Trung Quốc: Tăng xuất khẩu nhờ khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên thế giới quan tâm hơn đến giá cả. Đó cũng chính là cơ hội để Trung Quốc, “nhà máy” sản xuất hàng giá rẻ của thế giới, tăng thị phần xuất khẩu và củng cố vị trí của mình trên thương trường quốc tế…
Trong nửa đầu năm 2009, Trung Quốc xuất khẩu 521 tỉ đô la Mỹ giá trị quần áo, đồ chơi, đồ điện tử, ngũ cốc và các loại hàng hóa khác sang các nước trên thế giới. Tuy giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đó cũng là một thành tích đáng kể so với các nước xuất khẩu hàng đầu khác.
Với kết quả này, Trung Quốc đã vượt qua Đức - bị giảm kim ngạch xuất khẩu 34% trong cùng giai đoạn này - để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Xuất khẩu của Nhật và Mỹ cũng giảm tương ứng, 37% và 24%, trong nửa đầu năm nay, theo số liệu của Dịch vụ Thông tin thương mại toàn cầu (GTIS).
Hiện nay, Trung Quốc đang đẩy mạnh thương mại với Mỹ và châu Âu và đe dọa lấy đi thị phần của các nước khác đang xuất khẩu vào những thị trường này.
Trung Quốc đã thay thế Canada để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Mỹ. Trong tám tháng đầu năm nay, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 19% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, tăng từ tỷ lệ 15% của năm 2008; trong khi đó, tỷ lệ xuất khẩu của Canada vào Mỹ giảm từ 17% xuống 14,5%.
Nhật cũng đang bị mất thị trường Mỹ về tay Trung Quốc tương tự như Canada. Năm 1999, nhập khẩu hàng điện tử từ Nhật chiếm 18% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng điện tử của Mỹ nhưng hiện nay tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 7%.
“Trung Quốc đang giành được miếng lớn hơn của một cái bánh đang bị teo dần”, nói theo ngôn ngữ của giới quan sát.
Thương mại thế giới đã bị suy giảm mạnh trong năm nay do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Kết quả là nhu cầu hàng giá rẻ đang lên và Trung Quốc đã đón lấy cơ hội này để mở rộng thị phần bằng cách giảm giá bán hàng hóa.
Bên cạnh việc tăng trưởng thị phần xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc cũng đang gia tăng khối lượng xuất khẩu tính theo giá trị tuyệt đối ở nhiều nhóm mặt hàng. Chẳng hạn, ở nhóm hàng may mặc, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã tăng 10% trong tháng 7 năm nay, trong khi nhập khẩu của Mỹ từ Mexico, Honduras, Guatemala và El Salvador đã giảm 19-24% đối với mỗi nước, theo số liệu GTIS.
Một lý do khiến cho hàng Trung Quốc “lấn sân” hàng hóa từ các nước khác trên các thị trường xuất khẩu chủ lực là các nhà sản xuất ở nước này có khả năng hạ thấp rất nhanh giá bán hàng hóa bằng cách cắt giảm lương và các chi phí khác ở những vùng sản xuất vốn chủ yếu sử dụng lực lượng lao động nhập cư.
“Người mua, nhất là người mua ở Mỹ, ngày càng đòi hỏi hơn và yêu cầu chúng tôi phải giảm giá bán. Họ chỉ trả 2,85 đô la Mỹ cho một chiếc quần jean trong khi giá hợp lý là 7 đô la Mỹ”, bà Liêu Nguyên (Liao Yuan), Trưởng phòng Thương mại quốc tế của Công ty May mặc Trường Vinh (Changrun), giải thích.
Theo các nhà phân tích, do Trung Quốc sản xuất nhiều mặt hàng giá rẻ và hàng thiết yếu nên xuất khẩu của nước này vẫn “sống khỏe” trong thời khủng hoảng. Họ gọi đó là hiện tượng “Giá Trung Quốc” và khó có nước nào có thể theo kịp nước này trong cuộc đua về giá.
“Trung Quốc có một lợi thế rất lớn và họ có khả năng thích nghi rất nhanh với những thay đổi của thị trường. Họ rất linh hoạt trong việc sử dụng lao động. Và hiện nay người tiêu dùng đang có xu hướng hy sinh chất lượng cho giá cả. Tất cả điều này đang làm cho Trung Quốc có lợi từ khủng hoảng”, Nicholas R. Lardy, một nhà kinh tế của Viện Kinh tế quốc tế Peterson Institute ở Washington, nhận định.
Mặt khác, việc nhiều nước trên thế giới bãi bỏ cơ chế hạn ngạch cho ngành dệt may từ đầu năm nay cũng tạo điều kiện cho Trung Quốc thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường thế giới. Thêm vào đó là sự hỗ trợ quan trọng của Chính phủ Trung Quốc đối với lĩnh vực xuất khẩu. Nổi bật trong số những chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc là việc giữ cho đồng nhân dân tệ luôn yếu so với đồng đô la Mỹ, đồng thời trợ cấp cho các nhà xuất khẩu dưới hình thức giảm thuế và cho vay hỗ trợ xuất khẩu với lãi suất ưu đãi thông qua các ngân hàng thương mại quốc doanh.
Nhất Nguyên
TBKTSG Online
|