Thứ Tư, 11/11/2009 11:02

Chính sách của Trung Quốc có tiếp tục tạo ra khủng hoảng?

Một tâm điểm trong chuyến công du của Obama tới Trung Quốc là sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Nhưng vấn đề lại đang nằm ở phía Trung Quốc.

Chỉ trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra, các đại sảnh hội thảo ở Trung Quốc vẫn còn nhan nhản hùng biện về cải cách kinh tế. Hầu như không có một tuần nào trôi qua mà không có một vài bộ hay nhóm chuyên gia cố vấn ở Bắc Kinh mừng kỷ niệm 30 năm cải cách mở cửa ra thế giới và phác thảo giai đoạn phát triển lịch sử kế tiếp của Trung Quốc. Vào thời điểm khi mà các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách ở mọi nơi đang chỉ trích sự “chênh lệch kinh tế toàn cầu”, Trung Quốc sẽ cố gắng hết sức để cân đối chúng.

Điều đó có nghĩa là giải quyết vấn đề đó ngay từ gốc rễ. Trong khi Mỹ tiết kiệm quá ít mà lại tiêu thụ quá nhiều, còn Trung Quốc thì tiết kiệm nhiều mà tiêu thụ quá ít. Kết quả là cán cân thương mại quốc tế mất cân đối. Trung Quốc đạt mức thặng dư báo cáo khổng lồ - đỉnh cao  là 10% GDP trong nửa đầu năm 2008 - và  kết quả là có được một khối lượng ngoại tệ khổng lồ, lượng tiền này được quay vòng rồi cho vay, hầu hết là cho Chính phủ Mỹ vay, điều này có thể giúp người Mỹ tiếp tục vay mượn và chi tiêu. Các nhà hoạch định chính sách nói rằng Trung Quốc đã dự định phá vỡ chu kỳ không lành mạnh này.

Một điều không vui vẻ gì đã xảy ra trên con đường lấy lại cân bằng: cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại Khủng hoảng. Trung Quốc phản ứng với sự sụt giảm nhanh chóng trong sản xuất và xuất khẩu đã mang lại kết quả. Khoản kích cầu chính phủ và nới lỏng tín dụng đã thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đất nước đạt 8,9% ở mức 3/4, và Chỉ số Quản lý Mua sắm (PMI) gần đây nhất, chỉ số theo dõi biên độ tăng trưởng kinh tế công bố vào hôm 30/10 vừa qua, tăng liên tục đến tháng thứ tám. Nó cho thấy “sự mở rộng liên tục về hoạt động công nghiệp”. Ông Jing Ulrich, Giám đốc Điều hành thuộc JP Morgan ở Hồng kông cho biết.

Cùng lúc đó, quan hệ kinh tế Trung - Mỹ không mất cân xứng như một năm trước đó. Tỷ lệ tiết kiệm Mỹ tăng khoảng 4% của GDP (từ số 0 vào thời điểm khủng hoảng), và thặng dư kê khai lúc đó của Trung Quốc giảm từ 10% xuống còn khoảng 6,5% của GDP. Cả hai đang cải thiện với hai nguyên nhân giống nhau: người tiêu dùng mệt mỏi ở Mỹ, nơi tỷ lệ thất nghiệp là 9,8% và đang tăng lên, đã thắt chặt “hầu bao” chật hẹp của họ. Và giờ họ đang bắt đầu tiết kiệm cho những ngày thiếu thốn.

Theo nhiều nhà kinh tế học, chính là sự cân bằng ở phía Trung Quốc chưa được giải quyết. Không những không thực hiện lời hứa về việc cải cách cơ cấu cần thiết, trong năm qua, Trung Quốc đã dậm chân tại chỗ hoặc thậm chí còn thụt lùi trong việc thay đổi nền kinh tế của họ theo hướng tiêu dùng và xa rời tiết kiệm và đầu tư.

Một tâm điểm của chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Trung Quốc vào 15/11, là vấn đề tỷ giá hối đoái đồng Nhân Dân tệ (RMB). Sau khi cho phép đồng Nhân Dân tệ tăng giá trị so với đồng đôla khoảng 15% hồi đầu thập kỷ này, từ khi cuộc khủng hoảng lan rộng, Trung Quốc đã giữ vững trị giá RMB ở mức 6,8 Nhân Dân tệ bằng 1 đôla. Các nhà kinh tế học có đánh giá khác nhau về giá trị thấp của RMB so với đôla. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới cho rằng đồng RMB có giá trị thấp hơn 15-25% giá trị thực nếu được thả nổi. Nhưng hầu như tất cả đều đồng ý rằng đồng Nhân Dân tệ cần tăng giá hơn so với đồng đôla, cả hai đều vì lợi ích cho Trung Quốc và đối tác thương mại của Trung Quốc.

Tỷ giá thấp làm giảm thu nhập gia đình thực tế ở Trung Quốc bởi phải tăng chi phí nhập khẩu trong nước để hỗ trợ cho các nhà sản xuất Trung Quốc bán sản phẩm ra nước ngoài. Khi đồng đôla giảm giá vào năm ngoái, tỷ giá RMB thấp khiến hàng hoá Trung Quốc rẻ hơn trên thương trường quốc tế. Nói cách khác, sự kiềm chế của Trung Quốc đã giúp nước này duy trì một phần thị trường xuất khẩu toàn cầu trong khi những nước thả nổi tiền tệ lại chịu thiệt hại.

