Nhật Bản rút bớt biện pháp kích thích kinh tế
Trước những dấu hiệu khả quan về tình hình sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến sẽ giảm bớt một số biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế.
Với mức giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tài khóa 2009-2010 khoảng 3,2% thay vì mức 3,4% như công bố trước đây, BoJ hy vọng, GDP của nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới này sẽ đạt mức tăng khoảng 1,5% trong tài khóa 2010-2011.
Không chỉ GDP có dấu hiệu tăng trưởng, các số liệu kinh tế mới đây cho thấy, thực trạng công ăn, việc làm ở Nhật Bản cũng được cải thiện. Cụ thể là tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản trong tháng 9 vừa qua đã giảm 0,2 điểm so với tháng 8 trước đó và giảm 0,4 điểm so với mức đỉnh hồi tháng 7/2009.
Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều dấu hiệu lạc quan hơn so với sáu tháng đầu năm 2009, BoJ dự định sẽ từng bước giảm dần các biện pháp khẩn cấp nhằm cứu nguy kinh tế đã được ngân hàng này tung ra từ cuối 2008. Theo kế hoạch, vào cuối tháng 12 tới, BoJ sẽ ngừng mua lại cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Biện pháp này đã được BoJ tiến hành trong hơn một năm qua, nhằm tiếp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất của Nhật.
Tuy nhiên, BoJ sẽ vẫn duy trì lãi suất chỉ đạo ở mức thấp (0,1%) để tiếp tục kích thích tiêu thụ và đầu tư. Ngoài ra, Nhật Bản cũng quyết định tạm đình chỉ tiến trình tư hữu hóa ngành bưu điện quốc gia cho dù quyết định này còn phải được Quốc hội thông qua.
Theo giới phân tích, mặc dù giới chức tài chính của Nhật cho rằng, hiện tượng giảm phát ít có khả năng làm phương hại đến đà tăng trưởng kinh tế, nhưng việc áp dụng các biện pháp trên là cần thiết trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng ở Nhật còn chưa ổn định, nguy cơ giảm phát có thể sẽ kéo dài đến năm 2012.
Cũng như Nhật Bản, kinh tế Mỹ (nền kinh tế lớn nhất thế giới) cũng tăng trưởng khá khả quan trong quý III năm nay.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, sau 4 quý liên tục tăng trưởng âm, GDP của Mỹ trong quý III/2009 đã đạt mức tăng khoảng 3,5%. Mức tăng này được coi là khả quan hơn dự báo của giới kinh tế và cho thấy kinh tế Mỹ đã thực sự thoát khỏi suy thoái. Tuy vậy, kinh tế Mỹ hiện vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn khi bội chi ngân sách lớn, tỷ lệ thất nghiệp cao (khoảng 9,8%)...
M.T
ĐẦU TƯ
|