Dấu ấn thăng trầm của VN-Index trong năm 2009
Năm 2009 có thể nói là một năm mang đến những biến động bất ngờ cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Tấm gương phản chiếu rõ nét nhất hình ảnh thị trường chính là những dấu ấn thăng trầm của chỉ số VN-Index.
VN-Index xóa thành quả sau 4 năm
Những tháng đầu năm 2009, những phiên giao dịch u ám vẫn tiếp tục bị bao phủ thị trường chứng khoán Việt Nam. Hàng chục mã cổ phiếu niêm yết trên thị trường bị đưa vào diện bị kiểm soát do kết quả kinh doanh năm 2008 phát sinh âm.
Thời điểm đó, không một chuyên gia phân tích nào dám đưa ra các dự báo khẳng định mức đáy của thị trường. Thậm chí tới phiên 24/2, sau khi VN-Index kéo dài chuỗi giảm điểm 11 phiên liên tiếp về mức 235 điểm, đa phần các thành viên trên thị trường vẫn hồ nghi hành trình dò đáy vẫn chưa kết thúc.
Cuối cùng, mốc 235 điểm cũng đủ lực chặn đứng đà lao dốc không phanh của VN-Index. Tuy nhiên, đây cũng là mức đáy sâu nhất trong vòng 4 năm trước đó của chỉ số này.
Nhạy cảm với chính sách vĩ mô
Cơn bão tài chính toàn cầu 2008 gây tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Song với những biện pháp xử lý mạnh tay của Chính phủ đã có tác dụng mạnh trong việc kéo nền kinh tế thoát ra khỏi khó khăn.
Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm, dư âm của các biện pháp thặt chặt tiền tệ, siết lại nguồn tín dụng ngân hàng để chống lạm phát đã đẩy thị trường chứng khoán vào tâm chấn của sự suy thoái. Nhưng khi có thông tin Chính phủ ra quyết định “gói cứu trợ” giải cứu nền kinh tế, VN-Index đã chính thức thoát ra khỏi khủng hoảng. Sau đó suốt 8 tháng, VN-Index leo thẳng từ đáy 235 điểm lên đỉnh 624 điểm (22/10), tăng 393 điểm (tăng tương ứng 165,5% so với đáy).
Cuối tháng 10, những nội dung thảo luận về các chính sách điều tiết vĩ mô tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII đã tác động lên thị trường chứng khoán theo từng phiên giao dịch. Cùng với quyết định tăng lãi suất cơ bản, điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cho phù hợp với diễn biến chung của nền kinh tế đã bị thị trường hấp thụ một cách thái quá, khiến VN-Index quay đầu về mốc 434 điểm (phiên 17/12).
Kỷ lục về thanh khoản
Năm 2009 là năm báo chí trong lĩnh vực chứng khoán nhắc đến hai từ “kỷ lục” nhiều nhất. Đầu năm liên tiếp các kỷ lục xác lập đáy của VN-Index được phá. Giữa năm các kỷ lục về tính thanh khoản liên tục thay đổi theo đà tăng tưởng chừng không có điểm dừng của VN-Index. Cứ “sóng” sau khối lượng và giá trị giao dịch lại cao hơn “sóng” trước.
Ngày 23/12, tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh khối lượng giao dịch trong phiên lên tới con số 137 triệu chứng khoán, giá trị tương ứng đạt 6.452 tỷ đồng. Tiếp sức cho Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội xác lập con số kỷ lục 67 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng và giá trị tương ứng trên 3.049 tỷ đồng. Lần đầu tiên trong lịch sử chứng khoán Việt Nam dòng tiền mặt lên đến 9.500 tỷ đồng đổ vào thị trường trong cùng một phiên.
Thăng trầm cùng đòn bảy tài chính
Chưa bao giờ dịch vụ đòn bảy tài chính lại phát triển mạnh mẽ đến thế. Tất cả các khách hàng từ nhà đầu tư nhỏ đến nhà "đầu tư VIP" đều dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ đầu tư từ phía công ty chứng khoán như bảo lãnh thanh toán, cầm cố, hợp đồng hợp tác kinh doanh đầu tư chứng khoán niêm yết…
Thị trường lên đến cao điểm, đòn bảy tài chính càng được tăng cường. Có công ty chứng khoán đã cho khách nợ T+2 (đặt lệnh mua sau 2 hôm mới phải trả tiền) hay cung cấp tỷ lệ cho tín dụng lên đến 200%, 300% thậm chí là 400%...
Đa phần các chuyên gia trên thị trường cho rằng sự tăng trưởng của VN-Index thời kỳ vừa qua có sự ảnh hưởng rất lớn từ đòn bảy tài chính. Các công ty chứng khoán quá nhiệt tình trong việc khích lệ đầu tư khiến hoạt động sử dụng đòn bảy trở nên phổ biến.
Khi "quả bóng" VN-Index được thổi quá căng tất yếu sẽ phải xì hơi và sự lạm dụng đòn bảy tài chính sẽ chuyển thành sự phụ thuộc. Một khi đòn bảy bị giới hạn, áp lực tháo chạy sẽ dồn lên thị trường và đó cũng là nguyên nhân đẩy VN-Index trượt dốc với tốc độ kỷ lục trong lịch sử, chỉ trong vòng 40 phiên từ 23/10 đến 17/12, VN-Index xuống tới 190 điểm (tương ứng giảm 30% kể từ đỉnh)./.
Vietnam +
|