Thứ Tư, 11/11/2009 07:27

"Giấc mơ" chưa thành của châu Á

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã nhen nhóm lại giấc mơ của châu Á về một cộng đồng kinh tế chung kiểu EU. Liệu Mỹ có chung vui? Trước đây, lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp nhóm họp tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC ) phải dùng đến những bộ trang phục giống nhau để biểu lộ tinh thần đoàn kết. Lãnh đạo của 21 thành viên APEC, những nước đại diện cho gần 40% dân số và 54% GDP thế giới, đã khoác lên người trang phục truyền thống của nước chủ nhà, từ những chiếc mũ cao bồi cho đến những tấm vải batik màu mè để cho thấy rằng bất chấp những khác biệt, mọi người đều có thể mặc giống nhau để chụp chung một tấm ảnh.

Năm nay, những bộ trang phục như vậy là không cần thiết cho diễn đàn APEC vào ngày 12-13/11 tới ở Singapore. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm thay công việc đoàn kết này. Khi châu Á đang tìm kiếm một đầu tàu tăng trưởng mới thay cho Mỹ, và khi mà Mỹ đang trông chờ ở châu Á để có những khách hàng tiềm năng và có những chính phủ cho họ vay tiền, câu hỏi chủ đạo của diễn đàn lần này là liệu các nhà lãnh đạo của khu vực phát triển nhanh nhất thế giới này có tìm thấy một mô hình kinh tế mới cho cả phương Đông và phương Tây hay không.

Nỗi lo lắng cho tương lai kinh tế của APEC đã làm sống lại tư tưởng đã từng bị coi là không thực tế: tạo lập một khu vực tự do thương mại tương tự như của EU, trải dài ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC đề xuất. Khu vực này sẽ bao gồm phần lớn châu Á (ngoại trừ Ấn Độ) và một dải Trung và Nam Mỹ, cộng với một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Nga và Canada. Nếu tất cả các nước thành viên APEC tham gia, tổng GDP hàng năm sẽ là 37 nghìn tỷ đôla, gấp 2,5 lần EU - cộng đồng kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, theo IMF.

Khái niệm liên kết những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới không hề mới. Một số phiên bản của khu vực tự do thương mại châu Á đã được nêu lên trong quá khứ. Với việc các nền kinh tế châu Á đang dẫn dắt thế giới ra khỏi khủng hoảng trong khi Mỹ suy yếu, chủ đề này được bàn thảo nhiều hơn. Tại một cuộc họp các nhà lãnh đạo khu vực ASEAN tại Thái Lan tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã đề xuất thành lập “Cộng đồng Đông Á” bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và 10 nước Đông Nam Á, cộng thêm Ấn Độ, Australia và New Zealand. Ông Hatoyama – người gần đây cho rằng “kỉ nguyên toàn cầu hoá do Mỹ lãnh đạo đã đi đến hồi kết thúc” – đề xuất khu vực này có đồng tiền chung và một ngày nào đó sẽ “dẫn dắt thế giới”. Ít tham vọng hơn, Trung Quốc đã đề xuất một nhóm nhỏ hơn bao gồm các nước Đông Nam Á và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Logic cho sự hội nhập kinh tế châu Á gần gũi hơn đang trở nên bức thiết khi thương mại nội khối trở nên ngày càng quan trọng trong so sánh với thương mại châu Á – phương Tây. Theo HSBC, phần xuất khẩu của châu Á sang Mỹ và châu Âu đã giảm còn 30% tổng xuất khẩu trong năm 2008 từ mức gần 40% năm 1998. Trong thời gian này, xuất khẩu nội khối tăng từ 46% lên 54%.  Theo Lawrence Webb - phụ trách thương mại và chuỗi cung cấp toàn cầu của HSBC, “dòng chảy thương mại nội khối châu Á đang phát triển nhanh nhất thế giới”. Xu hướng này tăng nhanh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra. HSBC dự báo thương mại giữa các nước châu Á sẽ tăng trưởng hàng năm với tỷ lệ 12,2% cho đến năm 2020. Thương mại của khu vực này với Mỹ sẽ tăng 7,3% hàng năm trong thời gian này.

Điều này đánh dấu một thay đổi lớn. Như Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva tuyên bố tại hội nghị ASEAN gần đây: “mô hình tăng trưởng cũ với việc chúng ta phải dựa vào tiêu dùng của phương Tây cho hàng hoá và dịch vụ không còn hữu ích nữa”. Điều này đặc biệt đúng vì Trung Quốc - nước sắp sửa vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang trở thành bạn hàng thương mại quan trọng với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia. “Các công ty châu Á sẽ làm tốt hơn để hướng hàng xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng Trung Quốc” -  Kit Wei Zheng, nhà kinh tế của Citigroup ở Singapore cho biết. “Các công ty không thay đổi chiến lược bán hàng cho Trung Quốc sẽ nhanh chóng bị vượt qua bởi các đối thủ cạnh tranh”.

