Khủng hoảng, cơ hội cho kinh tế Trung Quốc
Cách đây một năm, chính phủ các nước giàu nhất thế giới đã cứu kinh tế toàn cầu khỏi sự đổ vỡ dây chuyền.
Mùa thu năm 2008, ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ phá sản, hãng bảo hiểm khổng lồ AIG ngấp nghé miệng vực, bảng cân đối kế toán của hàng loạt nhà băng hàng đầu thế giới rực đỏ… Khi đó, các dòng chảy tín dụng trên phạm vi toàn cầu đóng băng, các giao dịch thương mại cũng thiếu chút nữa thì rơi vào ngưng trệ.
Sau đó, bắt đầu từ Mỹ lan sang các nước khác, một loạt động thái vô tiền khoáng hậu được tung ra, bao gồm các vụ giải cứu nhà băng, các gói cứu trợ khổng lồ, các chương trình kích cầu kinh tế, chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ… Sẽ là công bằng nếu cho rằng, những biện pháp này đã cứu kinh tế thế giới khỏi sự lặp lại của Đại suy thoái. Nhưng cuộc khủng hoảng vẫn kéo theo nó một giai đoạn suy thoái có tác động tiêu cực tới mọi quốc gia trên thế giới.
Đó là câu chuyện của năm 2008.
Tới năm 2009, gây ngạc nhiên lớn nhất lại là sự vững vàng của những nền kinh tế mới nổi lớn nhất như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, với nhịp độ tăng trưởng tốt được duy trì tại các quốc gia này. Đáng chú ý, kinh tế Trung Quốc dường như còn mạnh lên từ sau lần suy thoái này.
Theo dự báo, kinh tế Trung Quốc có thể đạt tốc độ tăng trưởng 8,5% trong năm nay. Xuất khẩu của nước này cũng đã phục hồi về mức của đầu năm 2008, trong khi dự trữ ngoại hối đạt mức cao chưa từng có: 2.300 tỷ USD. Chương trình kích cầu của Chính phủ Trung Quốc tạo ra một giai đoạn mới và mạnh mẽ trong hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước này.
Những thành công này xuất phát phần nhiều từ chính sách của Chính phủ Trung Quốc. “Chính phủ các nước đều đã phản ứng mạnh với khủng hoảng để bảo vệ những điểm yếu trong nền kinh tế của mình. Nhưng Trung Quốc đã tận dụng lần khủng hoảng này để đưa nền kinh tế của mình tiến xa hơn”, ông Charles Kaye, Giám đốc của công ty đầu tư cổ phần tư nhân Warburg Pincus, một người từng sống nhiều năm ở Hồng Kông, nhận xét.
Khách quan mà nói, Trung Quốc là quốc gia đã được nhiều từ lần khủng hoảng toàn cầu này.
Hầu hết mọi quốc gia phương Tây bước vào lần khủng hoảng này với rất ít sự chuẩn bị. Chính phủ các nước này đã chi tiêu quá nhiều và chịu mức thâm hụt ngân sách cao nên khi họ phải tăng chi tiêu để cứu kinh tế, thâm hụt càng phình ra tới mức đáng ngại.
Cách đây 3 năm, các nước châu Âu phải giảm thâm hụt ngân sách về mức dưới 3% GDP mới đủ tiêu chuẩn gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Năm tới, nhiều nước ở khu vực này có mức thâm hụt dự kiến lên tới 8% GDP.
Tại Mỹ, mức thâm hụt tính theo tỷ lệ % so với GDP đã lên tới mức cao nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai tới nay.
Trong khi đó, Trung Quốc bước vào cuộc khủng hoảng này với một vị thế hoàn toàn khác. Nước này có thặng dư ngân sách và trước đó đã tăng lãi suất để hạ nhiệt tăng trưởng. Các ngân hàng của Trung Quốc cũng đã hạn chế cho vay tiêu dùng và ghìm bớt tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Bởi vậy, khi khủng hoảng gõ cửa, Chính phủ Trung Quốc có thể áp dụng các chính sách thông thường để kích thích tăng trưởng trở lại, như hạ lãi suất, tăng chi tiêu chính phủ, nới lỏng tín dụng, kích thích người tiêu dùng chi tiêu…
Gói kích thích kinh tế của Trung Quốc cũng không giống như các gói kích thích kinh tế của các nước phương Tây.
Phần lớn gói kích cầu của Chính phủ Mỹ tập trung vào hoạt động tiêu dùng, dưới dạng trợ cấp, chăm sóc y tế… Trong khi đó, gói kích cầu của Trung Quốc ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Trong thập kỷ trước, Trung Quốc đã xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại cho các thành phố lớn nhất của mình, tới nay, họ sẽ xây cơ sở hạ tầng tương tự cho các thành phố nhỏ hơn.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ chi 200 tỷ USD để xây dựng và nâng cấp các tuyến đường sắt trong 2 năm tới, phần lớn là các tuyến cao tốc. Trong đó, tuyến đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh và Thượng Hải sẽ giúp giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố này từ mức 10 giờ xuống còn 4 giờ. Trong khi đó, nước Mỹ chỉ quyết định chi chưa đầy 20 tỷ USD cho hơn chục dự án cơ sở hạ tầng.
Không chỉ đầu tư vào đường sắt, Trung Quốc còn sẽ làm thêm 44.000 dặm đường mới và xây thêm 100 sân bay mới trong thập kỷ tới đây. Về lĩnh vực vận tải biển, Trung Quốc đã trở thành nước đứng đầu thế giới, với hai trong số ba cảng lớn nhất thế giới nằm tại Thượng Hải và Hồng Kông.
Trung Quốc cũng nhận thức rõ ràng được sự phụ thuộc của mình vào nguồn dầu lửa nhập khẩu và đẩy mạnh các biện pháp để giảm bớt sự phụ thuộc này. So với Mỹ, Trung Quốc đang đầu tư mạnh hơn vào các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và công nghệ pin.
Một cuộc điều tra của ngân hàng đầu tư Lazard Freres cho thấy, trong số 10 công ty hàng đầu thế giới về giá trị vốn hóa thị trường trong 3 lĩnh vực này, thì có tới 4 công ty là của Trung Quốc và chỉ có 3 công ty là của Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào lĩnh vực giáo dục sau đại học.
“Trong một thập kỷ qua, kinh tế Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng chưa từng có, khiến nhiều nhà phân tích phương Tây dự báo sự tăng trưởng đó không bền vững. Nhưng giờ đây, kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ từ khủng hoảng, và tất cả những gì mà các nhà phân tích có thể bàn chỉ là, bao giờ thì kinh tế Trung Quốc dừng lại”, ông Zachary Karabell, tác giả cuốn sách Superfusion về kinh tế Mỹ và Trung Quốc, nhận xét.
Có lẽ, đã đến lúc thế giới nên thôi nghĩ về chuyện khi nào kinh tế Trung Quốc suy yếu, mà cần bắt đầu tìm hiểu và thích nghi với sự thành công của nền kinh tế này.
Mai Phương (Theo Newsweek)
TBKTVN
|