Kinh tế Trung Quốc phục hồi ấn tượng
GDP của Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ mạnh nhất trong vòng một năm trở lại đây, nhờ hoạt động kích cầu của Chính phủ nước này và mức độ tăng trưởng tín dụng kỷ lục.
Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang là quốc gia đi đầu đưa kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái.
Theo số liệu do Cơ quan Thống kê Nhà nước Trung Quốc công bố ngày 22/10 tại Bắc Kinh, kinh tế nước này trong quý 3 đã tăng trưởng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái, suýt soát mức dự báo 9% trước đó của giới quan sát.
Các báo cáo công bố cùng ngày cũng cho thấy các hoạt động sản xuất công nghiệp và bán lẻ của Trung Quốc tiếp tục tăng tốc trong tháng 9.
Trong đó, doanh số thị trường ôtô tăng mạnh đã giúp sản xuất công nghiệp tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Hãng xe ngoại lớn nhất tại Trung Quốc là Volkswagen của Đức đã đạt mức doanh số kỷ lục 150.000 xe tại thị trường Trung Quốc trong tháng 9.
Doanh số thị trường bán lẻ Trung Quốc tháng 9 đạt mức tăng ấn tượng 15,5%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm chậm nhất so với cùng kỳ kể từ tháng 2 trở lại đây, và tăng 0,4% so với tháng 8. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tại Trung Quốc tháng 9 giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tại một cuộc họp báo diễn ra tại Bắc Kinh ngày 22/10, Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc cường nhận định, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay. Trong 9 tháng đầu năm 2009, GDP của Trung Quốc đã tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi đầy khả quan này của kinh tế Trung Quốc là kết quả của gói kích thích kinh tế gần 600 tỷ USD, cộng thêm lượng vốn vay cấp mới lên tới con số kỷ lục 1.270 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Ngoài ra, việc đồng Nhân dân tệ ngừng lên giá so với USD từ tháng 7 năm ngoái tới nay cũng hỗ trợ tích cực cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Hiện kim ngạch xuất khẩu của nước này đã giảm tháng thứ 11 liên tiếp, nhưng tốc độ giảm đang dần được hãm lại.
Những bước tiến của kinh tế Trung Quốc đang hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Chính phủ Nhật Bản sáng 22/10 cho hay, tốc độ đi xuống của lĩnh vực xuất khẩu nước này trong tháng 9 đã chậm lại, nhờ tốc độ suy giảm kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm một nửa so với tháng 8.
Số liệu GDP của Trung Quốc tiếp tục khẳng định vai trò nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới của nước này. Giới phân tích dự báo, trong quý 3, kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 3,1%.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, những số liệu này sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tính tới các biện pháp thắt chặt tài khóa và tiền tệ mà không ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng.
Ông Qin Xiao, Chủ tịch ngân hàng lớn thứ 5 của Trung Quốc về giá trị vốn hóa thị trường China Merchants Bank, mới đây nhận định, Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ hình thành các bong bóng tài sản.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng, việc duy trì quá lâu các biện pháp kích cầu gây ra nhiều rủi ro, trong đó một lượng tiền lớn được đổ vào thị trường chứng khoán và nhà đất, tác động tiêu cực tới chất lượng tài sản của các ngân hàng và châm ngòi cho lạm phát. Từ đầu năm tới nay, chỉ số SCI của thị trường chứng khoán Thượng Hải đã tăng 73%.
"Biện pháp can thiệp khẩn cấp của Chính phủ Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng đã được thực hiện rất nhanh chóng và rất thành công. Vấn đề hiện nay là nền kinh tế có thể chịu các biện pháp kích thích bao lâu, và khi nào là thời điểm để rút lui khỏi các chính sách này", chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Trung Quốc Yolanda Fernandez Lommen phát biểu.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố duy trì các biện pháp kích cầu, dù kinh tế nước này trong 9 tháng đầu năm đã đạt tốc độ tăng trưởng vượt kỳ vọng. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng ra dấu cho thấy, sắp tới, những mối lo lạm phát sẽ đóng vai trò ngày càng trọng tâm trong công tác hoạch định chính sách.
"Trọng tâm chính sách trong vài tháng tới là cân bằng giữa sự cần thiết phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và nhanh tương đối, với nhu cầu điều chính cấu trúc kinh tế, cũng như nhu cầu kiểm soát tốt hơn những kỳ vọng lạm phát", Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết trong một tài liệu công bố ngày 21/10.
Các nhà phân tích cho rằng, như vậy, Trung Quốc có thể sẽ tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian sắp tới, trong đó có khả năng sẽ áp dụng biện pháp tăng dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng.
Mặc dù vậy, cũng có những ý kiến cho rằng, Trung Quốc sẽ không sớm kết thúc các biện pháp kích cầu. "Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc dựa nhiều trên hoạt động tín dụng và đầu tư cơ sở hạ tầng chứ không phải dựa trên xuất khẩu. Xuất khẩu của Trung Quốc vẫn còn yếu", chuyên gia kinh tế Alaistair Chan thuộc hãng nghiên cứu Moody's Economy.com tại Sydney nhận xét.
Kiều Oanh (Theo Bloomberg)
TBKTVN
|