Chủ Nhật, 08/11/2009 08:30

Năm 2010: Châu Á động lực đưa thế giới thoát khủng hoảng

Trong báo cáo Triển vọng nền kinh tế toàn cầu 2009 - 2010, công bố giữa tuần qua, Trung tâm Nghiên cứu khoa học kinh tế (OFCE) có trụ sở tại Pari dự báo sau khi giảm 1,3% trong năm nay, GDP của thế giới sẽ tăng 3,1% trong năm 2010.

Trong khi đó, theo tờ “Dân tộc” của Thái lan, châu Á là khu vực có khả năng thích ứng khá linh động với những biến động để phát triển thời gian qua với các nền kinh tế lớn đang phát triển tại châu Á (LADC) như Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Việt Nam và ở mức độ thấp hơn là Philippin đã tránh rơi vào khủng hoảng, đồng thời duy trì được đà tăng trưởng tương đối ấn tượng.

Kinh tế của các nước đang phát triển ở châu lục này đã vượt qua được tình trạng khó khăn nhờ bài học sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, các nền kinh tế đó đã trải qua quá trình chuyển đổi sâu rộng và mang tính hệ thống về cơ cấu hoạt động, giúp họ có sức mạnh mới về mặt cơ cấu tổ chức. Chính phủ LADC đã giảm bớt áp dụng chính sách can thiệp trong ngành công nghiệp, ngừng “hà hơi tiếp sức” cho các công ty hay tổ chức làm ăn kém hiệu quả, trong khi cải thiện đáng kể công tác điều hành và quản lý doanh nghiệp. Đồng thời nhu cầu chi tiêu tiêu dùng và đầu tư mạnh mẽ trong nước đã giúp LADC giảm thiểu được những tác động tiêu cực của tình trạng xuất khẩu bị bóp nghẹt bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Tại Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2009, doanh số bán lẻ đã tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong lúc ở Inđônêxia, chi tiêu của khu vực tư nhân tăng 6% và 4,8% trong quý I và quý II/2009. Xu hướng nhu cầu chi tiêu nội địa gia tăng tại LADC được coi là yếu tố quan trọng giống như là động lực giúp thúc đẩy kinh tế khu vực và kinh tế thế giới những năm tới. Báo cáo đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2010 lên 3,1%, thay vì 2,5% như ước tính hồi tháng 7/2009. Theo IMF, kinh tế toàn cầu bắt đầu tăng trưởng trở lại nhờ các điều kiện tài chính cải thiện rõ rệt và sự phục hồi sẽ dựa chủ yếu vào những thành tích vững chắc của các nền kinh tế châu Á, bởi khu vực này đối phó với khủng hoảng tài chính tốt hơn so với dự kiến.

IMF nói rõ trong năm 2010, các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng trưởng mạnh hơn với tốc độ trên 5%, trong khi con số này của các nước phát triển là 1,3%. Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á ước đạt 7,3%, so với 1,5% của Mỹ, 1,7% của Nhật Bản và 0,3% của khu vực đồng euro (Eurozone). Với tỉ lệ 9%. Trung Quốc sẽ là nước “vô địch thế giới” về tăng trưởng kinh tế trong năm tới, tiếp theo là Ấn Độ (6,4%), còn cuối danh sách là Đức (0,3%) và Italia (0,2%). Tính riêng khu vực châu Âu, kinh tế Anh dự báo sẽ cùng với Pháp dẫn đầu châu lục về tốc độ tăng trưởng trong năm 2010, với tỷ lệ 0,9%.

Mặc dù số người gia nhập tầng lớp trung lưu đang tăng lên và số gia đình có thu nhập thấp trở thành nhóm tiêu dùng ngày một tích cực hơn, nhưng quy mô chi tiêu trong nước của LADC vẫn còn quá nhỏ và chưa thể bù đắp cho xu hướng chi tiêu tiêu dùng sụt giảm đột ngột ở phương Tây nên chưa tạo ra bước đột phá để đẩy nhanh vòng thoát hiểm khỏi tình trạng suy thoái toàn cầu.

