APEC thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã chính thức khởi động tại Singapore với cuộc họp cấp chuyên viên của 21 nền kinh tế thành viên trong hai ngày 8 - 9/11, nhằm chuẩn bị chương trình nghị sự cho Hội nghị cấp cao từ ngày 14 - 15/11.
Theo kế hoạch, các Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao và Kinh tế sẽ nhóm họp các ngày 10 - 12/11 để soạn thảo dự thảo văn kiện trước khi chuyển lên các lãnh đạo APEC xem xét và thông qua.
Diễn đàn năm nay được tổ chức vào dịp APEC kỷ niệm 20 năm thành lập. Khoảng 10.000 đại biểu, phóng viên báo chí và khách mời tham dự sự kiện này.
Với chủ đề "Tăng trưởng bền vững, Kết nối khu vực", Hội nghị cấp cao APEC năm nay tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng cũng như các cơ hội mà nền kinh tế thế giới đang đối mặt, cách thức khôi phục kinh tế và chống bảo hộ thương mại.
Bên cạnh đó, các vấn đề về hội nhập kinh tế khu vực, vòng đàm phán Doha và tình trạng biến đổi khí hậu cũng được các lãnh đạo APEC chú trọng thảo luận.
Dự kiến, tại hội nghị, các lãnh đạo APEC sẽ thúc đẩy một chiến lược chung mới nhằm giảm tình trạng mất cân bằng trong nền kinh tế thế giới, nảy sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.
Theo dự thảo tuyên bố của APEC, chương trình tăng trưởng khu vực tập trung tạo cơ hội cho mọi tầng lớp xã hội thông qua các mạng lưới an sinh xã hội thật tốt, giúp những thành phần dễ bị tổn thương nhất vượt qua khủng hoảng.
Trong một báo cáo công bố trong phiên họp đầu tiên, Ban Thư ký APEC nhấn mạnh rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương chịu tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, 70% thảm họa thiên tai trên thế giới xảy ra tại đây.
Vì vậy, các lãnh đạo APEC dự kiến sẽ kêu gọi cắt giảm hơn nữa tiêu thụ năng lượng. Tại cuộc họp năm 2007, APEC đã đề xuất mục tiêu của khu vực là đến năm 2030 giảm ít nhất 25% mức tiêu thụ năng lượng.
Diễn đàn APEC lần này được giới quan sát đặc biệt chú ý bởi nhân dịp dự diễn đàn,Tổng thống Mỹ Barack Obama công du ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần đầu tiên vào ngày 15/11.
Theo các nhà phân tích, đây sẽ là dịp để Tổng thống Obama xác định mối quan tâm đối với khu vực Đông Nam Á. Tại Nhật Bản, ông Obama sẽ tìm cách giải quyết tranh cãi về các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản.
Trong bốn ngày ở thăm Trung Quốc, Tổng thống Mỹ sẽ thảo luận với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về một loạt vấn đề gai góc trong quan hệ hai nước, từ việc phối hợp hành động chống biến đổi khí hậu đến các tranh chấp thương mại.
Tại Hàn Quốc, hai vấn đề quan trọng sẽ được đề cập, bao gồm vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và Hiệp định tự do thương mại Mỹ-Hàn Quốc hiện vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua.
Vietnam+
|