Khu vực tự do thương mại châu Á sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách cắt giảm thuế quan và xoá bỏ hàng rào thương mại. Theo Webb, mô hình đáng học tập là của EU sẽ giúp các công ty xuất nhập khẩu hàng hoá dễ dàng hơn trong khối. Thành lập một đồng tiền chung châu Á tương tự đồng euro sẽ cho phép các công ty vận chuyển hàng hoá và thu xếp tín dụng ít lo ngại hơn về rủi ro ngoại tệ. Theo Webb, “hàng rào thương mại trong năm qua ở châu Á là sự lên xuống tỷ giá. Với một công ty nhỏ và vừa, nó có thể là sự khác biệt giữa lợi nhuận và thua lỗ”.

Câu chuyện về việc thành lập khu vực thương mại châu Á có thể khiến Tổng thống Mỹ bối rối tại APEC lần này. Một số doanh nghiệp Mỹ ủng hộ ý tưởng này với điều kiện Mỹ góp mặt. Tạo ra một hệ thống luật lệ thương mại chung sẽ đơn giản hoá những hiệp định thương mại song phương được kí giữa các nước châu Á thời gian qua. Một số khác, lo ngại về triển vọng của một khu vực tư do thương mại do Trung Quốc dẫn đầu, sẵn sàng mong muốn APEC dẫn dắt. Theo Kevin Thieneman - Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của tập đoàn cung cấp thiết bị công nghiệp Caterpillar, “chính quyền Obama phải nhận thức được rằng Mỹ đang bị qua mặt trong thương mại với châu Á. Có sự thiếu hiểu biết ở Mỹ về các hiệp định thương mại song phương đang được kí kết nhanh chóng tại đây”.

Một cách thực tế, cần nhiều năm để tạo lập một khu vực thương mại theo kiểu EU trong khu vực. Những xung đột lịch sử giữa các nước như Trung Quốc và Nhật Bản hay sự khác biệt lợi ích giữa những nước phát triển và đang phát triển có thể khiến việc hợp tác là rất khó khăn. Một khó khăn nữa thường được nhắc đến là khác biệt văn hoá. “Châu Âu chia sẻ một nền văn minh chung, châu Á thì không” - Ravi Menon, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore nói. Những vấn đề khác bao gồm các thể chế châu Á có sẵn sàng cho một cộng đồng theo kiểu EU hay không. Cem Karacadag - nhà kinh tế của Credit Suisse ở Singapore, nêu ra câu hỏi: “Liệu các thể chế chính trị ở châu Á có phát triển đủ mức để thực hiện những gì mà châu Âu đã làm?”

Còn có những lý do khác khiến châu Á chưa thể sẵn sàng. Một trong những mục tiêu trung tâm của một khối thương mại châu Á sẽ là tạo điều kiện cho Trung Quốc mua hàng hoá của khu vực nhiều hơn khi Mỹ không còn là đầu tàu tiêu dùng và tăng trưởng. Tuy nhiên, GDP đầu người của Trung Quốc hiện giờ mới chỉ là 3200 đôla, dù tăng bốn lần so với năm 1997, nhưng vẫn còn thua xa GDP đầu người  của Mỹ vào khoảng 46000 đôla. Thêm nữa, các thói quen tài chính bảo thủ của người Trung Quốc vẫn ưu tiên cho tiết kiệm. Nói cách khác, tạo cơ hội cho các nước châu Á vào thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn không giống như việc thuyết phục người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên theo Citigroup, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Cho đến giờ, áp lực giảm các rào cản thương mại khu vực vẫn đang được tạo ra, một phần là do sự thất vọng về thất bại của WTO trong việc hoàn thành Vòng Đàm phán Doha. Các lãnh đạo tại hội nghị APEC lần này được trông đợi sẽ cam kết hoàn thiện khuôn khổ ban đầu cho một khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho đến cuối năm 2010. Trong khi các chi tiết chưa được quyết định, một hiệp định như vậy sẽ tạo ra một bước tiến đáng kể. Một điều chắc chắn là hội nghị APEC năm nay sẽ tạo ra nhiều điều đáng xem hơn một tấm ảnh chụp chung các nhà lãnh đạo.

Nguyễn Long

tuần việt nam, TIME

Các tin tức khác

>   Mỹ: Thâm hụt thương mại nới rộng, nhập khẩu tăng (09/11/2009)

>   IMF: Cần tiếp tục gói kích thích để hỗ trợ hồi phục (09/11/2009)

>   Chính phủ Nhật sẽ cứu trợ hãng Japan Airlines (09/11/2009)

>   APEC thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế (09/11/2009)

>   Mỹ giảm thuế cho dân mua nhà (09/11/2009)

>   G-20 duy trì gói kích thích kinh tế 1.000 tỷ USD (08/11/2009)

>   Năm 2010: Châu Á động lực đưa thế giới thoát khủng hoảng (08/11/2009)

>   G-20 bàn về chính sách kinh tế hậu khủng hoảng (07/11/2009)

>   Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tăng đột biến lên 10.2% (06/11/2009)

>   Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn CEPA với Ấn Độ (06/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật