Kinh tế Mỹ đã thực sự khả quan hơn?
(Vietstock) – Kinh tế Mỹ trong quý 3 được dự đoán tăng trưởng với tốc độ mạnh nhất kể từ mùa hè năm 1997. Tuy nhiên trên thực tế, bên cạnh một số tín hiệu khả quan, lại xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy tình hình đang diễn biến theo chiều hướng xấu hơn
1. GDP trở lại tăng trưởng mạnh
Tầm quan trọng: Các nhà kinh tế sử dụng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là một trong những số liệu cho biết nền kinh tế đang trong giai đoạn suy thoái hay tăng trưởng. Cuộc suy thoái năm 2008-2009 đã trở thành cuộc suy thoái dài nhất trong lịch sử. Đây cũng là lần đầu tiên nền kinh tế Mỹ suy giảm suốt 4 quý liên tiếp.
Kỳ vọng và thách thức: Nền kinh tế được dự đoán sẽ trở lại tăng trưởng trong quý 3 sau khi suy giảm tới 3.7% kể từ khi cuộc suy thoái nổ ra. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng chính các chương trình kích cầu của Chính phủ như “Đổi xe cũ lấy tiền mặt” là yếu tố đóng góp đáng kể cho đà tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, họ còn cảnh báo rằng đà phục hồi thực của nền kinh tế sẽ yếu ớt hơn so với những gì số liệu GDP cho thấy.
2. Thất nghiệp vẫn leo thang
Tầm quan trọng: Hàng tháng, nền kinh tế Mỹ vẫn cắt giảm hàng trăm ngàn việc làm. Mặc dù con số này đã sụt giảm đáng kể so với mức đỉnh điểm của cuộc suy thoái, nhưng theo các nhà kinh tế thì Mỹ chưa thể đạt được tốc độ phục hồi thực sự cho đến khi một số lượng việc làm ổn định được tạo ra hàng tháng.
Kỳ vọng và thách thức: Thường thì thị trường lao động luôn là lĩnh vực trì trệ nhất vào giai đoạn đầu của quá trình phục hồi kinh tế bởi các doanh nghiệp luôn chờ đợi cho đến khi nền kinh tế bộc lộ nhiều dấu hiệu phục hồi vững chắc rồi mới tuyển dụng trở lại. Thực sự mà nói thì nền kinh tế cần phải tiếp tục đi đúng hướng trước khi nghĩ đến chuyện tạo thêm công ăn việc làm. Được biết tỷ lệ thất nghiệp trong Tháng 9 vừa qua tăng mạnh hơn so với hồi Tháng 8.
3. Thị trường nhà đất hồi sinh chậm
Tầm quan trọng: Giá nhà ở thường được xem là thước đo sự giàu có của người tiêu dùng và tình trạng ổn định chung của ngành tài chính. Giá nhà tăng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thêm nguồn ngân quỹ để vay mượn và chi tiêu. Hơn nữa giá nhà tăng cho thấy giá trị danh mục đầu tư bất động sản của các tổ chức tài chính lớn cũng gia tăng. Điều này trên lý thuyết có thể giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn đệm để tiến hành hoạt động cho vay.
Kỳ vọng và thách thức: Giá nhà đã bắt đầu ổn định trở lại khi doanh số bán nhà gia tăng nhờ sự hỗ trợ của chương trình tín thuế cho người mua nhà theo Đạo luật phục hồi (Recovery Act). Theo như dự kiến, chương trình này sẽ hết hạn vào cuối Tháng 11 tới. Sau khi tăng lên tới con số 6.3 triệu trong suốt giai đoạn suy thoái, số nhà bị tịch thu do vỡ nợ bắt dầu giảm nhẹ trong hai tháng vừa qua. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cao hơn rất nhiều so với cách đây 2 năm.
4. Lạm phát tạm thời được chế ngự
Tầm quan trọng: Mức lạm phát vừa phải (từ 1-2%) là tốt đối với nền kinh tế vì điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng lương và việc làm. Mức lạm phát ngoài tầm kiểm soát là một điều hết sức nguy hiểm bởi lúc này đồng tiền bị mất giá nặng nề. Giảm phát cũng có mức độ nguy hiểm tương đương vì điều này thường khiến thất nghiệp leo thang nhưng lương bổng lại giảm sút.
Kỳ vọng và thách thức: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho rằng lạm phát cao không đem lại rủi ro cho nền kinh tế trong ngắn hạn. Hiện FED đang theo dõi giá cả hết sức sát sao để tìm kiếm các tín hiệu về thời kỳ giảm phát. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế số tiền khổng lồ mà Chính phủ chi tiêu cho các gói giải cứu ngân hàng và kích thích kinh tế sẽ khiến lạm phát leo thang liên tục và vượt khỏi tầm kiểm soát vào năm tới nếu phục hồi kinh tế không đi đôi với việc kiềm chế chi tiêu.
5. Lĩnh vực sản xuất tăng trưởng ảm đạm
Tầm quan trọng: Khi nhu cầu hàng hóa gia tăng, lĩnh vực sản xuất sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm, sản xuất ra nhiều sản phẩm và làm tăng lượng hàng lưu kho. Tất cả những nhân tố này đều tác động trực tiếp đên GDP và sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế.
Kỳ vọng và thách thức: Hoạt động sản xuất đã tăng trưởng trong quý 3 sau khi co lại 17/18 tháng liên tiếp vừa qua. Lượng dự trữ hàng hóa hiện trở thành vấn đề đáng quan tâm nhất, từ đó cho thấy lĩnh vực này sẽ tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, công suất hoạt động của các nhà máy chỉ ở vào khoảng 70%, dưới mức trung bình 11% điểm phần trăm. Các nhà kinh tế nhận định rằng các nhà sản xuất phải tận dụng tối đa công suất dư thừa của mình trước khi thuê công nhân trở lại.
6. Chi tiêu khả quan trong thận trọng
Tầm quan trọng: Chi tiêu cá nhân chiếm tới 70% GDP và là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khi lòng tin người tiêu dùng gia tăng tức họ sẽ chi tiêu nhiều hơn, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao công suất sản xuất và thuê thêm công nhân. Tuy nhiên, các động lực thúc đẩy nền kinh tế sẽ tạm ngưng khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao.
Kỳ vọng và thách thức: Chi tiêu tiêu dùng được dự đoán sẽ có cải thiện đáng kể trong quý 3 nhờ chương trình hỗ trợ đối với lĩnh vực ô tô và nhà ở của Chính phủ. Song người tiêu dùng vẫn còn rất thận trọng về nền kinh tế, đặc biệt là khi thất nghiệp tiếp tục leo thang. Dù ngành này vẫn được kỳ vọng tăng trưởng váo các quý tới, nhưng các nhà kinh tế tin rằng người Mỹ sẽ tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn trong ngắn hạn.
7. Thị trường chứng khoán phục hồi mạnh
Tầm quan trọng: Đa số các quỹ hưu trí, điển hình như kế hoạch 401(k) và IRAs tăng giảm dựa trên diễn biến gía cổ phiếu. Chứng khoán cũng được xem là một chỉ báo tương lai về sức khỏe của toàn bộ thị trường và nền kinh tế.
Kỳ vọng và thách thức: Thị trường chứng khoán đã gia tăng với tốc độ chóng mặt so với hồi Tháng 3 mặc dù nền kinh tế chỉ mới bộc lộ một số dấu hiệu phục hồi hết sức khiêm tốn. Các dự đoán về thị trường chứng khoán thật không đáng để tin cậy. Nhiều nhà phân tích cho rằng giá chứng khoán đã quá bị thổi phồng và thị trường đang hướng đến một đợt điều chỉnh.
8. Suy thoái dài nhất trong lịch sử
Tầm quan trọng: Suy thoái là một phần trong một chu kỳ kinh tế bình thường, nhưng lại gây ra những thiệt hại hết sức nặng nền lên doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một số cuộc suy thoái có tính chất nghiêm trọng cũng như diễn ra trong một thời gian rất dài, và đã xuất hiện nhiều cuộc tranh luận lớn về việc Chính phủ nên hành động như thế nào để làm giảm tác hại của suy thoái.
Kỳ vọng và thách thức: Đa số các nhà kinh tế tin tưởng rằng nền kinh tế cuối cùng cũng đang trong hành trình phục hồi, chấm dứt cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng khoảng. Tuy nhiên điều đó cũng không đồng nghĩa với việc mọi việc đang trở nên tốt đẹp hơn đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng – một đợt phục hồi xuất phát trong lòng của cuộc suy thoái.
· Là kế hoạch đầu tư do chủ đầu tư tài trợ cho phép cá nhân giữ lại khoản thu nhập hoãn thuế khi về hưu hoặc cho các trường hợp khẩn cấp. Kế hoạch 401 (k) do chủ đầu tư cung cấp là các khoản thuế riêng. Kế hoạch 403(b) do chủ đầu tư cung cấp không dành cho các tổ chức kinh doanh.
· Một số cơ quan quản trị quỹ 401(k) cho phép người có tiền đóng vào quỹ được vay để mua nhà trong những kế hoạch này. Các khoản vay này so với các kế hoạch 401k là nguồn chấp nhận được để dùng làm tiền trả trước một lần cho hầu hết các loại khoản vay.
· IRAs: Là viết tắt của chữ Individual Retirement Accounts (or Annuities, Arrangements), là tài khoản về hưu cá nhân. IRAs nói chung có thể bao gồm 401k (nếu được tài trợ bởi hãng làm việc), Traditional IRA, Roth IRA, SEP IRA, SIMPLE plans, 403(b), 412(i), v..v | |
Phạm Thị Phước (Theo CNN Money)
|