Đáng ngại đối với Bắc Kinh, tỷ giá của RMB có thể là một trong ít điều mà các tầng lớp chính trị gia Mỹ có được sự thống nhất. Gần đây, Paul Krugman, nhà kinh tế học đạt giải Nobel đồng thời là người viết bình luận cho tờ New York Times đã viết một bài báo lột trần Bắc Kinh về chính sách tiền tệ “thái quá” của họ. Tiếp theo ông là Martin Feldstein, một cựu cố vấn kinh tế hàng đầu của Ronald Reagan, người cũng có lập luận tương tự trong một trang của tờ Financial Times. Cả hai đều lưu ý rằng tỷ giá ấn định RMB - đôla làm tổn hại các nền kinh tế châu Âu và Đông Á, và nếu Tổng thống Obama đề xuất vấn đề này ở Bắc Kinh, ông sẽ có nhiều hậu thuẫn ngầm.

Bắc Kinh có quan tâm tới việc này không? Khi đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đã làm mọi cách một cách tuyệt vọng để tránh cho nền kinh tế của họ rơi vào suy thoái như các nước phát triển. Họ đã ném một lượng tiền lớn vào các ngân hàng nhà nước để cho các công ty nhà nước thuộc các ngành công nghiệp khác nhau nhà nước vay. Hiện chính phủ nước này đã có sự thay đổi hoàn toàn  và thừa nhận rằng cơn sốt cho vay ngân hàng – vào tháng Sáu năm nay tổng số cho vay đã vượt cả năm 2008 - đã không giúp lấy lại được cân bằng giữa nhà sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế Trung Quốc. Thực tế, nó dẫn đến kết quả ngược lại: cuối tháng qua, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Nhà nước, một tổ chức hoạch định chính sách quan trọng, đã thừa nhận họ phải tiến hành những nguyên tắc nhằm cắt giảm tình trạng sản xuất quá tải ở một vài ngành công nghiệp chủ chốt trong đó có công nghiệp thép và hoá dầu.

Không chỉ riêng việc cho vay ngân hàng bừa bãi đó đã kìm hãm những bước chuyển biến hướng tới sự cân bằng. Toàn bộ tiền trợ cấp của chính phủ cho kinh doanh đã tăng lên trong 12 tháng qua. Các ngành nghề từ nhà sản xuất xe đạp đến sản xuất tơ lụa, đến các công ty hoá chất đã tính đến gia tăng trợ cấp xuất khẩu bởi thị trường thế giới của họ đang co lại, và Bắc Kinh đang hoang mang trước nguy cơ thất nghiệp hàng loạt nếu các nhà máy này đóng cửa.

“Bằng việc chuyển tài sản từ các hộ gia đình sang cho việc thúc đẩy lợi nhuận của các nhà sản xuất, Trung Quốc khó lòng có thể gia tăng tiêu dùng cùng với sự tăng trưởng GDP”, Michael Pettis, một giáo sư tài chính của khoa quản lý Guanghua tại trường Đại học Bắc Kinh cho biết. Thực vậy, tuy Trung Quốc cũng đang trợ cấp một số mặt hàng tiêu dùng và bán lẻ ở Trung Quốc tăng gần 15% trong chín tháng đầu năm 2009, nhưng tỷ lệ tiêu dùng trong GDP hiện nay vẫn bằng đúng 1 năm trước, chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế Trung Quốc.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Ben Bernanke, từ lâu đã cho rằng sự mất cân đối giữa Mỹ và Trung Quốc góp phần vào sự suy sụp tài chính của nền kinh tế toàn cầu. Sự tiết kiệm quá mức của Trung Quốc đang cần nơi để xả, và Mỹ luôn sẵn sàng vay mượn khoản tiết kiệm đó. Hôm 19/10, ông Bernanke đã có một bài phát biểu cho rằng khi tiết kiệm cá nhân ở Mỹ đang tăng lên, chính phủ cũng phải quản lý tốt hơn chi tiêu của mình. Sau đó ông nhấn mạnh: “Các chính sách khuyến khích tiết kiệm nội địa và sản xuất hàng hoá xuất khẩu một cách giả tạo” phải được điều chỉnh lại “để giảm rủi ro mất ổn định tài chính”.

Thông điệp đó nhằm vào Bắc Kinh. Nó sẽ được củng cố thêm khi Obama đến Trung Quốc trong hai tuần. Câu hỏi duy nhất là ai trong số nhà lãnh đạo Trung Quốc - những người vẫn tin vào sự kỳ diệu của nền kinh tế của họ trong năm qua -  có muốn lắng nghe?

Quốc Toản (Theo Time)

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   "Giấc mơ" chưa thành của châu Á (11/11/2009)

>   Mỹ: Thâm hụt thương mại nới rộng, nhập khẩu tăng (09/11/2009)

>   IMF: Cần tiếp tục gói kích thích để hỗ trợ hồi phục (09/11/2009)

>   Chính phủ Nhật sẽ cứu trợ hãng Japan Airlines (09/11/2009)

>   APEC thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế (09/11/2009)

>   Mỹ giảm thuế cho dân mua nhà (09/11/2009)

>   G-20 duy trì gói kích thích kinh tế 1.000 tỷ USD (08/11/2009)

>   Năm 2010: Châu Á động lực đưa thế giới thoát khủng hoảng (08/11/2009)

>   G-20 bàn về chính sách kinh tế hậu khủng hoảng (07/11/2009)

>   Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tăng đột biến lên 10.2% (06/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật