẫn thấp hơn nhiều so với mức 52% tại Ấn Độ, 72% ở Trung Quốc, 95% ở Malaysia và trên 70% tại các thị trường châu Á phát triển khác. Vì vậy, để đạt được như những mức vốn hóa trên, TTCK Việt Nam sẽ phải tăng trưởng nhanh hơn GDP và sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội cho sự phát triển lâu dài.
Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Mê Kông
|