Khả năng tăng mạnh mức chi tiêu cho tiêu dùng ở châu Á là hạn chế, khi các biện pháp và chính sách kích thích chi tiêu thông qua trợ giá và cấp phát tiền mặt cho một số đối tượng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Đó là chưa kể đến chiều hướng các nước sẽ kiềm chế chi tiêu công sau thời gian thúc đẩy mạnh chi tiêu tiêu dùng trong năm 2008 - 2009. Tuy nhiên, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng trong nước gia tăng và lan rộng ra các vùng miền cùng với việc có thêm sức mạnh từ nỗ lực thay đổi cơ cấu hoạt động sẽ giữ đà khởi đầu tốt cho các nước đang phát triển ở châu Á phát triển trong thời hạn hậu khủng hoảng.

Những chuyển biến kể trên sẽ ảnh hưởng đến nhịp độ tăng trưởng của kinh tế châu Á trong thời gian tới. Rất có thể thập niên 2010 sẽ là thập niên của LADC với vai trò ngày tăng trên vị thế vừa là nhà sản xuất lẫn người tham gia sáng lập thị trường. Lợi ích tiềm năng của việc mở rộng toàn cầu hóa là vô cùng to lớn. Châu Á đang là động lực đưa thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Trong báo cáo "Cập nhật viễn cảnh phát triển của châu Á 2009" công bố cuối tháng 9 vừa qua, ADB dự báo châu Á sẽ đóng góp hơn 75% cho tăng trưởng kinh tế năm nay. Đó là con số đáng kinh ngạc và trong những năm tới, dấu ấn của châu Á trên toàn cầu sẽ càng rõ nét hơn. Thách thức với khu vực sẽ là mở rộng phạm vi cũng như cấu trúc của sự cởi mở kinh tế, Đồng thời đánh giá lại tốc độ tham gia toàn cầu hóa. Song để khai thác tốt tiềm năng, các nước khu vực cần khắc phục và giải quyết những thách thức nảy sinh từ cơ cấu sử dụng nhiều năng lượng và tài nguyên thiên nhiên để tăng trưởng mà hiện đang tác động đến thị trường dầu mỏ và khoáng sản đồng thời tạo ra sức ép lạm phát trên thế giới.

Khi kinh tế thế giới phục hồi, một số sức ép cũ sẽ tăng trở lại và cộng hưởng với những ảnh hưởng của tình trạng lạm phát do các gói kích thích kinh tế công bố trong thời gian 2008 - 2009 gây ra. Thực trạng đó buộc LADC phải tích cực hành động để hướng tới mô hình tăng trưởng tiết kiệm nhiều nhiên liệu và các nước phát triển cần hỗ trợ xu hướng này. Nếu thập niên 2000 được coi là 10 LADC tiến hành cải tổ cơ cấu thì thập niên 2010 cần trở thành thập niên tăng cường hiệu quả (hoạt động) kinh tế toàn khu vực và thế giới.

Đắc Hanh

công thương

Các tin tức khác

>   G-20 bàn về chính sách kinh tế hậu khủng hoảng (07/11/2009)

>   Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tăng đột biến lên 10.2% (06/11/2009)

>   Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn CEPA với Ấn Độ (06/11/2009)

>   Tình hình KT - TC thế giới từ ngày 30/10 – 5/11/2009 (06/11/2009)

>   Nga: Chính phủ ra tay cứu Avtovaz (06/11/2009)

>   Lương bổng trì trệ và suy giảm đe dọa tới hồi phục kinh tế (05/11/2009)

>   Trung Quốc: Cải cách cơ cấu kinh tế như thế nào? (04/11/2009)

>   Bài học từ gói kích cầu của Mỹ (04/11/2009)

>   EU nâng dự báo tăng trưởng (04/11/2009)

>   Tái cân bằng - Thách thức không nhỏ của các nền kinh tế (04/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật